Từng là Phó chủ tịch thứ nhất của Techcombank, thành viên sáng lập của Ngân hàng Quốc tế (VIB) nhưng ông Ngô Chí Dũng chưa có “mảnh đất riêng” tại Việt Nam cho đến khi trở thành ông chủ thực sự tại VPBank. Tại VIB, dù cũng là cổ đông sáng lập nhưng ông Dũng không có một vị thế đáng kể nào so với người chủ thực sự là ông Đặng Khắc Vỹ (cổ đông lớn) hay ông Trịnh Văn Tuấn (trước là Chủ tịch VIB, hiện là Chủ tịch của Ngân hàng Phương Đông).
Còn ở Techcombank, từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT (hội đồng quản trị) nhưng ông Dũng cũng không có thực quyền so với 2 đại gia Masan là Hồ Hùng Anh (Chủ tịch) và Nguyễn Đăng Quang (Phó chủ tịch thứ nhất).
Trong cả 2 ngân hàng nói trên, ông Dũng và những thành viên chủ chốt trong HĐQT đều có xuất thân “mì tôm”. Ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang cùng làm chung một công ty kinh doanh mì tôm tại Nga; ông Đặng Khắc Vỹ, Ngô Chí Dũng kinh doanh cùng mặt hàng tại quốc gia này (công ty Rollton). Theo ông Trịnh Thanh Huy (người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh thành lập Masan), Rolton của Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng là những người thắng trận trong “cuộc chiến” mì tôm tại Nga.
Ngoài các vị trí tại VIB và Techcombank, ông Dũng còn là Chủ tịch của HĐQT công ty cổ phần đầu tư Liên Minh, chủ tịch HĐQT Tập đoàn KBG (Liên bang Nga). Trước khi đầu tư lớn và trở thành ông chủ của VPBank, ông Dũng là Chủ tịch Hội người Việt tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, sau khi được bầu làm Chủ tịch VPBank vào tháng 3/1010, đầu năm 2011, ông Ngô Chí Dũng xin từ nhiệm chức Chủ tịch Hội người Việt ở Nga với lý do đã chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc.
Trở thành ông chủ của VPBank, ông Dũng vẫn là một người kín tiếng với công chúng bởi gần như không xuất hiện trước truyền thông. Theo một cựu lãnh đạo VPBank, ông Dũng ít xuất hiện trước công chúng một phần do tính cách, những cũng có phần từ việc phát biểu thì “hay bị đỏ mặt”.
|
Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank. |
“Làm cách mạng” ở VPBank
Kể từ khi ông Dũng trở thành chủ của VPBank, nhà băng này có nhiều thay đổi rõ nét. Thay vì việc mở rộng ở nhiều chi nhánh thiếu chọn lọc, nhà băng này chỉ chọn các văn phòng hạng A để đặt địa điểm giao dịch. Bên cạnh đó, cách định vị của VPBank cũng khác hơn so với trước khi ngân hàng này hướng tới một hình ảnh một tổ chức bán lẻ cung cấp dịch vụ với chất lượng cao và có khát vọng nằm trong top đầu của những nhà băng cổ phần chứ không phải ở mức trung như trước.
Với các nhân viên VPBank, cảm nhận thay đổi cũng bắt đầu rõ nét ngay trong ngày kỷ niệm thành lập ngân hàng đầu tiên mà ông Dũng trở thành Chủ tịch. Nếu trong những lần trước, “chỉ có cách lãnh đạo ngồi ăn uống chúc mừng nhau lấy lệ và khá tẻ nhạt” (lời một trưởng phòng ở hội sở chính VPBank) thì ông Dũng tạo không khí như một buổi đại hội lớn dành cho mọi người.
Hôm đó, VPBank tổ chức ngày hội cho tất cả nhân viên ở 2 đầu Hà Nội và TP.HCM, có cầu truyền hình truyền tiếp với nhiều màn cổ động tinh thần cuồng nhiệt dành cho những người tham dự. Những nhân viên của VPBank tham dự có thể cảm nhận được một luồng sinh khí mới đang được thổi vào nhà băng này.
Tháng 11/2010, VPBank gây sốc trên thị trường khi phát hành đại chúng hơn 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, hầu như các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn ngân hàng với giá trị hàng nghìn tỷ đồng với mức giá phát hành là 10.000 đồng cũng khó thành công chứ chưa nói đến giá cao hơn. Điều này đúng cả với những ngân hàng hạng A, chứ chưa nói đến việc VPBank là một nhà băng vừa trải qua những scandal liên quan đến các thành viên VIP của HĐQT và được xếp hạng không cao trên thị trường.
Theo tính toán thông thường, giá VPBank sẽ thấp hơn các cổ phiếu ngân hàng đồng hạng đã niêm yết (lúc đó chỉ quanh 10.000 đồng) nhưng mức giá phát hành của nhà băng này thậm chí còn tương đương hoặc cao hơn cả những “đàn anh” niêm yết như Sacombank, Eximbank. Cũng vì thế, thông tin về giá phát hành “trên trời” của VPBank gây sốc với nhiều nhà đầu tư chứng khoán thời kỳ đó và ít người tin đợt tăng vốn này có thể thành công.
Thế nhưng, một tháng sau, VPBank thông báo đã tăng vốn điều lệ thành công. Nguồn tin từ một lãnh đạo cấp cao nhà băng này cho biết, ông Ngô Chí Dũng muốn cam kết đầu tư dài hạn và tăng giá trị thực sự cho VPBank bằng cách chi một lượng rất lớn “tiền tươi, thóc thật” vào ngân hàng. Chủ tịch VPBank không chỉ mua số cổ phiếu theo tỷ lệ được phép tăng thêm và cả số mà cổ đông nhỏ từ chối mua với giá cao hơn nhiều so với thị trường.
