Đại gia thủy sản Bạc Liêu bị bắt vì lừa đảo
Ngày 13/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu, cho biết đã bắt tạm giam đại gia thủy sản Ngô Chí Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu (khóm 2, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) và 3 người liên quan để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Công an khám xét Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu ngày 12/9.
|
Ngày 16/11/2011, ông Dũng ký hợp đồng thế chấp tài sản hơn 64 tỉ đồng (tài sản cố định trị giá hơn 33 tỉ đồng và kho tôm đông lạnh thành phẩm trên 121 tấn, trị giá hơn 31 tỉ đồng) cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bạc Liêu để vay tiền sản xuất kinh doanh.
Để được ngân hàng giải ngân vốn, ông Dũng chỉ đạo đại diện các công ty, hộ kinh doanh do mình thành lập xuất hóa đơn khống, ghi nội dung hàng hóa không có thật... gửi ngân hàng. Sau đó, BIDV chi nhánh Bạc Liêu đã giải ngân cho Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu với số tiền gần 37 tỉ đồng, đến nay số nợ này lên đến 42 tỉ đồng nhưng công ty không có khả năng thanh toán. Khi đại diện ngân hàng đến kiểm tra kho tôm đông lạnh trên 121 tấn mà công ty thế chấp để vay tiền thì chỉ còn lại... 52 kg nên yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, công an còn phát hiện công ty dùng tài sản thế chấp là hàng tôm đông lạnh tồn kho trên để vay nhiều ngân hàng và hiện không còn khả năng trả hơn 128 tỉ đồng.
Bắt giam đại gia thủy sản Cà Mau lừa ngân hàng 250 tỷ
Ngày 28/10/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện quyết định khởi tố và bắt giam đối với bị can Huỳnh Minh Trung (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Nhật Đức, trụ sở tại Quốc lộ 1A, TP.Cà Mau) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng ngày, trinh sát triển khai quyết định khởi tố cho tại ngoại đối với bà Trần Thanh Thuý (SN 1964, vợ ông Trung) về hành vi trên.
Một thời gian, ông Trung được xem như đại gia ở Cà Mau. Năm 2004, Công ty Nhật Đức được thành lập. Hai năm sau, ông Trung cho rằng, công ty mở hoạt động xuất khẩu sang thị trường uy tín.
|
Trụ sở Công ty Nhật Đức.
|
Ông Trung đầu tư hệ thống kho bãi, sản xuất chuyên nghiệp với khu sản xuất gần 6.000 m2, khu chế biến gần 2.000 m2, kho chứa rộng 500 m2 và 25 phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Thế nhưng khi tiêu cực Ngân hàng phát triển Việt Nam, chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) phát hiện thất thoát, khó thu hồi hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó có Công ty Nhật Đức.
Từ ngày 12/5/2010 đến ngày 22/6/2011, công ty được VDB Minh Hải cho vay gần 180 tỷ đồng. Đến nay, lãi lên đến gần 90 tỷ đồng không khả năng thanh toán. Kiểm tra lại tài sản công ty chỉ 32 tỷ đồng.
Để được VDB Minh Hải giải ngân, ông Trung cùng vợ đã lập hợp đồng xuất khẩu giả, báo cáo thuế khống.
Đại gia thủy sản Cần Thơ lấy tiền vay mua trực thăng, xe sang
Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt khẩn cấp ông Phan Bá Tòng - Giám đốc Cty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã (Cần Thơ) - với số tiền thiệt hại cho Nhà nước lên đến trên 700 tỉ đồng.
|
Nhà máy Thiên Mã được xây mới trong lúc giám đốc doanh nghiệp này nợ nần trên 700 tỉ đồng.
|
Mặc dù có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh thủy sản, song không ít lần đại gia thủy sản Phan Bá Tòng lao đao vì các khoản nợ, thậm chí bị kê biên xe, và nhà vì vay nợ.
Tháng 1/2015, chiếc ô tô Hummer H2 của đại gia này đã bị kê biên. Đây là chiếc xe đại gia này dùng để thế chấp một gói tín dụng vay khoảng 10 tỷ đồng từ Ngân hàng Việt Á (chi nhánh Cần Thơ). Đến hạn thanh toán nhưng ông Tòng không có khả năng chi trả, ngân hàng đưa vụ việc ra tòa án, bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án tiến hành kê biên.
Mặc dù từ 2012, Cty Thiên Mã có dấu hiệu làm ăn thua lỗ, nhưng để vay được tiền, Tòng cho mở rộng thêm nhà máy và mua sắm nhiều tài sản cá nhân lên đến hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói, Tòng đã làm đơn xin mua trực thăng để thuận tiện cho việc kinh doanh dù đang nợ nần đầm đìa. Cũng trong năm 2012, đại gia Phan Bá Tòng bị một doanh nghiệp cho vay nặng lãi xiết nợ, lấy 3 căn nhà biệt thự.
Mở công ty xuất khẩu thủy sản để ăn chơi phung phí
Ông Nguyễn Tấn Hải - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH chế biến và xuất khẩu Việt Hải (Cty Việt Hải), đóng tại Cà Mau, đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng để ăn chơi phung phí. Trước khi thành lập Cty Việt Hải vào tháng 6/2008, Nguyễn Tấn Hải là một người lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Hải bị Công an TPHCM bắt vào 9.1996 và bị TAND TPHCM kết án 13 năm tù về tội danh trên. Ở tù được 10 năm, nhờ vào chính sách khoan hồng của Nhà nước, tháng 10/2006 Hải được tha tù trước thời hạn. Ra tù, 2 năm sau Hải về Cà Mau thành lập Cty Việt Hải nhằm mục đích để tiếp tục lừa đảo. Chỉ trong vòng hai năm (2009 - 2010) Hải đã chiếm đoạt của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Minh Hải số tiền lên đến trên 75 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, Hải khai nhận chỉ đạo nhân viên cấp dưới lập khống, kê giá trị và khối lượng mua vào không đúng với thực tế để phù hợp với hồ sơ giải ngân; chỉ đạo nhân viên lập khống hợp đồng xuất khẩu và các tài liệu có liên quan để được vay vốn ưu đãi. Sau khi được VDB Minh Hải giải ngân, lập khống bản kê thu mua nguyên liệu đầu vào, lập khống hồ sơ chứng từ xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ giải ngân. Nhận được tiền vay, Hải chỉ đạo cho thuộc cấp chuyển cho mình với số tiền lên đến trên 5 tỉ đồng. Đơn cử, ngày 22/10/2009, Cty Tân Hải được giải ngân 3 tỉ đồng, Cty chi cho cá nhân Nguyễn Tấn Hải trên 1 tỉ đồng; 30/10/2009 Cty Tân Hải vay 4 tỉ đồng, Hải nhận 300 triệu đồng; ngày 4/11/2009, Cty Tân Hải vay 3 tỉ đồng, chi cho Hải hơn 2,3 tỉ đồng; 7/5/2010 Cty Tân Hải vay 4,3 tỉ đồng, chi cho Hải 1,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, Hải chỉ đạo Công ty Việt Hải lấy tiền vay được để mua nhà đứng tên mình trị giá 1,5 tỉ đồng; trả nợ thay cho mình 900 triệu đồng. Biết việc mình làm thế nào cũng bị lộ, tháng 5/2011, Hải bàn với Võ Ngọc Bích - thành viên Cty Tân Hải - bán toàn bộ Cty Tân Hải cho ông Phạm Tiến Dũng với chiêu bài “cơ cấu lại doanh nghiệp”. Ngày 24/12/2014, Nguyễn Tấn Hải bị bắt và tạm giam cho đến nay.