Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Kiến thức về văn hóa doanh nhân, văn hóa CEO, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Thái Hà Books đã có những chia sẻ rất thú vị về vấn đề này.
Kiến Thức xin gửi tới độc giả những lời tâm đắc của vị CEO này:
Người ta bàn về văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp nhiều lắm. Bản thân tôi từ năm 2003, sau khi từ Sydney (Australia) về Việt Nam, đã đi giảng ít nhất vài chục khóa về văn hóa doanh nghiệp cho rất nhiều các ngân hàng, các doanh nghiệp, các cơ quan. Thú vị hơn nữa, kể cả các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trung tâm Nghiên cứu Tâm tý trẻ em NT, viện Quản ký Châu Á... cũng mời tôi giảng về văn hóa cơ quan. Điều này nói lên rằng văn hóa cơ quan là rất quan trọng.
Trong tất cả các buổi giảng, tôi đều nhấn mạnh rằng: “Chủ nghĩa là tạm thời, dân tộc là vĩnh viễn”, “Thành công là tạm thời, đẳng cấp là vĩnh viễn”. Ngoài 2 cột tung và cột hoành (trong toán học) là doanh thu và lợi nhuận mà bất cứ doanh nhân hay doanh nghiệp nào cũng quan tâm thì còn có 1 đường chéo nữa là trường tồn. Mà trường tồn tức là văn hóa. Doanh nghiệp và bất cứ cơ quan nào không thể tính đến chuyện trường tồn nếu không có văn hóa riêng.
|
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thai Ha Books JSC). Ảnh: VOV |
Tuy nhiên, cần làm rõ văn hóa là gì? Có cả ngàn định nghĩa về từ này từ hàng trăm chuyên gia trên khắp thế giới. Tôi tâm huyết và bảo vệ định nghĩa rằng “văn hóa là những gì lắng đọng lại sau 1 thời gian dài”. Bùn ở đáy ao lắng lại sau cả 1 thời gian dài là văn hóa của cái ao. Thói quen đến cơ quan lúc 8h kém 10 (tức trước giờ làm việc 10 phút) là văn hóa của
công ty sách Thái Hà. Tính dân chủ và được tranh cãi với sếp thoải mái là của FPT, nơi tôi có 12 năm công tác tại đó từ 1995 đến hết 2007.
Nhưng văn hóa doanh nghiệp do ai xây nên? Xin thưa, do tất cả cán bộ, nhân viên cơ quan làm nên. Văn hóa là của số đông, của tất cả. Văn hóa là tất cả những gì thuộc về vật chất lẫn tinh thần của cả cơ quan. Văn hóa doanh nghiệp cần được thấm sâu vào toàn bộ 70 nghìn tỉ tế bào trong cơ thể của mỗi nhân viên, từ người đứng đầu đến anh bảo vệ, cô trực tổng đài, chị lễ tân.
Tôi muốn bàn đến ở đây là vai trò của người đứng đầu, tức ngài Chủ tịch HĐQT và ngài Tổng giám đốc (mà ta hay gọi là CEO). Có đáng bàn không? Xin thưa, rất rất đáng bàn. Rất khó có chuyện ông bố và bà mẹ thức khuya mà có con cái đi ngủ sớm. Rất không dễ khi cha mẹ sống buông thả, vô kỷ luật mà có được những đứa con nền nếp. Tôi đã nói cả ngàn lần rồi “learning by doing, teachng by being”, tức là cách học tốt nhất là hành, là làm (chứ không phải ôm mớ lý thuyết hay thao thao giảng cho người khác) và cách dạy người khác tuyệt nhất là làm gương. Bạn đừng nghĩ, bạn nói là nhân viên nghe. Bạn đừng nghĩ bạn cứ ra lệnh là nhân viên làm toàn tâm toàn ý. Bạn rất ấu trĩ nếu bạn là 1 CEO mà có suy nghĩ như vậy. Phải làm gương bạn ạ.
