Vì sao ông Nguyễn Tuấn Quỳnh rời ghế phó TGĐ PNJ?

Google News

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh rời ghế Phó tổng giám đốc CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khiến nhiều người ngạc nhiên.

Được biết đến như một trong những doanh nhân trẻ có khả năng đảm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị khác nhau, ở những DN khác nhau, cuối năm 2012, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh khiến nhiều người ngạc nhiên khi anh từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Và sau đó, trái ngược với dự định “nghỉ hưu”, anh nhận lời đảm nhiệm một vị trí mới tại SFC - Cty CP nhiên liệu Sài Gòn. Những trải nghiệm mới khiến “nhân sự cấp cao” như anh khó có thể nghỉ ngơi.

 

Trưởng thành từ PNJ !

Một câu hỏi mà có lẽ nhiều người thắc mắc: Điều gì khiến anh từ nhiệm cương vị lãnh đạo tại một Cty đang ăn nên làm ra và anh cũng đã có thời gian dài gắn bó?

Tôi làm PNJ khoảng 5 năm, từ 2007 cho đến 2012. Nhưng việc tôi từ nhiệm cương vị Phó TGĐ PNJ vì tôi biết mình không phải là người phù hợp với kinh doanh nữ trang. Tôi đã gắn bó với ngành xăng dầu, gas từ năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM. 

Tại PNJ, tôi cũng được giao phụ trách hoạt động đầu tư và kinh doanh gas. Năm 2008, tôi đã là Chủ tịch HĐQT SFC. Vì vậy, tôi nghĩ chặng đường 5 năm làm việc ở PNJ của mình đã tương đối đủ. 

Tôi vẫn muốn mình được làm việc trong lĩnh vực mà mình có kiến thức, mối quan hệ, đó là lĩnh vực xăng dầu. Bên cạnh đó, tuy từ nhiệm nhưng tôi không phải đã nghỉ ở PNJ hoàn toàn. Hiện nay, tôi vẫn là thành viên HĐQT của PNJ.

Chia tay công việc khi đang ở một vị trí cao cấp, điều này theo lẽ thông thường sẽ khiến nhiều người cho rằng anh có vấn đề gì đó, với những ấn tượng có thể không hoàn toàn tốt đẹp, về nơi mình đã ra đi?

Tôi khẳng định PNJ là môi trường rất tốt. Trước khi về PNJ, tôi trải qua các công việc ở một DNNN và một Cty cổ phần có quy mô nhỏ. Chỉ khi bước vào PNJ, tôi mới được thực sự làm việc ở một Cty lớn, chuyên nghiệp, có văn hóa DN tốt. Những trải nghiệm tại PNJ chính là hành trang quan trọng để tôi tự tin trên chặng đường tiếp theo của mình, đặc biệt trong việc quản trị điều hành DN.

Đó là lý do khiến anh nhận lời làm TGĐ tại SFC - nơi mà anh cũng đã gắn bó nhiều năm với cương vị Chủ tịch HĐQT?

SFC cũng là một DN thành lập từ năm 1975 và đã từng là Cty cung ứng chất đốt cho thành phố những năm sau giải phóng. Doanh thu của SFC trong năm 2012 là trên 2.100 tỉ. PNJ đang là cổ đông lớn nhất của SFC nên việc tôi tham gia điều hành SFC cũng là bình thường. Tất nhiên, tính chất công việc của Chủ tịch HĐQT và TGĐ là rất khác nhau. Tôi có may mắn là đã gắn bó với Cty SFC trong suốt 5 năm nên cũng không quá bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc TGĐ.

Quay trở lại với đúng thiên hướng và niềm yêu thích của mình là kinh doanh xăng dầu, anh “như cá gặp nước”?

Thật sự, tôi thấy thích và tự tin. Xăng dầu là lĩnh vực tôi đã gắn bó gần 20 năm. Tuy nhiên, khi đảm trách chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, tôi vẫn cảm thấy áp lực rất lớn. Bởi kinh doanh xăng dầu tại thời điểm hiện nay rất khó khăn. 

