Cứ mỗi sáng, khi tiếng đồng hồ báo thức kêu lên, Suni vươn mình rồi đánh thức chủ bằng những tiếng “khịt khịt” để ra công viên tập thể dục. “Mặc dù không cho nằm cạnh nhưng nó vẫn cứ đợi tôi ngủ say là lén leo lên, khiến chiếc giường rung bần bật bởi thân hình to lớn của nó”, anh Trần Ngọc Quân, một chủ tiệm vàng tại quận 5, cho biết. Suni trong câu chuyện này là chú chó ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff) mà anh Quân được tặng nhân dịp sinh nhật.
Những chú chó ngao như Suni thường được nuôi tại các đền chùa ở cao nguyên vùng đất Tây Tạng và được coi là những linh thú bảo vệ những tu sĩ Phật giáo và các vị Lạt Ma. Nghề nuôi chó ngao Tây Tạng từng có thời kỳ phát triển cực thịnh ở Trung Quốc. Có thời điểm, giá mỗi con “thần khuyển” này lên tới 200.000 USD! Năm 2007, những chú chó đặc biệt này đã có mặt tại Việt Nam và từng được bán với mức giá hơn 150 triệu đồng.
Anh Kiều Văn Hoàng, thạc sĩ ngành Hán ngữ Quốc tế, là một trong những người tiên phong xây dựng trại nuôi và phối giống thành công những chú chó ngao thuần chủng.
|
Những chú chó ngao được nuôi trong trại Phượng Hoàng. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ với NCĐT về cơ duyên với nghề nuôi chó ngao của mình, anh Hoàng chia sẻ: “Cuối năm 2010, tôi có cơ hội du học tại Hồ Nam, Trung Quốc. Cứ cuối tuần, tôi lại đến các trại chó ngao để tìm hiểu cách nuôi. Tuy nhiên, khi biết tôi là người nước ngoài, chủ trại rất e dè và không tiết lộ những bí quyết quan trọng. Nhằm thỏa mãn ước mơ của mình, tôi dành tiền học bổng tiết kiệm để cố mua một chú chó nhỏ với giá khoảng 10 triệu đồng và bắt đầu hành trình khởi nghiệp cũng như bắt đầu... khó khăn”.
Theo anh Hoàng, thời gian đầu, chú chó của anh càng nuôi càng xấu, sụt ký và chết khi mang về Việt Nam. Đầu tư thêm chút kiến thức về giống chó đắt tiền này, năm 2011, anh Hoàng mạnh dạn mở trại chó ngao tại Quảng Ninh, nhân giống trong môi trường, điều kiện khí hậu tại Việt Nam từ những chú chó thuần chủng. “Chó được nhân giống và sinh ra, lớn lên tại Việt Nam nên thích nghi được với môi trường sống mới. Trong khi đó, chó mang từ Trung Quốc về thường khó sống hoặc sống nhưng không lớn được”, anh Hoàng chia sẻ.
Mới đầu, do vốn ít, chuồng trại sơ sài, không đủ điều kiện chăm sóc, nên hơn 10 con chó con và chó bố mẹ chết. Kết cục là anh Hoàng mất hoàn toàn số vốn ban đầu và lâm nợ. Nhưng nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về giống chó từng là biểu tượng giới siêu giàu ở Trung Quốc, anh “liều” thêm một lần nữa và khắc phục những điểm yếu của mình nhờ củng cố kiến thức từ các hội chơi chó tại Quảng Ninh và Hà Nội. Đến nay, Trại chó Phượng Hoàng của anh được đầu tư hơn 20 tỉ đồng, có diện tích hơn 250 m2, được thiết kế thành các khu nuôi nhốt riêng và có hẳn một khu sân chơi đủ rộng cho những chú chó vận động.
Trại đang có hơn 50 con chó, độ tuổi từ 3 tháng đến 2 năm, giá mỗi con dao động từ 15 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng, tập trung chủ yếu vào giống đại sư đầu, tức giống chó đầu có nhiều lông và bờm như sư tử, rất uy dũng và thông minh. Chó ngao Tây Tạng có kích thước khá đồ sộ, cao ít nhất 70 cm đối với chó đực, nặng khoảng từ 64-82 kg đối với con trưởng thành. Những chú chó này có bộ lông 2 lớp, lớp ngoài mềm và dài, lớp trong bông như len nên thích hợp với khí hậu lạnh. Điểm nhận biết khác về một chú chó ngao thuần chủng là dưới tròng mắt phải có màu đỏ. Theo anh Hoàng, giống chó này mỗi năm chỉ sinh sản 1 lần, mỗi lần chỉ được từ 2-7 con.
Chăm sóc loại chó được xem là đắt nhất thế giới này đòi hỏi rất nhiều công phu, trước hết là chuyện cho ăn. Không ít câu chuyện nói về việc giới đại gia Trung Quốc nuôi giống chó có bộ gen thuần khiết bằng bào ngư và hải sâm. “Thức ăn chính của chó là sữa tươi, trứng gà, đầu và cổ gà, gân bò cùng một số thức ăn khác, ngày ăn ba bữa. Bởi đây là giống chó to lớn và háu ăn nên chúng đòi hỏi lượng thức ăn lớn và phù hợp mới có thể phát triển thành một chú chó đẹp được”, anh Hoàng chia sẻ.
Còn theo anh Ngọc Quân, chú chó Suni có chi phí thức ăn mỗi tháng cũng hơn 2 triệu đồng. Nhằm đáp ứng nhu cầu về giống chó tinh khôn này, nhiều trại chó được mở ra ở phía Nam vào Sài Gòn và Vũng Tàu.
“Do Việt Nam có độ ẩm cao, nên khi nuôi, chó dễ bị đau mắt, cần nhỏ thuốc và rửa mặt cho chúng mỗi sáng. Ngoài ra, lông chó này dày nên cần phải tắm bằng nước ấm và sữa tắm riêng, khi tắm xong cần sấy khô và chải lông bằng hai loại lược để tránh tổn thương da và rụng lông, tiêm phòng chống ký sinh trùng 3 tháng/lần, nhiệt độ nuôi từ 25-300C”, anh Hoàng hướng dẫn cách nuôi.
Hiện nay, lượng khách hàng của anh chủ yếu là thành viên trong các hội chơi chó và rải rác khắp các tỉnh, thành từ Móng Cái đến TP.HCM, Vũng Tàu... Khách có thể đến nơi mua hoặc đặt mua từ xa, thủ tục khá đơn giản chỉ qua một bản hợp đồng mua bán, chó sẽ được vận chuyển bằng xe tải đến các tỉnh thành. Để đảm bảo, Trại có chế độ bảo hành đối với những chú chó bán đi và được sẵn sàng nuôi miễn phí giúp khách hàng 1 tháng và được hỗ trợ chữa bệnh khi chó mắc bệnh.
Mời quý độc giả xem video Thú nuôi gà Serama (nguồn Youtube):