Ba điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. Doanh nghiệp dù được đánh giá cao và có nhiều chính sách thu hút, nhưng để tham gia thành công khối này cần có cái nhìn đúng đắn về nông nghiệp.
Rủi ro bủa vây
Câu chuyện về nông nghiệp công nghệ cao đang được các đại gia làm nông nghiệp khai thác triệt để. Từ chuyện trồng cao su, mía, cọ dầu, nuôi bò của HAGL cho tới quy trình sản xuất rau sach khép kín của Vingroup, hay những dự án đang triển khai của Hòa Phát, Gemadept, Thành Thành Công... Nhưng không phải ai cũng chấp nhận được rủi ro luôn tiềm ẩn trong lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp. Để hiểu tường tận cần phải chấp nhận rủi ro để đi cùng nó.
|
Nhiều doanh nghiệp rút ra được bài học khi đầu tư vào cao su theo trào lưu. |
Thực tế, sản phẩm nông nghiệp luôn có sự biến động rất mạnh về giá cả, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như đầu cơ, thiên tai, dịch bệnh… Chính vì vậy, mà đầu tư nông nghiệp dù dễ tham gia, nhưng chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng. Lượng tính thị trường có quy mô tầm 40 tỷ USD nhưng lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mà tỷ lệ sinh lời lại thấp.
Thực tế, tăng trưởng của nông nghiệp luôn đứng chót bảng so với các ngành khác, thường chỉ ở mức 3-4%. Thậm chí ở một số mảng như thức ăn cho cá, “đại gia” C.P Việt Nam cũng từng thua lỗ và chấp nhận rút lui.
Không chỉ vấn đề giá, mà khó khăn còn đến từ quy mô diện tích đất đai ở Việt Nam hiện manh mún, khó triển khai các dự án lớn về nông nghiệp. Theo ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp rất khó tìm được quỹ đất 100-1.000 ha. Nếu tìm được, họ phải chi trả ít nhất 2 lần tiền (tiền cho nông dân và tiền thuế) thì mới có đất.
"Ở Việt Nam gom được 10 - 20 ha đất là rất khó khăn. Làm nông nghiệp công nghệ cao điều quan trọng vẫn là quỹ đất lớn để đầu tư bài bản. Để có được điều này này phải chấp nhận đầu tư ngoài biên giới", lãnh đạo HAGL chia sẻ thêm.
Ai thực sự hiểu nông nghiệp?
Chỉ vấn đề xoay quanh cây cao su đã thấy sự bi hài của chuyện đầu tư nông nghiệp theo trào lưu. Sau khi HAGL có những tuyên bố hùng hồn về cây cao su, rất nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư theo, vì thấy hợp lý. Dẫu vậy, khi được hỏi về chiến lược đầu tư vào cây cao su, ông Dương Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept, nửa đùa nửa thật bảo rằng, cứ làm theo bầu Đức là được. Kết quả là đến nay Gemadept đã rút khỏi cao su với một bài học lớn.
Trong khi đó Quốc Cường Gia Lai cũng đầu tư hàng trăm ha cao su, nhưng đến nay vẫn không dám khai thác vì giá đã xuống rất thấp, dù hàng năm vẫn mất tiền chăm sóc và duy trì.
Việc đầu tư vào nông nghiệp khác hoàn toàn với đầu tư tài chính. Nhiều doanh nghiệp vốn mạnh, quản trị tốt, đầu tư tài chính hiệu quả chưa hẳn đã thành công với nông nghiệp.
Điển hình là trường hợp Tập đoàn Hòa Phát, tên tuổi này đã nhiều lần dấn thân vào lĩnh vực mới, từ thiết bị xây dựng, thép, nội thất, điện lạnh đến bất động sản... Riêng về nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, dù đã nghiên cứu nhiều năm trước, nhưng khi bắt tay vào làm thì Hòa Phát cũng phải chịu nhiều áp lực. Hậu quả là, kết thúc quý I/2016, các mảng kinh doanh của Hòa Phát đều khả quan, duy chỉ có mảng nông nghiệp báo lỗ gần 14 tỷ đồng.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp cần phải có những phép tính phù hợp khi đầu tư vào nông nghiệp. Với một quốc gia có tính tương đối để phát triển nông nghiệp như Việt Nam thì phải lựa chọn đúng sản phẩm đầu tư, lựa chọn đúng vùng miền để canh tác mới mong có hiệu quả.
“Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang lấy hình mẫu công nghệ của Israel vào thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, Israel khí hậu khắc nghiệt, chúng ta không nên đem công nghệ Israel vào áp dụng cho những vùng đất đai trù phú ở Bình Dương, Đồng Nai hay TP HCM... Nếu làm thì hãy đem ra những vùng diện tích rộng nhưng có khí hậu tương đồng, đúng như điều kiện tự nhiên của Israel với nắng gió và thiếu nước. Đem công nghệ cao vào nơi đất chật là không hợp, coi như là bỏ đi rồi”, ông Hiển cho hay.
Ngoài ra, cần phải hiểu rõ về tính chất thị trường của từng loại sản phẩm, như đầu tư phát triển nông sản sạch thì phân phối quan trọng hơn sản phẩm. Cụ thể, đối với nông sản nguyên liệu thì phải đi vào quy mô lớn, hợp lý, vì nguyên liệu phải đấu với giá thành, nên không đòi hỏi chất lượng đặc biệt chỉ cần đạt tiêu chuẩn là đáp ứng được. Chất lượng đặc biệt chỉ cần cho những sản phẩm thực phẩm và nông sản cơ bản, vì nó là ngắn ngày và tương tác trực tiếp với người tiêu dùng.
Sau khi rút khỏi ngành tài chính tập trung vào nông nghiệp, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công chia sẻ: “Đầu tư nông nghiệp cần phải có thời gian chứ không phải làm theo kiểu mì ăn liền như chứng khoán, bất động sản… Cần phải có quá trình đầu tư, có diện tích đất, tính toán đầy đủ các điều kiện như thổ nhưỡng, thời tiết… chứ không phải kiểu ra chợ mua về bán. Đầu tư vào lĩnh vực gì cũng khó, nhưng với nông nghiệp cần phải hiểu nó và quan trọng là chấp nhận rủi ro mới đi dường dài được”.
Mời quý độc giả xem video Top 10 tỷ phú giàu nhất 2015 (nguồn Youtube):