280 trường hợp mắc và 4 trường hợp tử vong
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện ở các mùa quanh năm, tuy nhiên trong khoảng thời gian Hè thì nó sẽ là thời gian cao điểm của bệnh. Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 6 cho đến tháng 8 hàng năm.
|
Một bệnh nhi mắc bệnh viêm não đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương. |
Giải thích về nguyên nhân bệnh viêm não tăng cao trong mùa hè, ông Phu cho rằng, do mùa hè nắng mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây bệnh viêm não Nhật Bản ngày càng gia tăng.
Cũng theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, hiện hai bệnh viện đang điều trị nhiều bệnh nhân mắc bệnh viêm não nhất là bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay khoa đang điều trị 14 ca mắc bệnh viêm não, trong đó có một số ca là mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Còn theo thông tin từ Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng chục ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản đến khám và điều trị.
Sẽ tiêm phòng tại 63/63 tỉnh thành phố
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong năm 2014 sẽ tiến hành tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trên toàn quốc (63/63 tỉnh, thành phố) thay vì chỉ tiêm ở khu vực nguy cơ cao như trước đây. Theo nhận định của các chuyên gia, tiêm vắc xin cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng và chống bệnh viêm não Nhật Bản.
Bời, đây là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (10-20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn. Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
|
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng và chống bệnh viêm não. |
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, các triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản cũng giống như các bệnh viêm não thông thường khác đó là: nhiễm virus (sốt), sau đó xuất hiện thêm triệu chứng như nôn khan, đau đầu. Sau đó, 1 đến 2 ngày trẻ xuất hiện các triệu chứng nhẹ thì ngủ gà, lơ mơ. Nặng hơn nữa là hôn mê, co giật, liệt vân động . Theo bác sĩ Hải, đa số các trường hợp mắc viêm não Nhật Bản là do không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các bậc phụ huynh nên tiêm cho trẻ từ lúc được 12 đến 15 tháng tuổi. Mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 sau mũi một từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15.
Cũng liên quan đến bệnh viêm não Nhật Bản, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội mới phát đi thông báo cho biết, bắt đầu từ ngày 22/6, tất cả trẻ em sinh từ ngày 1/1/2011 đến 31/5/2013 trên địa bàn Hà Nội sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản miễn phí.
Theo đó, đợt I từ 22-23/6, Hà Nội sẽ tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên.
Đợt II từ 29-30/6 sẽ tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 và tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm trong đợt I.