Thành phố bỏ hoang trăm tỷ của đại gia Sapa kỳ lạ

Google News

Những tòa nhà với những căn phòng rộng đến nỗi đứng ở đầu này không nhìn thấy đầu kia dù mây không đặc lắm.

Thầy thuốc Trần Ngọc Lâm (Lào Cai), người có quen biết với bà Nguyễn Thị Thoa kể thêm: “Hồi tôi mới ở rừng xuống, gặp cô Thoa, cô ấy bảo: “Anh lên rừng sống làm gì cho khổ. Anh cứ ở Sapa với em, em cấp cho một căn biệt thự, mỗi tháng em cho vài chục triệu thoải mái sống.
Em cũng bị ung thư vòng họng đây, nhưng em không chết được đâu. Em toàn uống thuốc của Mỹ. Cứ thi thoảng lại sang Mỹ điều trị, nên còn lâu em mới chết được”.
Tuy nhiên, tôi vào rừng lấy thuốc để giữ mạng sống cho mình, chứ đâu phải vì tiền, nên tôi không đồng ý”.
Chân dung bà Thoa. Ảnh: Internet.
Còn nhớ, hồi phóng viên gặp ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, khi nhắc đến người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thoa, ông Đăng khá bức xúc: “Vườn Quốc gia là của Nhà nước, ấy thế mà chúng tôi xin đất để di thực các nguồn gien quý về để bảo tồn mà mãi không được duyệt.
Đùng một cái, người đàn bà tên Thoa lái máy ủi xúc hết cả đất rừng, bao quanh cả khu đất thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Chúng tôi không thể hiểu nổi vì sao người đàn bà ấy lại có thể chiếm được lượng đất rừng mênh mông bát ngát như thế. Tôi có thắc mắc, nhưng bà ta xòe sổ đỏ cho xem thì đành phải thua”.
Cách đây 2 năm, trở lại Sapa, nhạc sỹ Lê Trọng Hùng và “người rừng” Trần Ngọc Lâm dẫn tôi đi thăm “thành phố bà Thoa”. Cả sườn núi được coi là có view đẹp nhất Sapa đã mọc lên vô số biệt thự, những tòa nhà kỳ quái, xây dựng bằng đá vĩnh cửu.

Một tòa nhà khổng lồ, kỳ quái do bà Thoa xây dựng.

Những tòa biệt thự khổng lồ, cao ngót chục tầng, thò ra thụt vào, chẳng giống nhà Pháp, cũng không ra nhà ta, chẳng giống nhà nông thôn mà cũng không ra nhà thành thị. Nhưng phải công nhận rằng, những tòa biệt thự này cực kỳ lớn, mỗi căn có tới ngót trăm phòng, đủ cho cả ngàn người trú ngụ.
Ở một khu khác cạnh đó, lại là những tòa nhà méo mó, xây lượn theo đường đi. Một đầu rộng mênh mông, nhìn vào trong sâu hun hút, nhưng một đầu lại nông choèn choẹt, hình tam giác, với những cái lỗ hình vuông trên tường chả khác gì lỗ châu mai trong các lô cốt mà Pháp xây dựng.
Khu vực gọi là “thành phố bà Thoa” được người đàn bà này mở một con đường nhựa rộng rãi, đủ hai xe tải tránh nhau đi vào. Tuy nhiên, lần này, tôi đi vòng vèo mà không thấy con đường rộng như đại lộ ấy đâu.
Ông Hùng bảo: “Cô ấy vốn làm một con đường nhựa dẫn vào khu vực, nhưng có người chê đường thấp quá, thế là cô ấy lại phá nhà, lấp đường, ủi núi, tôn cao lên mấy mét nữa. Giờ phải vòng lối khác để vào khu đô thị của cô ấy”.
Hai năm trước, tôi vào “thành phố bà Thoa”, tuy nhiên không gặp người đàn bà này. Thi thoảng người phụ nữ này mới xuất hiện. Mọi việc thi công “thành phố” giao cho các nhóm thợ.
Ông Hùng kể: “Các nhóm thợ này được cô Thoa tuyển từ khắp nơi về, được nuôi ăn, được trả lương theo tháng. Lúc nào sai việc thì làm, không thì cứ nằm dài ăn chơi. Thợ tử tế thì không sao, còn thợ có tính tắt mắt, đem sắt với xi măng đi bán thì cũng chả biết”.
Tôi hỏi một nhóm thợ đang thi công: “Các anh có biết đang xây dựng thứ gì không?”. Một người bảo: “Chúng tôi chỉ là công nhân làm thuê, trả lương thì làm, chứ chẳng biết mình đang xây cái gì”.
Một người thì bảo: “Cứ nhìn hình thái nhà cửa thế này, chắc là xây nhà tù”.
Nghe anh thợ này kể chuyện mới thấy chủ nhân của “thành phố” này vô cùng kỳ quặc. Bà Thoa xây dựng nhà cửa, toàn những tòa nhà rộng hàng ngàn mét vuông, song không hề có bản vẽ, thiết kế gì cả.
Thợ xây dựng nhà theo kiểu chỉ tay, nói mồm. Có lúc, bà Thoa đang ngồi trên đống đá, bà ta cầm hòn đá ném bụp một cái, xa cỡ chục mét, thế là công nhân cứ nhằm chỗ đó đào hố, đan thép, đổ cột bê tông.
Những cái cột bê tông to đến 1 mét vuông, làm trụ đỡ cho tòa nhà to như nhà chung cư ở thành phố lớn được xây dựng theo kiểu kỳ quái như thế.

