Chỉ trong khoảng chừng 10 năm lại đây, sự sinh sôi nảy nở của những con sử tử đá Trung Hoa trở thành một trong những vấn đề tranh luận sôi nổi trên báo chí. Từ góc nhìn văn hóa biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng. Việc các cơ quan quản lý đã có hành động kiên quyết xử lý cặp sư tử đá ở chùa Một Cột, chùa Trung Kính Thượng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)… được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu, các cấp chính quyền và người dân. Tuy vậy, vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên từ sự thiếu hiểu biết về hệ thống các biểu tượng cổ truyền trong văn hóa Việt.
|
Sư tử chùa Hương Lãng thời Lý.
|
Từ góc độ nghiên cứu so sánh, chúng tôi xin được trình bày có hệ thống hình tượng sư tử trong nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam trên bình diện khu vực. Trước hết là những đặc điểm tạo hình cơ bản của sư tử Việt.
Li Zhigang (Lý Chi Cương) là tác giả của công trình nghiên cứu công phu về sư tử đá từ cổ tới kim trong mỹ thuật Trung Hoa. Về hình tượng này, ông rút ra những đặc điểm tiêu biểu như sau: “Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con”. So với các nước trong khu vực, đồ án sư tử Việt Nam xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình tương đối muộn. Gắn bó với Phật giáo, sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó. Ngay cả trong những giai đoạn văn hóa cung đình Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới mỹ thuật Việt Nam như thời Lê Sơ và thời Nguyễn.
|
Đôi sư tử vờn ngọc chùa Phật Tích.
|
Đặc trưng khái quát của tạo hình sư tử Việt là hàm răng có số lượng lớn. Những quái vật, ác thú thường được mô tả, khắc họa với những chiếc răng to và rất thưa. Bề mặt răng rất bằng phẳng, thậm chí nếu nhìn kỹ, những chiếc răng lại có hoa văn ở bên trong. Nhưng răng nanh sư tử Việt thời Lý đa phần đã không những không nhọn sắc mà lại thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Cách xử lý răng như vậy, người Việt học tập từ đồng bào Chăm. Hầu hết các tượng sư tử của Trung Quốc đều có một hàm răng với những chiếc răng nanh lởm chởm và nhọn sắc. Có thể nhận ngay ra đặc điểm thứ hai của sư tử thời Lý Trần là không phô diễn sức mạnh hình thể. Đặc điểm cơ bắp của sư tử được thể hiện rất rõ trong nghệ thuật điêu khắc đá Trung Hoa hay Chàm. Các con sư tử (Trung Quốc) bao giờ cũng phô trương bằng cách dướn người ra phía trước, lộ rõ một khối ức vạm vỡ. Tiếp theo ngực, một bộ phận được nhấn mạnh nữa là bắp chân. Nhưng cả hai bộ phận này đều bị triệt tiêu trong cách thức tạo hình sư tử thời Lý. Chúng ta hầu như không nhìn thấy ức ở các con sư tử ở chùa Bà Tấm hay Hương Lãng. Tượng sư tử đá chùa Phật Tích tuy có thể nhìn thấy rất rõ ức và bắp chân nhưng cũng bị bỏ qua các đặc điểm giải phẫu.
|
Trích đoạn tượng sư tử thời Lý trên bệ tượng Từ Đạo Hạnh, chùa Thầy, Hà Nội.
|
Sư tử là con vật biểu tượng cho sức mạnh nên cách tạo hình phô diễn uy lực thường tránh lối hoa mỹ, kiểu sức. Tuy vậy, những khuynh hướng kiểu sức, hoa mỹ trong tạo hình sư tử lại khá phổ biến ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Nói một cách khác đi thì tất cả các sư tử thời Lý đều có nhiều yếu tố hoa mỹ và kiểu sức gần với cách tạo hình Đông Nam Á. Cách tạo hình cho sư tử ở Trung Hoa có một điểm chung kể từ Tống, Minh, Thanh trở đi là phần trang trí kiểu sức được tập trung ở thân bệ.
|
Sư tử Nhật Bản.
|
Bờm là một đặc điểm rất ấn tượng, tạo nên vẻ dũng mãnh cho các con sư tử đực. Nhưng hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng. Hiện vật đầu sư tử đất nung trang trí kiến trúc trưng bầy tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bị chú thích nhầm là rồng. Các con sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài. Chiếc đầu sư tử này cũng có chữ Vương.
Theo PGS. Nguyễn Du Chi, trên thân của sư tử đội tòa sen ở chùa tháp Chương Sơn và chùa Lạng đều có hình hoa mai cách điệu. Còn theo TS. Nguyễn Việt, đồ án này một dạng lôi văn. Lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại, có thể nói đến độ tinh tế hiếm thấy. Cách làm này rõ ràng cho thấy những ảnh hưởng đến từ Champa.
Tuy vậy, vào thế kỷ thứ XI - XII, tạo hình sử tử Chàm lại khá đơn giản, ít hoa lá như những con sư tử thời Lý của người Việt.
Tạo hình sư tử của thời Lý cũng không giống với những con sư tử trong mỹ thuật Thái Lan, Campuchia, Champa, Trung Hoa ở cách xử lý hình khối ở phần đuôi. Tương tự như hổ báo, đuôi sư tử là một thành tố biểu hiện sức mạnh của sư tử. Cái đuôi thường dựng lên, xòe ra tua tủa, thậm chí được cách điệu để giống như một bó đuốc ngùn ngụt lửa. Không giống với những cách làm trên của các nước láng giềng phương Nam, những đuôi con sư tử thời Lý rất mềm mại, uyển chuyển, đều đặn.
|
Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc.
|
Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc. Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc. Như vậy, chỉ xét riêng về ngoại hình, sư tử Việt cũng có những đặc điểm nhận dạng riêng, hoàn toàn khác biệt với sư tử Trung Hoa. Nghiên cứu hình tượng sư tử trong nghệ thuật tạo hình truyền thống cũng là góp phần ngăn chặn làn sóng xâm lăng của văn hóa ngoại lai vào các không gian tín ngưỡng cổ truyền.