Hiện nay, tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là tại các cổng bệnh viện, có rất nhiều cửa hàng, xe hàng rong bán cháo dinh dưỡng phục vụ trẻ nhỏ và người bệnh. Điều đáng nói, loại cháo này ngoài việc không đảm bảo dinh dưỡng, còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mắc bệnh khác do mất vệ sinh.
"Treo đầu dê, bán thịt chó"
Theo khảo sát của phóng viên Kiến thức, tại khu vực trước cổng viện Nhi Trung ương, có rất nhiều cửa hàng bán loại cháo này. Thậm chí có rất nhiều cửa hàng treo biển hiệu quảng cáo cháo dinh dưỡng cao cấp, với thực đơn bao gồm rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, theo quan sát thì loại “cháo cao cấp” đó chỉ được bán trên những chiếc xe đẩy thô sơ, với vài ba đồ chế biến sơ sài.
Dù các quầy hàng hết sức thô sơ, nhưng khi hỏi có những loại cháo nào? Thì được chủ một hàng cháo giới thiệu: “Muốn mua loại nào cũng có từ cháo thịt lợn, gà, lươn, cua, ếch”. Theo lời giải thích của chủ cửa hàng: “Chúng tôi phải có đủ các loại để cho mọi người còn lựa chọn, đổi món chứ. Có những khách quen, ngày nào cũng mua nên không thể bắt họ ngày nào cũng ăn cháo gà hoặc cháo lợn được”.
Nói là vậy, nhưng khi quan sát thì được biết, những quầy hàng này chỉ có vài ba loại thực phẩm cơ bản như: lợn, bò, gà, ruốc, rau. Nhưng khi khách hỏi cháo lươn thì quầy hàng vẫn đáp ứng, dù đó không phải là lươn.
|
Những quầy bán cháo dinh rất sơ sài và không có dụng cụ bảo bảo thực phẩm.
|
Đối với các loại thịt là vậy, nhưng kể cả với rau, họ cũng “treo đầu dê, bán thịt chó”, bởi cả quầy hàng chỉ có một hộp nhỏ đựng rau đã xay sẵn, nhưng khi khách hỏi rau mùng tơi, rau ngót, rau cải thì họ đều có và đều lấy ra từ chung một hộp. Trong vai một người mua hàng, khi phóng viên hỏi thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi xay sẵn từ nhà, mỗi loại để một góc nên khách gọi loại nào, chúng tôi có loại đó”.
Tiện thì mua
Đó là câu trả lời của không ít khách hàng ở những tiệm cháo di động này. Chị Hoàng Thị Minh Nguyệt (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đang chăm con điều trị ở BV Nhi Trung ương cho biết: “Tôi thấy mua cháo ở đây vừa rẻ, vừa có nhiều loại để lựa chọn mà lại không mất công đi xa nên tiện thì mua luôn cho nhanh”.
Còn anh Hùng (Lý Nhân, Hà Nam) lại chia sẻ: “Trước khi ra đây, tôi cũng nghe người ta nói, đồ ăn thức uống ở cổng viện chẳng sạch sẽ gì. Nhưng những người tỉnh lẻ như chúng tôi lấy đâu chỗ nấu nướng mà chẳng phải mua. Với lại, bọn trẻ ốm ngoài ăn cháo thì còn ăn gì được nữa, thôi thì khuất mắt trông coi”.
May mắn hơn anh Hùng, chị Lý Thị Mai (Chợ Đồn, Bắc Kạn) cho biết: “Cũng may tôi có người quen ở đây, nên nhờ nấu nướng được, chứ ăn mấy đồ hàng quán này, không khéo còn mắc bệnh thêm. Hôm trước, do vội quá tôi có ra mua 10.000 cháo ở cổng viện nhưng về cháu nó không sao mà nuốt được. Đã thế lại còn bị đi ngoài nữa. Rõ khổ!”.
Qua đó có thể thấy được rằng, có rất nhiều người biết là những loại cháo này mất vệ sinh, không đảm bảo chất dinh dưỡng, nhưng do điều kiện ở xa nên bắt buộc phải mua. Có lẽ nắm được tâm lý đó, nên ngày càng nhiều các xe bán cháo dinh dưỡng “hảo hạng” tập trung về bệnh viện.
|
Những quầy bán cháo dinh dưỡng "di động" không hề hiếm
|
Ai quản lý?
Trước sự nhốn nháo của các quầy hàng bán cháo dinh dưỡng nên không ít trẻ đã phải lãnh hậu quả từ những nối cháo “hảo hạng” đó. Thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận không ít những trường hợp trẻ sau khi ăn cháo bán sẵn phải nhập viện trong tình trạng ói mửa, tiêu chảy. Thậm chí có nhiều bệnh Nhi đang điều trị bệnh cũ lại thêm bệnh mới vì loại cháo này.
Về chất lượng dinh dưỡng, TS. Lê Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, cháo được gọi dinh dưỡng thì phải tính toán đủ và cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng tùy theo lứa tuổi của trẻ. Vì thế, nó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các cơ quan có chuyên môn.
Đồng thời, TS. Khanh khuyến cáo, các bà mẹ không nên vì tiện lợi mà lạm dụng các loại cháo này vì có thể sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho bé, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm, rất có hại cho trẻ nhỏ.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, những loại cháo gắn mác dinh dưỡng bán tại các vỉa hè, cổng bệnh viện không chỉ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà khi sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, vì những thực phẩm đó không có nhiều giá trị dinh dưỡng như những thực phẩm tươi sống, được bảo quản đúng cách.
Để hạn chế tình trạng này xảy ra tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người sử dụng, nhất là người bệnh, phóng viên đã liên lạc tới Sở Y tế Hà Nội, thì được biết, hiện những quán ăn vỉa hè, nhất là tại các cổng bệnh viện, Sở Y tế đã giao phòng y tế huyện quản lý và kiểm tra để phát hiện những sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.