“Nếu một người sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua cổ phiếu VPBank so với giá thị trường cũng đồng nghĩa với việc người đó sẽ muốn đi dài. Hành động của anh Dũng thì những người bên trong là hiểu rõ và mọi người tin tưởng mạnh mẽ vào ông chủ mới”, vị lãnh đạo cấp cao này cho biết. Tuy nhiên, vụ phát hành thành công với giá “trên trời” chưa phải là điều giá trị nhất mà ông Dũng đem tới cho VPBank.
Tháng 7/2012, VPBank công bố thông tin việc ông Nguyễn Đức Vinh - cựu CEO và Phó chủ tịch HĐQT Techcombank trở thành tân tổng giám đốc của nhà băng này. Trong giới ngân hàng, ông Vinh nằm trong số 3 CEO xuất sắc nhất, có thực quyền và từng được đồn là hưởng lương triệu đô.
Việc ông Vinh chuyển từ một ngân hàng lớn có các chỉ số kinh doanh tốt nhất sang VPBank – một tổ chức tín dụng cỡ trung, vừa trải nhiều rắc rối, lại làm CEO gây ngạc nhiên với không ít người. Những người am hiểu thì không rõ vì sao ông Vinh lại nhận chức CEO bởi có thể đảm nhận vị trí Phó chủ tịch như Techcombank mà vẫn có thể điều hành ngân hàng. Còn những người ngoại đạo lại băn khoăn chuyện ông Vinh chuyển từ một nhà băng lớn, danh tiếng sang một nơi nhỏ hơn, khó làm hơn, mệt hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Vinh cho biết, lúc đầu cũng không dự kiến sẽ làm tổng giám đốc “nhưng bị anh Dũng thuyết phục” và thêm một lý do khác là “nhà anh Dũng ở cùng khu với nhà tôi”. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho biết thêm, khi trao đổi với ông Ngô Chí Dũng thì cựu CEO Techcombank tin rằng mình có thể làm điều gì đó cùng với VPBank và nhận lời đề nghị.
Phát biểu khi ông Vinh nhận chức CEO VPBank, ông Ngô Chí Dũng nói: “Chúng tôi tin tưởng và hy vọng ông Vinh sẽ vững vàng chèo lái, dẫn dắt VPBank tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu tham vọng của chiến lược phát triển VPBank đến hết 2015”.
Nhận xét về việc thuyết phục được ông Vinh trở thành CEO VPBank một cựu lãnh đạo cấp Ngân hàng Nhà nước nói: “Nếu ông Vinh chỉ làm Phó chủ tịch điều hành VPBank thì kế hoạch tái cấu trúc, cải tổ ngân hàng sẽ không thể nhanh và quyết liệt như khi làm CEO. Tất nhiên, ông Vinh sẽ phải chịu rủi ro lớn hơn và ông chủ của VPBank đã thành công bước đầu khi nhận được cái gật đầu của CEO ngân hàng có thể coi là giỏi nhất Việt Nam hiện nay”.
Hiện tại, kế hoạch đưa VPBank tiến lên top đầu của ông Ngô Chí Dũng mới ở bước khởi đầu. Tuy nhiên, sự thay đổi VPBank đã phần nào cho thấy kết quả rõ rệt trong năm 2012 – năm được đánh giá là bi đát với hầu hết các ngân hàng. Tính đến cuối năm 2012, VPBank tăng trưởng huy động vốn 88%, đạt trên 60.000 đồng; tín dụng tăng 16%; tổng tài sản tăng 22% đạt gần 100.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều nhà băng khác chỉ tăng huy động dưới 20%, còn tin dụng còn bị giảm (tăng trưởng âm).
Ông Dũng sinh năm 1968, là tiến sĩ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị (thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga), kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga. Trước khi làm Chủ tịch HĐQT VPBank vào tháng 3/2010 đến nay, ông Dũng từng giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Techcombank (từ 2006 đến 2010). Ngô Chí Dũng cũng là cổ đông sáng lập VIB giai đoạn 1996-2004, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Liên Minh (2005-2007) và là Chủ tịch công ty này từ 2007 đến 2010, Chủ tịch HĐQT tập đoàn KBG (Liên bang Nga, từ 2007 đến 2009) và làm việc tại công ty chứng khoán EuroCapital trên cương vị thành viên HĐQT từ năm 2009 đến nay.
Tính đến hết tháng 7/2012, số cổ phiếu người trong gia đình ông Ngô Chí Dũng nắm giữ tại VPBank đã lên tới gần 65,7 triệu, chiếm 13,03% tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này và đóng vai trò là cổ đông lớn thứ ba. Riêng ông Dũng giữ hơn 22,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,48% tại VPBank. Ông Dũng được biết đến như là một trong những cổ đông lớn nhất tại VPBank hiện nay. Tại công ty chứng khoán EuroCapital, ông Dũng nắm 12,6% cổ phần, còn tại công ty cổ phần đầu tư Liên Minh là 9%. Trong cơ cấu cổ đông của VPBank có một cái tên tổ chức rất lạ: công ty cổ phần Châu Thổ - đơn vị xuất hiện khi ông Dũng vào nhà băng này. Riêng công ty Châu Thổ giữ tới 14,99% cổ phần của VPBank.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU