Theo đại diện Viện Bảo tàng Tần Thủy Hoàng lăng, ông Lý Trác, tính đến năm 2015, các nhà khảo cổ đã phục chế được 100 món đồ gốm sứ khai quật từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Trong số đó, những cổ vật đồ sộ nhất phải kể đến bức tượng hình người có khối lượng 150kg cùng với tượng ngựa nặng 200kg.
Ông Lý cũng nói thêm, trong lần khai quật mới đây, họ đã đào được không ít những tượng binh lính có chế tác thiếu hụt như: hai chân không đồng nhất kích cỡ, tay có cánh ngắn, cánh dài...
|
Tượng binh mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. |
Lý giải cho vấn đề này, Lý Trác đặt ra giả thiết: Quá trình chế tạo một số lượng lớn tượng đất nung như vậy không tránh khỏi việc làm “qua loa đại khái”. Hơn nữa, các thợ thủ công có tay nghề khác nhau, nên không phải tượng binh mã nào cũng thuộc hàng trân phẩm.
Tượng người được… "trang điểm”
Nói về những bức tượng đất nung trong lăng mộ được khai quật lần thứ ba, Lý Trác cho biết: “Lần khai quật này thu được rất nhiều đồ có hoa văn màu sắc. Đây là điều nằm ngoài dự đoán của chúng tôi. Hơn nữa điều kiện bảo quản cũng rất tốt.
Tượng binh lính mới được phát hiện cũng điểm nhiều hoa văn màu, chủ yếu có hồng, trắng, đen, xanh lam, xanh lục, tím. Có bức tượng ở ống tay áo còn sơn hai màu đỏ, xanh khác nhau.
Chúng tôi vẫn chưa thể kết luận chắc chắn rằng liệu những màu sắc này dùng để phân biệt chức sắc, vai vế của các binh mã dũng hay không.”
|
Tượng binh lính có cánh tay "khiếm khuyết". |
Mới đây, đội khảo cổ khai quật lần thứ ba còn đào được một số tượng người tóc có màu sắc, da mặt đỏ. Bên cạnh đó, lông mi và con ngươi mắt còn được điểm đen bằng những nét vẽ vô cùng mảnh, rất giống của người thật.
Ngoài ra, đội khảo cổ còn phát hiện một trường hợp tương đối hi hữu. Có bức tượng ở lòng mắt lại nửa trắng, nửa đỏ. Các nhà nghiên cứu đặt ra giả thiết rằng một số bức tượng được sơn hai lớp, nhưng đôi khi hai lớp sơn lại này không thể dung hòa cùng nhau.
Tuy nhiên việc bức tượng trên có mang ẩn ý gì thông qua màu mắt hay không là điều chưa thể kết luận.
Hình thức “vật lặc công danh”
|
Nhiều tượng màu được phát hiện trong cuộc khai quật đường hâm binh mã 1 lần thứ ba. |
“Vật lặc công danh, dĩ khảo kỳ thành” là phương thức quản lý quan lại của Tần triều. Theo đó, tên người sẽ được khắc lên vật, phẩm chất, chức vị gì cũng có thể biết qua đó.
Do vậy, tượng các tướng lĩnh thời Tần thường đeo trên người một chiếc thẻ gạch, các loại binh khí cũng đều khắc tên xưởng sản xuất, tên thợ để giám sát, kiểm tra.
Tuy nhiên, tại đường hầm số 1, các nhà khảo cổ từng phát hiện những hình nộm có khắc hai tên thợ thủ công trên người. Bên trong hầm phát hiện càng nhiều trường hợp có nhiều hơn 3,4 tên thợ được khắc trên tượng binh lính.
Tiêu biểu là tượng số 35 ở cổ, tay trái và trên mu bàn chân có khắc nhiều tên bất đồng, tượng số 10 trên người khắc 4 tên thợ khác nhau. “Đó có thể là sự hình thành của dây chuyền sản xuất.” – Ông Lý Trác giải thích.
Tượng binh mã được… "chắp vá”
Một chuyên gia khảo cổ từng chỉ ra: "Tượng binh mã ở đường hầm số 1 chưa hẳn là những tác phẩm hoàn hảo.” Các phát hiện mới trong lần khai quật thứ ba này đã chứng minh nhận định trên là đúng.
Ông Lý Trác cho biết, đội khai quật phát hiện ra không ít tượng người chế tác thiếu hụt, những dấu vết trước khi nung và sau khi nung đều nhận thấy rõ.
