Những phát hiện này đã góp phần tạo nên dấu mốc mới cho ngành khảo cổ học Việt Nam và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong năm 2023.
Phát lộ mộ táng của cư dân Văn hóa Hòa Bình
Vào tháng 3/2023, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật tại vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Sau gần 2 tháng khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử ở khu vực, gồm hóa thạch động vật và hiện vật như nhiều mảnh gốm vặn thừng, màu nâu đỏ thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Khám phá nổi bật của cuộc khai quật này là mộ táng có hài cốt nằm co bó gối của cư dân Văn hóa Hòa Bình, niên đại 10.000 năm trước.
|
Mộ táng 10.000 năm tuổi được phát hiện ở quần thể danh thắng Tam Chúc. Ảnh: Tiền Phong. |
Khai quật di chỉ nguyên vẹn về tầng văn hóa Việt Nam
Cũng trong tháng 3/2023, đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật mái đá Phứng Quyền ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Cuộc khai quật làm phát lộ các mẫu than và vỏ nhuyễn thể thuộc các tầng văn hóa cổ xưa. Các chuyên gia đánh giá, đây là di chỉ còn nguyên vẹn về tầng văn hoá nhất Việt Nam được phát hiện từ trước đến nay, là điểm khảo cổ đặc biệt có giá trị.
Chùa cổ và loạt di tích vô giá được phát hiện
Từ ngày 19/5-16/8/2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa tiến hành khai quật di tích chùa Am Các, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Rất nhiều di tích có niên đại từ thời Trần đã được phát hiện trong đợt khai quật này, gồm 13 di tích kiến trúc, 3 di tích tường bao, 1 di tích rãnh nước, cùng gạch, ngói và các vật trang trí kiến trúc như hình khắc và tượng Phật, chân tảng, bệ tượng, bàn đá trang trí hoa sen...
Tiếp đó, vào tháng 11/2023, Sở VHTT & DL tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND huyện Bắc Mê, khảo sát chùa Bó Củng thuộc thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Cuộc khảo sát đã làm phát lộ dấu tích ngôi chùa cổ có niên đại từ thời nhà Trần, thế kỷ 13-14, gồm 121 tảng đá kê chân cột, có 7 hiện vật mô hình tháp đất nung, cùng với đó là nhiều ngói đất nung, chuông sắt, chuông đồng nhỏ…
Lộ diện hàng trăm di vật khảo cổ ở Bắc Kạn, Lạng Sơn
Vào tháng 7/2023, đoàn khảo cổ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn tiến hành khai quật các hang Nậm Lù, hang Thẳm Pán và hang Thẳm Un 2 ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, phát hiện gần 200 di vật khảo cổ, gồm đồ đá, đồ gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể cùng những dấu tích thực vật có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 - 10.000 năm. Những hiện vật này cho thấy hoạt động săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây.
|
Khảo sát hang Thẳm Pán (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể). Ảnh: Cổng TTĐT Tỉnh Bắc Kạn. |
Vào cuối tháng 7/2023, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ tại hang Ngườm Sâu ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Trong cuộc khai quật này, các chuyên gia đã tìm thấy hơn 900 hiện vật khảo cổ học giá trị thuộc nền văn hóa Bắc Sơn. Các loại hình hiện vật được tìm thấy bao gồm hòn ghè, công cụ hạch đá, rìu mài lưỡi, công cụ mảnh, mảnh tước, dấu và nguyên liệu tạo dấu Bắc Sơn, mảnh tách, đá nguyên liệu...
Vén màn bí ẩn di tích điện Cần Chánh
Trong tháng 7-8/2023, BT Lịch sử quốc đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện khảo cổ di tích điện Cần Chánh (Đại Nội Huế). Qua hoạt động đào khảo cổ, các nhà khoa học đã thu thập được nhiều vật liệu kiến trúc và làm xuất lộ các dấu tích nền móng cổ của điện Cần Chánh, cho thấy sự biến động kết cấu nền móng của cung điện từ khi xây dựng vào thời Vua Gia Long đến các đợt trùng tu về sau này. Kết quả khai quật lần này giúp cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để bổ sung vào hồ sơ nghiên cứu dự án phục dựng lại công trình, dự kiến khởi công năm 2024.
|
Nền điện Cần Chánh được khai quật để lấy dữ liệu đánh giá, tu bổ. Ảnh: Vietnamnet. |
Lần đầu tiên khảo cổ di chỉ gốm Bá Thủy
Vào ngày 3/11/2023, di chỉ gốm Bá Thủy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, lần đầu tiên được khai quật kể từ khi được phát hiện vào năm 1984. Kết quả thu được trên 5.300 hiện vật gốm men trong nước từ thời Lê sơ đến thời Mạc và Lê trung hưng cùng nhiều loại hình hiện vật khác. Đây là những tư liệu quý, góp phần quan trọng vào việc bổ khuyết nhận thức về dòng gốm thời Lê nói chung và các dòng gốm của lò gốm Bá Thủy nói riêng.
"Kho báu" ẩn mình dưới di tích đình Xích Thổ
Cũng trong tháng 11, Bảo tàng Quảng Ninh đã phối hợp với Trường ĐH KHXHVNV khai quật khảo cổ tại di tích đình Xích Thổ. Cuộc khai quật làm phát lộ nhiều chân tảng kê cột, cầu đá, đồ gốm, sành sứ, vật dụng sinh hoạt... có niên đại khoảng thế kỷ 18-20. Kết quả khai quật khảo cổ tại di tích đình Xích Thổ đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc khẳng định sự tồn tại, vị trí, quy mô, niên đại sơ bộ của đình Xích Thổ, đồng thời bổ sung tư liệu và tăng cường hiểu biết về quần thể di tích danh thắng núi Mằn, cung cấp cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo di tích.