Hầu hết các Cty bán lẻ xăng dầu lớn hiện đều đã niêm yết và có thể dễ dàng kiểm tra được kết quả hoạt động kinh doanh. Qua đó, có thể thấy là lợi nhuận của các DN bán lẻ xăng dầu đang khá thấp. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập và thù lao bán lẻ xăng dầu bị duy trì ở mức thấp. Điều này buộc DN phải tập trung, chuyên nghiệp hơn, cắt giảm chi phí, quản trị nhân sự tốt và nhanh nhạy với thị trường. 

Do đó, tôi phải cố gắng học từ sách vở, từ chỉ dẫn của người đi trước và những trải nghiệm của chính bản thân để nâng cao năng lực điều hành, và hoàn thiện bản thân.

Tôi ý thức rất rõ là việc điều hành của TGĐ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty. Tôi cũng hiểu là mình đang chịu trách nhiệm không chỉ với 300 cán bộ lao động của SFC mà còn với gia đình của họ, với cổ đông, đối tác...

CEO - công việc tốt nhất để hoàn thiện bản thân

Điều này dường như rất trái ngược với ý định trước đây, khi anh chia sẻ rằng mình muốn “nghỉ hưu”...?

Khi tôi chia sẻ ý định muốn “nghỉ hưu”, tức là muốn nghỉ các công việc đang trực tiếp điều hành, không có nghĩa là tôi cắt đứt hoàn toàn với các Cty mình đang gắn bó. “Nghỉ hưu” theo nghĩa đó, tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động xã hội, đào tạo, chia sẻ. Nhưng khi được yêu cầu, tôi vẫn sẵn sàng và hăm hở cho công việc mới. 

Tôi nhận ra rằng, trong hành trang của mình, tôi chưa bao giờ là CEO của một Cty lớn nên đây là một cơ hội tốt để tôi thử thách bản thân và trải nghiệm. Công việc này, cũng sẽ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ với các bạn trẻ, thế hệ đàn em. Tuy nhiên, nhiệm kỳ TGĐ của tôi cũng chỉ có 3 năm mà thôi !

Có thể hiểu anh không muốn trách nhiệm của mình dài lâu với SFC?

Thực tế, theo điều lệ mới của Cty, nhiệm kỳ của tôi là 3 năm. Có thể hết thời gian đó HĐQT sẽ xem xét và bản thân tôi cũng vậy. Như đã nói, lúc này, tôi chỉ tập trung toàn lực để thực thi tốt nhất công việc điều hành của mình. Ở đời, gắn bó với nhau cũng cần có cái duyên nữa !

Tôi thấy hiện tại anh đang tham gia đào tạo tại Trường Doanh Chủ và anh cũng là Chủ tịch HĐQT tại đây?

Ở đó tôi là cổ đông lớn nhất. Trường Doanh Chủ thành lập từ năm 2007 và hiện nay, đang là nơi đào tạo có uy tín trong lĩnh vực đầu tư cá nhân, quản trị DN, nghiệp chủ, khởi nghiệp...Tôi yêu thích công việc chia sẻ, giảng dạy vì tôi cho rằng, đây là công việc có ý nghĩa xã hội rất lớn. Tôi mong muốn thế hệ đi sau sẽ giỏi hơn, thành công hơn nhờ vào nỗ lực của họ và những chia sẻ của thế hệ đi trước.

Được biết anh còn là Phó Chủ tịch HĐQT Cty Văn hóa Phương Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP HCM - YBA... Nhiều chức danh quản lý như vậy có khiến anh mất tập trung với công việc ở SFC?

Tôi vẫn tập trung nhiều thời gian và công sức với SFC. Các Cty khác, tôi chỉ tham gia HĐQT nên cũng không mất quá nhiều thời gian. Đây đều là các Cty lớn và có ban điều hành chuyên nghiệp.

Tại thời điểm này, công việc kinh doanh rất khó khăn. Tôi nghĩ “hơn nhau” là ở mức độ tập trung. Tập trung toàn thời gian. Tập trung toàn tâm trí. Hơn nữa, nhờ sự tham gia HĐQT ở các Cty khác  cũng giúp tôi có thêm những mối quan hệ mà còn bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm trong quản trị điều hành.