Ở Công ty sách Thái Hà chúng tôi, nếu có lỗi, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Nếu nhận quà, lãnh đạo là người nhận cuối cùng, hết thì thôi. Ở công ty chúng tôi, lãnh đạo mọi cấp bắt buộc phải gương mẫu, càng lãnh đạo cấp cao càng phải gương mẫu. Nếu không gương mẫu, tự xin nghỉ việc (nếu không muốn bị mời lên cho nghỉ việc). Nếu không gương mẫu được, tự xin rút lui xuống làm nhân viên (chứ chưa chắc đã nên xuống làm lãnh đạo thấp hơn 1 cấp). Đã là thói quen từ ngày thành lập đến nay nên thành văn hóa của Thái Hà Books.
Bàn chút vậy để các bạn suy nghĩ và tìm ra những vị CEO không gương mẫu. Sáng hôm qua (10/6), lúc 6h sáng, sau khi ngồi thiền xong, tôi nhắn tin cho 2 người phó của tôi là 2 phó tổng giám đốc Vũ Trường Đại và Trần Phương Thảo cùng 1 câu “Các nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất không thống trị mà truyền cảm hứng. Chúc em thật thư giãn chào ngày mới”. Đơn giản chỉ nhắc các lãnh đạo cao cấp mấy thông điệp để gương mẫu. Thứ nhất là đi ngủ sớm để thức giấc sớm. Thứ 2, nên truyền cảm hứng chứ không nên ra lệnh quá nhiều. Thứ 3 cần gương mẫu yêu thương và quan tâm đến cấp dưới.
Thứ 5 tuần trước (ngày 6/6), tôi có huấn luyên cho hơn 100 lãnh đạo công ty MISA về chủ đề “Khai phá nguồn năng lượng vô hạn trong bạn”. Cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc có mặt hết. Tôi rất mừng. Nếu doanh nghiệp nào mời tôi về giảng mà lãnh đạo cao cấp nhất không có mặt, tôi xin phép từ chối không nhận lời giảng. Bởi họ không làm gương, không nghe, không nắm được bài giảng thì tôi không tin họ sẽ thay đổi sau khóa giảng của tôi! Hôm sau về, bạn tôi bảo: “Anh có biết vụ CEO của một doanh nghiệp lớn có thương hiệu hẳn hoi tung ra những “chưởng” cố ý miệt thị, khinh rẻ nhân viên trong một bữa ăn không. Trời đất, tôi lâu rồi ít đọc báo, bởi các báo quá nhiều tin xấu, tin tiêu cực. Tôi nghĩ bụng, ở Việt Nam, những vị lãnh đạo như vị CEO này không ít.
Bạn tôi lại thao thao bất tuyệt về vụ một CEO của một tập đoàn lớn bôi nhọ và xúc phạm danh dự của cựu CEO của chính tập đoàn này. Rồi tập đoàn kia ép lãnh đạo và nhân viên phải nghỉ việc. Rồi ở chỗ nọ, lãnh đạo luôn hiềm khích cấp dưới, tìm cách “tiêu diệt và hạ bệ” cấp dưới. Nhiều lắm. Nghe mà mệt cả đầu. Tôi không muốn nghe nữa mà chỉ nghĩ, lãnh đạo mà như vậy thì sẽ có một văn hóa doanh nghiệp như thế mà thôi. Và các doanh nghiệp này khó mà đi xa, khó mà nghĩ đến chuyện trường tồn. Tôi nghĩ trong đầu, những vị CEO ấy đi đến đâu, chắc chỉ “phá” giỏi hơn xây. Mà có lẽ họ không chỉ phá doanh nghiệp, mà cả gia đình lẫn các mối quan hệ của chính họ.
Tôi hay ký dưới các bài viết chữ TS Nguyễn Mạnh Hùng. Đa phần mọi người gọi tôi là tiến sỹ. Tôi không thích. Vì sai hết. Thời nay đúng là đi đâu cũng khoe bằng cấp, mà trong số đó không ít bằng cấp dỏm, đi mua, đi copy... đến mức ở đám tang cũng giới thiệu thạc sỹ với tiến sỹ! "TS" là tu sinh, tức tôi là 1 học sinh, 1 người đang đi học và tập hành, tập tu. Tu là hành là sửa. Sửa cái xấu của mình, cả thân lẫn tâm. Ngày nay người ta hiểu sai hết, cứ nghĩ tu là vào chùa làm nhà sư. Thật đáng tiếc!.
