Phế khí thực thì bị suyễn, ngực tức đầy, phải ưỡn người mà thở; phế khí bất túc thì khí ít không đủ để thở, tai điếc họng khô. Bệnh thường gặp ở người già. Khi điều trị phải dùng phép bổ. Dưới đây là các phương pháp điều trị.
|
Theo Đông y ho, khó thở, hen suyễn là chứng "phế khí hư" gây tắc tắc mũi khó thở, thiếu khí. |
Do phế khí hư sinh chứng ho: Phế khí hư yếu mất vai trò làm chủ, chức năng túc giáng của phế hư tổn mà sinh bệnh. Triệu chứng: Ho nhiều, đờm trong loảng, đoản hơi, tiếng nói nhỏ, mặt nhợt nhạt, tự ra mồ hôi, người mệt mỏi. Điều trị: Bổ phế khí, kiện tỳ, hóa đàm.
Bài thuốc: Lục quân tử thang gia giảm nhân sâm 8g, phục linh 12g, bạch truật 12g, bán hạ 10g, trần bì 12g, chích thảo 4g. Nếu đờm nhiều gia hạnh nhân 8g, la bặc tử 12g. Nếu có sốt gia sinh địa 8g. Đờm vàng gia tang bạch bì 12g. Khản tiếng gia cát cánh 12g. Đau họng gia kha tử 8g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.
Do phế khí hư sinh chứng háo suyễn: Khi phế khí bất túc, phế mất chức năng túc giáng làm khí nghịch lên mà sinh bệnh. Triệu chứng: Tính đặc trưng là hư suyễn, suyễn gấp, đoản hơi, khi suyễn lên thì há miệng, so vai vì thiếu khí để thở. Điều trị: Bổ ích phế khí, liễm phế bình suyễn.
Bài thuốc "Tứ quân tử thang": Nhân sâm 8g, bạch truật 12g, phục linh 10g, chích thảo 4 g. Có thể gia hoàng kỳ 12g để bổ khí, bạch quả 12g, ngụ vị tử 8g, anh túc xác 12g để liễm phế. Nếu đờm nhiều gia: Cát cánh 12g, hạnh nhân 8g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn hoặc lúc đói, uống khi thuốc còn ấm.
Do phế khí hư tự ra mồ hôi: Vì phế khí hư yếu tấu lý không kín đáo sự đóng mở thất thường mà sinh bệnh. Triệu chứng: Bệnh nhân hay sợ gió, khi gặp lạnh thì dễ cảm mạo, tự ra mồ hôi, hễ lao động nhẹ thì suyễn tăng. Điều trị: Ích khí cố biểu liễm hãn.
Bài thuốc "Ngọc bình phong tán": Phòng phong 12g, bạch truật 16g, hoàng kỳ 16g. Nếu sợ gió thì gia liên kiều 12g, quế chi 8g. Nếu mồ hôi ra nhiều gia ngụ vị tử 8g, mẫu lệ 16g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày uống sau khi ăn khi thuốc còn ấm.
Do cơ thể suy yếu sinh chứng phế khí hư: Cơ thể vốn phú bẩm bất túc, ốm đau lâu ngày nguyên khí bị hao tổn dẫn đến phế khí bất túc. Triệu chứng: Bệnh nhân thấy lúc nóng lúc rét, tự ra mồ hôi, đoản hơi, ho, tiếng nói nhỏ, hay cảm mạo khi mắc bệnh thường kéo dài không khỏi. Điều trị: Bổ ích phế khí.
Bài thuốc "bổ phế thang": Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, tử uyển 8g, thục địa 16g, tang bạch bì 12g, ngụ vị tử 6g. Nếu bệnh nhân ăn kém gia sa nhân 8g, thần khúc 10g, nếu đại tiện lỏng gia mộc hương 6g. Nếu ho nhiều đờm gia bách bộ 12g, hạnh nhân 8g. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói, uống khi thuốc còn ấm.