Mặc dù nhiệm kỳ 3 năm của anh mới bắt đầu nhưng anh nghĩ thế nào về “nghề CEO”?

Đó là một nghề khá thú vị. Nó đòi hỏi nhiều, nhưng giá trị mang lại cho người làm CEO cũng rất lớn. Thật ra, một trong những giá trị lớn nhất của nghề CEO chính là việc buộc người giữ vị trí này phải tự học, tự hoàn thiện bản thân cẩn trọng, suy xét thấu đáo cũng như chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình và của tập thể. Bên cạnh đó, CEO còn là người quyết định văn hóa DN, tác động rất mạnh đến thương hiệu của Cty nên CEO còn phải gương mẫu và chuyên nghiệp.

Vậy theo anh, vừa là CEO, vừa là Chủ tịch HĐQT - đó là thuận lợi hay áp lực?

Điều đó tùy thuộc ở từng Cty. Tôi là người nghiên cứu về quản trị DN và cũng là người cổ vũ cho xu hướng nên tách hai vị trí đó ra. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực tế của từng DN, vẫn có thể đưa ra các lựa chọn. Việc nắm giữ vai trò chủ tịch HĐQT tại SFC trong 5 năm qua cũng giúp tôi hiểu rõ DN. 

Do đó, khi đảm nhiệm thêm cương vị TGĐ, tôi không thấy có áp lực. Có chăng, áp lực lớn nhất chính là trước đây nếu Cty kinh doanh không tốt, mình còn có chỗ đổ thừa cho ban điều hành (cười...). Bây giờ, thì không thể đổ thừa cho ai được nữa. Chính vì lẽ đó, lại càng phải suy nghĩ, cân nhắc ở cả hai cương vị của một người đại diện cổ đông lớn lẫn một người điều hành.

Thành công = Đam mê + thầy giỏi + sự khổ luyện

Hơn 40 tuổi, đảm nhiệm rất nhiều cương vị khác nhau. Suốt quãng thời gian làm doanh nhân, người thầy nào chỉ lối, hay cuốn sách nào gối đầu giường là kim chỉ nam cho công việc cho anh?

Ở trường đại học, tôi thân và kính trọng Thầy Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tp HCM. Còn ở ngoài đời, tôi có hai người thầy, cũng là hai người đã chia sẻ, dạy dỗ và như hai anh chị lớn trong gia đình : một là chị Cao Thị Ngọc Dung - TGĐ PNJ, hai là anh Lê Văn Hòa - nguyên TGĐ Saigon Petro.

Về sách, tôi đọc nhiều nhưng có lẽ tâm đắc nhất vẫn là cuốn “Sức mạnh của sự tập trung”. Có lẽ bởi nó viết đúng một điểm tôi  thấy mình còn yếu. Thời gian qua, bên cạnh cái được, cái mạnh tôi có là sự trải nghiệm, chia sẻ ở nhiều DN, thì cái dở cũng chính là sự  thiếu tập trung. Tôi đã đúc kết và ra một công thức đối với sự thành công là cần : Đam mê, thầy giỏi và sự khổ luyện. Khổ luyện tức là phải tập trung !

Ngoài ưu điểm về sự trải nghiệm, ở nhiều DN khác nhau. Vậy anh đánh giá sự nổi trội của mình ở điểm nào?

Có lẽ là thái độ sống tích cực và sẵn lòng giúp những người xung quanh. Nhờ điểm này, tôi có nhiều bạn, những người luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Cũng như, tôi có được nhiều cộng sự tốt luôn hợp tác và ủng hộ khi tôi cần.

Vậy còn mục tiêu anh dành cho cá nhân?

Tôi đang có kế hoạch viết hai quyển sách về khởi nghiệp, quản trị DN và tập hợp các bài tùy bút tôi đã viết trong 20 năm qua. Ngoài ra, nếu thu xếp được thời gian, tôi sẽ lại… vác balo lên đường.

Xin cảm ơn anh và chúc những trải nghiệm CEO của anh thật sự thú vị !
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận(0)