Theo thông tin Kiến Thức tiếp nhận, bệnh nhân này được tán sỏi trong buồng tán sỏi niệu quản nội soi bằng laser của bệnh viện. Đây là nơi có điều kiện cơ sở vật chất không đạt yêu cầu, không đáp ứng được chuyên môn cần thiết cấp cứu bệnh nhân kịp thời khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, tại khu tiến hành thủ thuật tán sỏi có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 10m2.
|
Buồng tán sỏi niệu quản nội soi bằng laser nơi xảy ra sự việc đã được niêm phong |
Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, bệnh viện đặt phòng tán sỏi ở đó là không hợp lý, mà phải đặt ở khoa gây mê hoặc phòng mổ riêng với đầy đủ các phương tiện kỹ thuật để cấp cứu bệnh nhân khi có sự cố xảy ra.
Ngoài những bất cập về mặt cơ sở vật chất, ca tán sỏi khiến bệnh nhân tử vong còn xuất hiện những mặt chưa đúng về con người, điển hình là việc điều dưỡng không có chứng chỉ hành nghề vẫn được tham gia vào ca tán sỏi gây tử vong này.
Trước sự việc trên, lãnh đạo Bệnh viện E đã tiến hành tiến hành một cuộc họp sau khi sự cố sảy ra, tại cuộc họp đã có ý kiến cho rằng, phía bệnh viện cần phải thành lập một hội đồng chuyên môn thẩm định lại phòng tán sỏi của bệnh viện xem đã đúng quy định và đảm bảo tiêu chuẩn hay chưa? Nếu cần thiết có thể yêu cầu Bộ Y tế vào cuộc thẩm định.
|
Bệnh viện E Hà Nội |
Riêng về phía bệnh nhân, theo tìm hiểu của phóng viên, bệnh nhân này thận đã “câm” (đã hỏng - PV) và có mủ, vì thế theo các bác sĩ là không được phép làm. “Nếu trong trường hợp này đúng ra là phải mổ để lấy sỏi cho bệnh nhân sẽ an toàn hơn, chứ không phải phương pháp bắn laser như vậy”, một bác sĩ cho biết.
Qua sự việc trên có thể nhận thấy rằng, cái chết của bệnh nhân khi tán sỏi thận còn rất nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là vấn đề cơ sở vật chất và con người khi tiến hành làm thủ thuật.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Kiến Thức đã liên hệ với ông Đoàn Hữu Nghị, giám đốc Bệnh viện E, tuy nhiên vì lý do bận họp, vị Giám đốc này đã hẹn tiếp phóng viên vào một ngày gần nhất …
* Kiến Thức tiếp tục thông tin về vụ việc này.