Mỗi ngày tôi (và cả bạn nữa) tập làm việc lành việc thiện. Là CEO, tức trách nhiệm của bạn rất lớn, phải lo điều hành cả 1 cơ quan không nhỏ (ví dụ như FPT nơi tôi đã làm 12 năm thì số nhân viên lúc cao lên đến hơn chục ngàn và doanh thu đến hơn 1 tỷ USD, tức khoảng 1% GDP của cả nước Việt Nam) và bạn luôn chịu sức ép rất lớn. Tuy nhiên, đấy lại là vinh dự và trách nhiệm. Bạn có thể tạo phước rất lớn mà tạo nghiệp xấu cũng không nhỏ. Một quyết định của bạn ảnh hưởng đến rất nhiều người và kéo theo đó là rất nhiều gia đình.
Tôi nghĩ, hiếm có lãnh đạo nào mà toàn diện. Ngay cả nóng tính, tôi cũng rất nóng. Tuy nhiên, ngay cả khi nóng, chúng ta nên nhớ rằng, để công việc tốt lên, để cấp dưới hoàn thiện hơn. Cái nóng đó không được, tuyệt đối không được có tính sỉ nhục và bêu rướu đồng nghiệp. Mình tự tu dưỡng, tự nhắc mình mỗi phút giây. Bởi bạn và tôi đều là CEO, đều cần làm gương, cần có đạo đức, cần hướng thiện để lo cho anh em và đồng nghiệp. Doanh nghiệp như 1 gia đình lớn. Một tỉnh là 1 gia đình lớn hơn. 1 dân tộc là 1 gia đình rất lớn. Cả thế giới là 1 gia đình lớn nữa. Chỉ có tư duy như vậy, bạn và tôi, những CEO mới tự mình tu dưỡng để trở thành lãnh đạo doanh nghiệp tốt nhất và dài lâu.
Thực ra lãnh đạo là vất vả. Bạn biết rất rõ chuyện này. Bạn biết rằng làm lãnh đạo là hy sinh, là chịu đựng, là cống hiến. Lãnh đạo tức là lo cho anh em và cho doanh nghiệp. Nói thật, nếu bạn không có tư duy này, có lẽ không nên làm lãnh đạo. Hay nói cách khác, nếu cứ cố tình làm lãnh đạo thì cũng khó có thể thành lãnh đạo tốt. Tôi xin nhắc lại 1 từ thôi, 1 từ có 2 chữ: "gương mẫu"!
|
CEO Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, làm lãnh đạo là hy sinh, là chịu đựng, là cống hiến.
|
Văn hóa doanh nghiệp là mối lo và sự quan tâm của bất cứ doanh nghiệp nào. Nhiều nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng đã biết đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp bằng cách lập ra bộ phận chuyên trách hay kiêm nghiệm, bằng cách mời các chuyên gia về cố vấn, bằng cách mở các khóa huấn luyện nội bộ. Điều này là quá mừng, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn, mà cái khó này, theo tôi phải hết năm 2014. Dẫu vậy, tôi chỉ mong cho mỗi nhà lãnh đạo, mỗi CEO dành vài phút mỗi ngày để nghĩ về mình, để hoàn thiện, để ngay bản thân mình thực sự có văn minh, văn hóa tốt.
Tình yêu thương rất quan trọng. Tinh thần phụng sự là vô cùng quan trọng. Chính 2 thứ này như đôi cánh giúp chim bay cao, bay xa. Chính tình yêu thương và tinh thần phụng sự như đôi chân giúp bạn và tôi, những CEO, giúp doanh nghiệp của chúng ta đi nhanh tới đích mà không bị mỏi chân.
Và đơn giản thôi, hãy dành 5 giây tưởng tượng ra như thật rằng, đồng nghiệp và cấp dưới đang rất thành tâm nói với bạn: “Sếp ơi, em mong sếp hiểu và thương em”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU