Bài tập chữa bóng đè

Google News

BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng long Võ đạo Việt Nam cũng gửi đến những lý giải của mình và cách tập để tránh bị bóng đè.

- Sau khi tòa soạn đăng bài lý giải về hiện tượng bóng đè, BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, Chưởng môn phái Thăng long Võ đạo Việt Nam cũng gửi đến những lý giải của mình và cách tập để tránh bị bóng đè.

Rối loạn tâm thức dễ biến thành chu kỳ

[links(left)]Hiện tượng bóng đè là do sự đè nén của hơi thở làm giảm thông khí và máu lên não gây nên sự rối loạn tạm thời tại vỏ não, làm cho sự điều tiết phản xạ của thần kinh trung ương và thần kinh thực vật bị rối loạn - ảnh hưởng đến sự kết nối giao cảm và phó giao cảm, gây ức chế cục bộ tạo nên những ảo giác tức thì. Ngay lúc đó hữu thức (ý thức) gặp vô thức trong sự mất điều chỉnh của vỏ não.

Hiện tượng này cũng giống như giấc mơ nhưng bóng đè thì nặng hơn. Bình thường khi thức thì hữu thức và vô thức hoạt động độc lập. Còn khi ngủ thì hữu thức khép lại, chỉ có vô thức hoạt động. Nhưng trong cơn mơ thì hữu thức chưa dừng hoặc chợt hiện (do tiếng động chẳng hạn), chính lúc đó hữu thức gặp vô thức không đầy đủ (gọi là giấc mơ).

Trong bóng đè thì hữu thức gặp vô thức khi bị rối loạn tâm thức. Do rối loạn hơi thở bộc phát, do căng thẳng tâm thức, hoặc do ức chế lâu gây nên phản vệ. Hiện tượng bóng đè thực chất là một bệnh tâm thể. Hoặc do căng thẳng tinh thần, hoặc do rối loạn giấc ngủ, hoặc do rối loạn tuần hoàn não, hoặc do giảm sức thở. Nếu không được giải tỏa sẽ thường xuyên bị bóng đè theo chu kỳ.

BS.VS Nguyễn Văn Thắng đang biểu diễn một bài tập khí công giúp chữa bóng đè.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng đang biểu diễn một bài tập khí công giúp chữa bóng đè.

Bài tập chữa bóng đè

Nếu bị bóng đè thường xuyên mà không được giải tỏa sẽ làm ảnh hưởng tới não bộ và sức khoẻ. Để giải tỏa hiện tượng bóng đè có thể dùng các giải pháp sau:

- Nghiệm pháp tâm lý: Sự tác động về mặt tâm thức của các nhà tâm lý, thôi miên hay tâm pháp.

- Tập rung động thư giãn: Theo các bài tập thả lỏng của yoga, thái cực quyền và khí công. Đối với tập tĩnh công tâm pháp mật tông và thiền định là tối thượng.

- Về tư tưởng: Tránh các rối loạn về tâm thức, nội tư thanh tịnh và sống với những kỷ niệm tốt đẹp, thánh thiện.

- Thường xuyên Tùy tịnh - Tự nhiên: Tức là cơ thể luôn thư giãn và tinh thần yên tĩnh. Không dùng chất kích thích và hình ảnh kích thích.

Bài tập: Người bệnh khởi động toàn thân theo các cách vận động thông thường. Nếu biết khí công động thì càng tốt. Trước khi ngồi cũng nên xoa bóp toàn thân để cơ thể dễ thả lỏng. Ngồi khoanh chân (kiết già hoặc bán già), 2 tay đặt chồng lên nhau theo ấn kim cang pháp, thân thẳng và lỏng, miệng ngậm tự nhiên và nội tư yên tĩnh.

Quán niệm thanh tịnh (Ngồi yên và tưởng tượng) sao cho:

- Thấy pháp giới rộng mở, mây trời sông nước: Người ngồi cảm thấy như mình đang ngồi trên ngọn núi cao với không gian rộng mở, phía trước là biển sen bát ngát vô bờ, gió biển lồng lộng thổi, hương sen tỏa thơm ngát khắp đất trời, từng hơi thở thấy thân tâm như buông thả, lắng dịu hơn.

