1. Thức ăn không hợp khẩu vị, không hợp với lứa tuổi trẻ.
Một số ông bố bà mẹ cho rằng chỉ có một số loại thức ăn bổ và tốt cho trẻ như: thịt, sữa, trứng, cá quả, … và với niềm tin này, họ tích cực cho cục cưng của mình ăn các thức ăn bổ này hết ngày này qua ngày khác. Nếu cộng thêm kiểu nấu lặp đi lặp lại một số món thì việc trẻ chán ăn là điều dễ hiểu. Thực tế, trẻ cần các loại thức ăn đa dạng, vì khi phối hợp nhiều loại thực phẩm, chúng sẽ hỗ trợ cho nhau tạo nên phẩu phần cân đối, trẻ ăn sẽ ngon miệng hơn, và dễ hấp thu các chất dinh dưỡng hơn. Ngoài thịt, cá, trứng, sữa, phụ huynh nên cho trẻ ăn thêm đậu. vừng, lạc, tôm, cua, lươn, rau xanh, quả chín….
Khi trẻ còn bé – 7 đến 12 tháng tuổi – thì nấu bột, nấu cháo với các loại thức ăn đa dạng trong 4 nhóm thực phẩm (đạm, béo, đường, vitamin và muối khoáng), nhưng khi trẻ lớn hơn - từ sau 12 tháng – đã có đủ răng cửa và một số răng hàm, nếu trẻ chán ăn bột, cháo, có thể cho trẻ ăn bún, phở, mì,… nấu với các thực phẩm đa dạng.
|
Ảnh minh họa |
2. Trẻ bị ép ăn theo một chế độ cứng nhắc, tạo nên tâm lí sợ ăn.
Do lo lắng sợ con đói, con còi nên khi thấy bé ăn không hết bát bột, bát cháo là nhiều bà mẹ cố nhồi, cố ép trẻ ăn cho hết. Nhiều lần như vậy, bé sẽ đâm chán ăn và sợ ăn, dần dần thành phản xạ, nên cứ nhìn thấy bưng thức ăn ra là không muốn ăn. Chúng ta nên biết rằng khi trẻ có tâm lí thoải mái, vui vẻ, nhất là có tâm lí ganh đua khi ăn thì sẽ kích thích các tuyến men tiêu hoá hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hoá giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Điều này lí giải vì sao nhà “con đàn” dễ nuôi hơn con một. Các ông bố, bà mẹ nên tạo điều kiện cho con mình hoà nhập với các bạn cùng trang lứa trong vui chơi, sinh hoạt ăn uống để tạo cho trẻ có tâm lí chia sẻ và ganh đua sẽ giúp trẻ thích ăn hơn.
3. Trẻ hay ăn uống vặt và ăn không đúng bữa.
Ăn các loại bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn sẽ làm tăng đường huyết và gây cảm giác “no giả tạo”, nhưng thực chất là trẻ vẫn đói và vẫn bị thiếu dinh dưỡng. Do vậy, chỉ cho trẻ ăn, uống đồ ngọt sau bữa ăn với số lượng hạn chế. Nên cho trẻ ăn đúng giờ mỗi ngày.
4. Nhiễm kí sinh trùng đường ruột.
Trẻ bị nhiễm kí sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun móc, giun kim… thường chán ăn, xanh xao. Nên tẩy giun cho trẻ theo định kì 6 tháng một lần và giữ vệ sinh ăn uống, nơi ở.
5. Thiếu một số vitamin.
Các vitamin A,B,C… và một số yếu tố vi lượng (sắt, kẽm,…) tham gia hình thành các men tiêu hoá và quá trình chuyển hoá, hấp thu thức ăn, các chất dinh dưỡng này có trong thức ăn từ động vật (thịt, các, trứng,…) và các thức ăn từ thực vật (đậu, đỗ, rau, qủa và ngũ cốc), nhưng do trẻ lười ăn, ăn ít hoặc ăn kiêng nên bị thiếu. Việc bổ xung
vitamin và vi chất dinh dưỡng thường được thực hiện dưới dạng polyvitamin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ có thể cải thiện được tình trạng chán ăn của trẻ. Tuy nhiên, không nên dùng thưốc kéo dài vì sẽ gây thừa và có hại.
6. Trẻ đang bị bệnh
Khi trẻ bị bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, tiêu chảy, viêm tai giữa thì việc trẻ mệt mỏi và chán ăn là đương nhiên. Chăm sóc ăn uống cho trẻ lúc này rất quan trọng, giúp trẻ mau khỏi bệnh và bình phục. Khi trẻ ốm, cần cho ăn những thứ thức ăn mềm, giàu
dinh dưỡng.Chọn loại thức ăn mà trẻ thích và kiên trì dỗ trẻ ăn từng ít một, ăn làm nhiều bữa.
Nếu loại bỏ các nguyên nhân trên rồi mà trẻ của bạn vẫn biếng ăn thì có thể nghĩ tới bé lười ăn do thiếu men tiêu hoá.
Trẻ bị thiếu men tiêu hoá thường đi ngoài phân không mịn, có những hạt trắng lổn nhổn, gọi là phân sống. Bình thường trong cơ thể trẻ có rất nhiều loại men tiêu hoá để giúp cơ thể tiêu hoá và hấp thu các loại thức ăn làm cho trẻ chóng đói, muốn ăn và ăn ngon miệng. Nếu bị thiếu men tiêu hoá, phụ huynh có thể cho trẻ uống thêm men nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ dùng men tiêu hoá trong vòng 1-2 tuần. Không nên dùng men tiêu hoá kéo dài, vì sẽ gây ức chế các tuyến tiêu hoá sản xuất men trong cơ thể. Với trẻ sau 6 tháng tuổi, hàng ngày nên cho trẻ ăn thêm sữa chua.
Muốn cho trẻ hay ăn chóng lớn cần quan tâm chăm sóc trẻ một cách chu đáo, cẩn thận, khoa học, tạo cho trẻ những bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngon miệng. Khi trẻ biếng ăn, cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Cần đặc biệt chú ý đến yếu tố tâm lí của trẻ.