Đối tượng dễ bị bệnh mỡ máu cao

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh mỡ máu cao thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, nguyên nhân có thể là tiên phát hoặc thứ phát do các bệnh khác. 

Nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu cao có thể là tiên phát (do di truyền) hoặc thứ phát. Sự rối loạn này bao gồm: tăng loại lipoprotein có phân tử lượng thấp (LDL-c), giảm loại có phân tử lượng cao (DHL-c), tăng Triglycerid, sự thay đổi này đồng thời làm cho Cholesterol toàn phần tăng, cho nên có tên gọi là bệnh mỡ máu cao.
Các nhóm đối tượng có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu gồm:
1. Nhóm đối tượng thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mỡ máu cao ( rối loạn mỡ máu). Người gầy nhưng nếu có chế độ ăn uống không lành mạnh: sử dụng rượu bia, hút thuốc, ăn nhiều nội tạng động vật cũng có khả năng mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Cholesterol được sản xuất ở gan (khoảng 80%) từ các a-xít béo bổ xung từ thực phẩm hoặc từ các khâu chuyển hóa khác và 20 % là cung cấp trực tiếp từ những thức ăn có hàm lượng chlesterol cao như: mỡ động vật, thịt có màu đỏ (thịt bò, thịt lợn), tôm, lòng lợn, lòng bò, óc, trứng, dầu dừa (là dầu thực vật nhưng lại có nhiều acid béo bão hòa).
Ở nhóm đối tượng này do có thói quen ăn uống vô độ , lượng a-xít béo (Nguyên liệu để sản xuất cholesterol) cũng như cholesterol được đưa vào cơ thể quá nhiều, làm tăng quá trình thấm vào màng trong của động mạch mặc dù đôi khi nồng độ LDL-c chưa phải là ở mức cao.
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống theo hướng giảm thực phẩm có chứa nhiều cholesterol và tập thể dục thường xuyên có hiệu quả tốt ngăn chặn bệnh rối loạn mỡ máu.
2. Nhóm đối tượng mắc các bệnh đái tháo đường, hội chứng thận hư, suy tuyến giáp, bệnh gan mãn: Ở nhóm này, việc điều trị tích cực, kiểm soát tốt các triệu chứng và biến chứng có tác động tốt đến sự rối loạn mỡ máu.
- Ở bệnh đái tháo đường: Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrat (đường), có kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid (mỡ) và protein (đạm). Trong cơ thể sinh vật sống sự chuyển hóa đường - đạm - mỡ có mối liên quan mật thiết tương hỗ với nhau. Sự rối loạn chuyển hóa lâu dài của một chất đều kéo theo sự rối loạn chuyển hóa của 2 chất còn lại. Ở trường hợp này, sự rối loạn chuyển hóa lipid thường là suy thoái và giảm tất cả các loại lipoproten trong máu, nhưng đôi khi các loại khác giảm nhưng LDL-c lại không giảm, hoặc tăng nên gây ra bệnh rối loạn mỡ máu.
- Ở hội chứng thận hư: Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, được đặc trưng bởi phù, protein niệu (protein trong nước tiểu) cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu và có thể đái ra lipid, do nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau gây nên. Ở đây rối loạn mỡ máu là một triệu chứng của hội chứng thận hư.
- Trong bệnh suy tuyến giáp: Tuyến giáp sản xuất hormon tuyến giáp không đầy đủ gây nên tổn thương các mô và các rối loạn chuyển hóa, trong đó có chuyển hóa lipid. Các xét nghiệm sinh hóa trong suy giáp thường thấy: thiếu máu, tăng cholesterol, tăng Triglycerid, Glucoza giảm, natri máu giảm....
3. Nhóm đối tượng bị bệnh mãn tính sử dụng thuốc điều trị lâu dài không đúng cách:Một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, thuốc tránh thai lâu dài, nghiện rượu,
- Ở người nghiện rượu: Nghiện rượu là nghiện Ethanol, biểu hiện là lệ thuộc vào các triệu chứng xuất hiện khi không uống rượu, người nghiện bắt buộc phải uống rượu để cắt các triệu chứng này.
Ethanol khi có nồng độ cao thường xuyên trong máu gây tổn thương các mô, ethanol xen vào giữa hai lớp lipid làm giảm thứ tự phân tử của các chuỗi acyl của phospholipid làm thay đổi cấu trúc màng từ đó làm gia tăng quá trình thấm cholesterol vào màng trong động mạch làm gia tăng xơ vữa động mạch. Rượu không trực tiếp gây bệnh rối loạn mỡ máu, chúng là yếu tố làm tăng biến chứng của rối loạn mỡ máu. Rượu liên quan đến rối loạn mỡ máu là do chúng gây viêm gan mạn và xơ gan do rượu, từ đó dẫn đến rối loạn chuyển hóa các chất trong đó có rối loạn chuyển hóa lipid.
- Ở người sử dụng các thuốc chẹn bê ta (Beta-blockers) lâu dài:
Các thuốc chẹn beta được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh tim mạch, mắt ( bệnh thiên đầu thống), run vô căn, nhiễm độc tuyến giáp,cao huyết áp kịch phát... . Một số thuốc chẹn bêta tan trong mỡ và chúng tăng đề kháng insulin do đó dễ kích hoạt đái tháo đường tiềm tàng dẫn đến bị đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa đường và liên quan là chuyển hóa lipid. Do vậy, bệnh nhân khi phải điều trị lâu dài các thuốc này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình do bác sĩ đặt ra, không tự ý mua thuốc về điều trị vì tin rằng mình bị bệnh lâu năm có kinh nghiệm về bệnh.
- Ở người sử dụng thuốc tránh thai lâu dài, do thuốc là tổ hợp các hoóc-môn nội tiết sinh dục, sử dụng lâu dài thường kèm theo các biến chứng như: tăng sắc tố ở gò má (nám da), sỏi mật, rối loạn chuyển hóa trong đó có chuyển hóa lipid.
Xem video chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Hoàng về sự nguy hiểm của bệnh mỡ máu.


Bình luận(0)