- Thấy pháp giới thanh tịnh: Thấy nhiều ngọn núi, hải đảo, giữa pháp giới là am đảo Quán  thế âm, trong tư thế ngồi trên đài sen thật trang nghiêm thanh tịnh. Quán thế âm mặc bộ bạch y màu sáng với tâm hồn rộng mở khắp đất trời, tay trái nâng bình nước cam lộ với thông điệp yêu thương, từ ái. Khi đó tâm khởi lên cảm xúc là vạn vật đồng nhất thể, cùng một trật tự thể vũ trụ và thập nhị luân hồi đạo hòa hợp cùng năng lượng tuyệt đối.

Tiếp tục quán (nghĩ) tay trái của Quan thế âm bồ tát với nhành dương liễu, với thông điệp mùa xuân đang mở trên thế gian và tâm khởi lên cảm giác là thế giới này tuyệt vời như mùa xuân bất tận và mở Đại nguyện ta tôn kính tất cả, tôn kính đức phật với vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức, tôn kính các bồ tát, thánh thần che chở, giám hộ, tôn kính tứ thân phụ mẫu sinh thành, tôn kính vạn vật trong trời đất hòa cùng pháp giới. Tiếp tục quán quanh thân mình bồ tát Quan thế âm hào quang sáng chói, phủ trùm pháp giới.

- Thanh lọc bản thể: Tiếp tục quán cho đến khi thấy đức quan âm dùng thần lực bay lên hư không và dùng cành dương liễu vẩy nước cam lộ xuống khắp thế gian. Ta quán bằng tâm thấy khắp đất trời mưa sen thất bảo thơm lừng và mát mẻ như mưa xuân, làm lắng dịu thế gian, xua tan ưu phiền, giải tỏa trọc khí. Sau cơn mưa thấy mùa xuân rực rỡ nở ra khắp thế gian. Lại thấy từng đám mây trắng, xanh, hồng hoặc vàng từ trên cao chụp xuống đỉnh đầu chúng ta. Đám mây lan tỏa khắp toàn thân và thấy thân tâm ta lắng dịu, thanh tịnh và trong sáng dần mỗi khi đám mây lan tỏa, tâm ta rỗng dần, thanh tịnh và tỉnh giác.

- Khai mở huệ tâm: Quán sao cho thấy cả pháp giới rỗng lặng và hào quang tỏa sáng như lưới tơ báu một màu vàng rực, không còn vạn vật và ta. Quán về mình chỉ là bông sen màu vàng, rực rỡ ánh sáng vàng và mùi hương thơm ngát.

- Xả pháp: Khi đã đạt được các điều trên thực hiện xả pháp như nháy mắt động thần, rung lắc toàn thân. Ép thân thở mạnh ra 3 lần. Cuối cùng là xoa bóp toàn thân.

Bóng đè là sự đè nén của tâm thức

Bóng đè là một trạng thái của giấc mơ, chỉ xảy ra trong một thời điểm ngắn khi linh hồn con người bị ức chế, đè nén. Bởi cơ thể con người gồm 7 cấu phần: Cơ thể vật lý, cơ thể năng lượng, cơ thể cảm xúc và 4 cơ thể tâm thần (linh cảm - nhân quả - trí tuệ, tài năng bẩm sinh - linh hồn, tinh thần). Trong 7 cấu phần này chỉ có cơ thể vật lý là hữu hình, 6 cấu phần khác là vô hình (cơ thể tế vi). Giấc mơ là biểu hiện của cõi vô thức. Khi bị bóng đè tức là đang vô thức và khi đó trường năng lượng sinh học không được ý thức điều khiển thông suốt dẫn tới rối loạn, mất cân bằng âm dương trong các kênh năng lượng, ví dụ, tắc nghẽn, thì có các triệu chứng tương ứng xuất hiện, nghĩa là tâm thức bị ức chế, đè nén. Nếu các rối loạn này xảy ra thường xuyên thì phát sinh những bệnh tâm thần - nội tiết - thực vật (trầm cảm, loạn tâm thần, rối loạn điều hòa giữa tâm thần, nội tiết và ngoại môi...) và các rối loạn chức năng khác gọi chung là hội chứng âm dương.
GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu (nguyên Viện trưởng Viện Văcxin, tác giả cuốn sách "Khoa học và vấn đề tâm linh"...)
BS.VS Nguyễn Văn Thắng

Bình luận(0)