Ví dụ như có người ống quần chỗ dày chỗ mỏng, dáng người béo, gầy không đồng nhất, có ống quần dài, ngắn khác nhau, mặt mũi nhiều nét không cân xứng. Họ còn phát hiện thấy dấu vết sửa chữa, bù đắp của các thợ thủ công trước khi nung và đổ màu.
Một số ít ngựa khi đào lên còn phát hiện trên đùi có một loạt những mảnh vải dệt sợi gai để nối hai đoạn chân lại với nhau. Hiện tượng “chắp vá” này được che đậy vô cùng khéo léo, lại dùng màu vẽ để xóa dấu viết, nếu nhìn qua rất khó phát hiện.
Bên cạnh đó, dù không có dấu hiệu sửa chữa, nhưng có bức tượng hai bắp chân to – nhỏ bất đồng, lại có tượng tứ chi khiếm khuyết (tay ngắn, cánh tay chỉ dài đến hông).
|
Tượng binh lính có hai chân không đồng nhất. |
“Những khiếm khuyết này không chỉ xuất hiện ở một, hai tượng. Đại bộ phận những “lỗi” trên xuất hiện do sơ xuất trước khi nung hoặc sau khi nung.”
Là người tiên phong và chủ trì công cuộc khai quật lần thứ 3 kéo dài 5 năm ở đường hầm binh mã số 1, bà Hứa Vệ Hồng nay đã về công tác tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ Thiểm Tây.
Cách đây không lâu, bà từng xuất bản cuốn sách chuyên ngành mang tên “Bàn về tượng đất nung thời Tần – Ghi lại việc khai quật lần thứ ba đường hầm binh mã số 1 trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.”
Trong cuốn sách của mình, bà Hứa từng khẳng định: “Đào được tượng người có khiếm khuyết, nhưng không cần phải che đậy.”
Giải thích cho việc “không che đậy” của mình, Hứa Vệ Hồng viết: “Nhân vô thập toàn, tốt nhất nên nói một cách tương đối. Đối với tinh phẩm (những đồ vật hoàn mỹ), nhất là những tinh phẩm đã trở thành niềm kiêu ngạo của dân tộc, các tỳ vết trên đó đều đáng trân trọng."
Bà cũng lý giải: “Thời đại ấy, thợ thủ công đến từ thiên nam địa bắc, tay nghề vàng thau lẫn lộn, đòi hỏi họ phải làm ra mọi thứ đều ở mức kiệt tác gần như là chuyện không thể nào."
Liên quan đến những khuyết điểm hay thiếu hụt ở các tượng binh mã, Hứa Vệ Hồng viết: “Trong quá trình khai quật, phát hiện những tượng chế tác có chỗ thiếu hụt. Cùng là một tượng đất nhưng hai chân không đều, giống như trẻ em bị teo cơ.
Có những tượng mặt mũi như khỉ, thân thể yếu đuối, còn đào được tượng hai chi trên bất đồng tỷ lệ nghiêm trọng, căn bản như thiếu cánh tay. Có tượng mặt trái lớn hơn mặt phải, mũi, môi bị lệch như thể người trúng gió…”
Những vị tướng trúng gió này sau đã được "điều trị". Sau khi nung, từ viền mắt đến môi được bồi thêm một lớp vật chất màu xám, như thể được cấy da, dung mạo lại như người thường, còn được tô vẽ, trang điểm đề bù đắp sự thiếu hụt."
Bàn về những khiếm khuyết trên tượng binh mã trong lăng mộ, chuyên gia khảo cổ học Tần – Hán nổi tiếng, cũng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ Thiểm Tây, ông Tiêu Nam Phong cho biết:
“Những phát hiện tại hầm số 1 trong lần khai quật này không thể đánh giá thấp, từ kỹ thuật, đẳng cấp đến hình thức “vật lặc công danh” và những nhận thức mới, đặc biệt là khiếm khuyết trong chế tác.”
Ông Tiêu thẳng thắn bày tỏ, nhắc tới việc chế tác tượng binh mã, nhiều người còn khẳng định trên toàn thế giới không ở đâu có những tác phẩm sánh kịp với các tác phẩm trong lăng Tần Thủy Hoàng, nhiều học giả đã dùng các mỹ từ để tán dương công trình này.
“Tôi không có ý làm thấp đi giá trị nghệ thuật của tượng binh mã, cái tôi muốn nói là về mặt nhận thức. Dù đạt được thành tựu to lớn, nhưng không thể phủ nhận các tác phẩm này vẫn có chỗ thiếu hụt và các nhà khảo cổ có trách nhiệm phải công bố nó."