Bật mí về chiếc mũ đi săn của vua Bảo Đại

Google News

(Kiến Thức) - Ở Hà Nội xưa có một người thợ chuyên làm mũ, sản phẩm của ông làm ra không chỉ nức tiếng ở trời Nam mà còn được mang sang Pháp triển lãm. 

Chính những đóng góp lớn lao trong lao động, cụ được chính phủ Pháp tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là cụ Trịnh Văn Chính (số nhà 76 phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Cụ Trịnh Văn Bảo (83 tuổi ở số nhà 47 phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cháu nội cụ Chính cho biết, cụ Chính là chắt đời thứ 15 của chúa Trịnh Kiểm. Thuở nhỏ, cụ Chính rất vất vả, cụ sinh ra được 6 tháng thì bố mất. Sau này trưởng thành, cụ lập gia đình và làm nhiều nghề kiếm sống. Vợ chồng cụ khởi nghiệp từ nghề sửa xe đạp, thời đó gia đình nào có chiếc xe đạp trong nhà được xem là giàu có. Nhờ sửa chữa xe đạp và cho mọi người thuê xe đạp cụ mua được ngôi nhà số 76 Cầu Gỗ.

"Trong quá trình tìm hướng phát triển kinh tế, cụ Chính đã sáng tạo ra loại mũ có tên gọi là mũ Cát. Chiếc mũ che mưa, che nắng thời đó người ta thường làm chất liệu bằng lá, giấy bồi. Nhưng cụ Chính dùng gỗ Lie nhập từ châu Phi. Loại gỗ này không thấm nước và cách nhiệt tốt. Ở nước ngoài người ta thường dùng gỗ này để làm nút rượu vang. Khi cụ Chính đưa gỗ Lie về Việt Nam, cụ cho người xẻ ra thành miếng nhỏ để làm mũ. Sau đó cụ dùng nhựa hòa tan với ét xăng để dán từng lớp mũ. Bên trong thân mũ cụ dán 3 lớp, mỗi lớp cụ đánh giấy ráp cho thật nhẵn rồi mới dán lớp ngoài", cụ Bảo kể.

Đặc biệt, cụ Chính đã sáng tạo ra một chiếc khuôn để làm mũ vừa khít đầu mọi người. Vì số đo bình thường đầu mỗi người là 55 - 59cm. Nhưng độ tròn méo khác nhau, nhưng nhờ chiếc khuôn đó mà cụ Chính đo và làm mũ vừa khít đầu người đội.

Các kiểu mũ của cụ Hai Chính rất phong phú, có mũ đã được vua Bảo Đại chọn đội đi săn. Từ đó gọi là mũ Cát Bảo Đại, nhiều công tử Hà Thành đã chọn mũ đó để đội. Hãng mũ Hai Chính nổi tiếng cả nước, có mặt ở nhiều hội chợ trên toàn cõi Đông Dương và Pháp. Năm 1922, thực dân Pháp mở hội chợ Mác-xây triển lãm sản phẩm của các nước thuộc địa. Sản phẩm mũ Cát Hai Chính được tặng huy chương vàng.

Đàn ông xưa quấn khăn xếp rất mất thời gian, cụ Chính đã cải tiến chiếc khăn giúp cho người đội không phải quấn thành nhiều vòng nữa, chỉ việc đội lên là xong. Chính vì những thành quả trong việc làm mũ, khăn xếp cụ được Chính phủ Pháp tặng nhiều huân chương cao quý, vua Khải Định mời vào cung chiêu đãi yến tiệc.

Cụ Bảo giữ bảo vật khuôn làm mũ của cụ Hai Chính. 

"Hạt gạo là ngọc thực"

Cụ Hai Chính được vua Bảo Đại phong là ngũ phẩm triều đình, Hàn lâm viện thị Giảng. Tuy giàu sang có tiếng ở Hà Thành lúc bấy giờ, nhưng cụ Chính vẫn giữ nếp sống cần kiệm. Sáng nào cụ cũng dậy từ 4h30 cầm chiếc khóa lắc đánh thức người làm và con cháu dậy lo công việc. Cụ ăn uống sinh hoạt rất tiết kiệm, thường nhắc con cháu: "Gạo là ngọc thực, khi ăn không được để rơi, lãng phí từng hạt cơm".

Cụ Bảo nhớ lại: "Bữa cơm hằng ngày rất đơn giản, đậu phụ cụ chỉ cho kho, canh sấu nấu với tóp mỡ. Nhưng ngày giỗ, Tết cụ làm rất sang trọng. Đặc biệt Tết Trung Thu cụ tổ chức mâm cao cỗ đầy, mời đầy đủ mọi người. Làm tàu xe điện cho con cháu chơi, khung cảnh rất đẹp. Nhờ những nỗ lực trong lao động và đức tính cần kiệm mà cụ mua được 12 ngôi nhà ở Hà Nội, trên các con phố khác nhau. Tuy cuối đời cụ sống đạm bạc, nhưng giàu tình yêu thương. Giờ đây con cháu đang nối bước truyền thống của gia đình làm nên thành công mới".

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Đức Lợi

Bình luận(0)