Gốc của bệnh là do can thận hư
Những bệnh nhân đến thăm khám tại phòng khám Đoàn Hồng Phúc từ nhẹ đến nặng và đa dạng các thể bệnh. Chủ phòng khám, TS Đoàn Minh Thụy, giảng viên Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam còn nhớ như in hình ảnh cô Nguyễn Thị Loan (46 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) tới phòng khám của mình cách đây 2 năm, khi bước xuống xe taxi con trai phải bế vào. Thời điểm đó, cô Loan không thể đi lại được, đầu gối sưng, đau khiến mọi sinh hoạt của cô phải nhờ đến cậu con trai đang tuổi thanh niên, bởi nhà có 2 mẹ con.
Trước đây, cô Loan đã từng tới bệnh viện Tây y điều trị nhiều lần, có khi tiêm thẳng vào khớp gối nhưng được hai tuần bệnh lại tái phát. Thêm nữa, vì phải sử dụng thuốc giảm đau kéo dài nên cô lại mắc thêm chứng bệnh đau dạ dày. Chính vì vậy nên đã quyết định một lần điều trị bằng Đông y để giảm bớt những tác dụng phụ của thuốc Tây. Sau 1 tháng điều trị tại đây, hiện cô Loan có thể đi lại bình thường, thậm chí ngày nào cũng đi xe đạp đi bán hàng...
Chia sẻ về căn bệnh này, TS Đoàn Minh Thụy cho biết, thoái hóa khớp gối, cái gốc của bệnh là do can thận hư kết hợp với phong hàn thấp. Triệu chứng của can thận hư là đau lưng, mỏi gối, ù tai, mất ngủ, mờ mắt, trí nhớ giảm, ngủ ít... mạch trầm tế. Nếu bệnh kết hợp với phong hàn thì có thể bị tê bì chân tay, sợ gió, sợ lạnh, đau tăng khi trời lạnh... Để điều trị dạng này cần bổ can thận kết hợp khu phong tán hàn với các vị như thỏ ty tử, ba kích, quế chi, phòng phong...
Trường hợp nếu có thấp kết hợp thì mình mẩy nặng nề, khớp gối sưng, cảm thấy khớp gối khó cử động vào buổi sáng. Điều trị ngoài các vị trên cần kết hợp với các vị trừ thấp như tỳ giải, ý dĩ, thương truật... Ngoài ra, với bệnh thoái hóa khớp gối có thể sử dụng dây đau xương, gối hạc, hà thủ ô, cẩu tích... Đây là những vị thuốc Nam rất hiệu quả tùy vào chứng bệnh và cơ địa mà gia giảm.
|
TS Đoàn Minh Thụy hướng dẫn bệnh nhân xoa bóp khớp gối. |
Xoa - xát - day - lăn - bóp - bấm
Đây là những động tác rất hữu hiệu kết hợp với việc dùng thuốc để tạo cho khớp gối khoẻ mạnh, nhanh hồi phục. Theo đó, các huyệt được tác động chủ yếu xung quanh đầu gối như lương khâu, huyết hải, độc tỵ, tất nhãn, dương lăng tuyền...
* Động tác xoa: Người bệnh ngồi thả lỏng trên giường cứng, hai chân duỗi thẳng. Hai bàn tay ôm lấy hai bên khớp gối, xoa quanh khớp từ trên xuống và ngược lại khoảng 20 lần. Tiếp đó dùng hai bàn tay úp lên hai xương bánh chè, day tròn theo chiều thuận và ngược kim đồng hồ mỗi chiều khoảng 20 lần.
Động tác xát: Người bệnh dùng tay xát nhẹ vào vùng đầu gối làm tăng dinh dưỡng của khớp, làm khoảng một vài phút.
Động tác day: Dùng khuỷu tay day từ nhẹ đến mạnh vùng đầu gối, ngày 20 lần.
Động tác lăn: Người bệnh tay nắm hờ, đặt lên vùng gối lăn đi lăn lại 20 lần.
Động tác bóp: Dùng tay bóp nhẹ vùng đầu gối vào các huyệt.
Động tác bấm: Dùng ngón tay cái bấm mạnh vào các huyết rồi từ từ thả tay ra.
TS Đoàn Minh Thụy cho hay, mục đích của các động tác này là làm giãn các mạch, mềm cơ, tăng tuần hoàn máu tới khớp.
Thoái hóa khớp gối là một trong những chứng hư khớp thường gặp. Khi điều trị bằng Đông y nhằm giải quyết cái gốc của bệnh chứ không chỉ giảm viêm, chống đau thông thường. Do vậy, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tập luyện, tránh ngồi, đứng lâu ở một tư thế. Trong các đợt cấp cần giữ ấm cho vùng bệnh, tránh đi dép, giầy cao...
TS Nguyễn Văn Chương (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bộ Năng lượng)