Dấu tích đập phá tường ngăn rồi làm lại trong một tòa nhà.
Ông Hùng dẫn tôi đi vào “thành phố bà Thoa” để chiêm ngưỡng những tòa ngang dãy dọc chìm trong mây mờ. Những tòa nhà với những căn phòng rộng đến nỗi đứng ở đầu này không nhìn thấy đầu kia dù mây không đặc lắm. Chúng tôi đi đến mỏi chân mới hết “căn phòng” rộng vài ngàn mét vuông.
Hai năm trước, khi tòa nhà này đang xây dựng, tôi cùng một số người hiểu biết về xây dựng đã ghé qua xem xét. Tòa nhà rộng mênh mông này được chia làm từng căn phòng. Mỗi căn phòng rộng khoảng 5 mét và sâu… 50 mét, xuyên vào lòng núi.
Căn phòng sâu hoắm như thế, nhưng lại không có cửa sổ nào, chỉ có một lối vào nhỏ xíu, rộng cỡ nửa mét. Đầu căn phòng hướng ra thung lũng, cuối căn phòng sát vào vách núi.
Ông Hùng, ông Lâm hỏi về những tòa nhà kỳ quái này, song bà Thoa chỉ cười, lúc bảo xây cho đẹp Sapa, lúc bảo xây cho người nghèo ở.
Ngay cả đám thợ cũng không biết người phụ nữ này xây nhà kiểu kỳ quái ấy để làm gì. Một số thợ thấy xây nhà không cửa sổ, chia thành các phòng sâu hun hút như vậy thì đoán mò là xây… nhà tù.
Lần này, tôi trở lại đại công trường “thành phố bà Thoa”, không thấy những tòa ngang dãy dọc với những căn phòng sâu hun hút đâu nữa, mà chỉ thấy những căn phòng rộng ngút tầm mắt như thể chung cư khổng lồ chưa được chia phòng.
Ông Hùng bảo: “Mới năm ngoái, cô ấy lại sai thợ phá tanh bành mấy tòa nhà này để làm lại đấy. Có đợt, cô ấy cho phá hết tường gạch để xây bằng đá xẻ. Thế nhưng, xây đá xong cô ấy lại bắt thợ phá hết để xây gạch trát vữa. Cô ấy cứ xây xong, thấy ngứa mắt, không thích lại bắt thợ phá ra xây lại. Có lẽ, cô Thoa phải đổ cả trăm tỷ cho việc cứ xây lại đập ở cái khu này rồi”.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Thoa đã bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tố cáo của các nạn nhân, bà Thoa đã quỵt nợ của một số người. Bà Thoa đã dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, trong đó có việc các nạn nhân nhờ mua bán đất tại Sapa. Sau khi mua bán xong bà Thoa mượn lại sổ đỏ rồi thế chấp với ngân hàng vay tiền, hoặc chuyển nhượng mảnh đất đó cho người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhân mảnh đất đó. Bằng cách thức ấy, bà Thoa huy động rất nhiều tiền, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, để xây dựng những công trình kỳ quái ở Sapa.
Theo VTC

Bình luận(0)