Tạp chí Forbes vừa công bố Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). Trong danh sách này có tên của 3 đại diện của Việt Nam đó là bà Thái Hương – chủ tịch TH Group; Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng hàng không Vietjet và bà Cao Thị Ngọc Dung – chủ tịch và CEO của PNJ.
1. Bà Thái Hương – chủ tịch TH Group
|
Bà Thái Hương – Chủ tịch TH Group. |
Đây là lần thứ hai bà Thái Hương – Chủ tịch TH Group lọt vào Top 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á. Bà là đại diện mới nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này vào năm 2015.
"Nữ tướng" TH Group mới chỉ tham gia vào lĩnh vực sữa từ năm 2009 với cam kết thay đổi ngành sữa Việt Nam. Từ đó, Tập đoàn TH đã đầu tư 450 triệu USD để nhập khẩu và nuôi bò, nhằm sản xuất sữa sạch với công nghệ Israel. Đến năm 2017 dự kiến sẽ có 137.000 con bò và nhà máy chế biến của tập đoàn TH đạt công suất 500 triệu lít/năm, đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm sữa của thị trường trong nước.
Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh sữa, bà Thái Hương còn là người sáng lập Ngân hàng Bắc Á. Bắc Á là một trong 10 ngân hàng được chọn tham gia vào hệ thống thanh toán tự động liên ngân hàng. Ngoài hoạt động trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, Bắc Á còn đầu tư vào các dự án trọng điểm: bò sữa, xi măng, khoáng sản, khách sạn, thương mại dịch vụ, siêu thị... Năm 2010, ngân hàng này cũng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
2. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet
|
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng hàng không Vietjet. |
Là một trong 3 nữ doanh nhân Việt lọt Top phụ nữ quyền lực nhất châu Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nổi nhiều quyết định táo bạo trong kinh doanh. Nữ CEO Vietjet hiện đang được kỳ vọng sẽ trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam nếu hãng hàng không Vietjet của bà IPO thành công trong thời gian tới (tài sản của bà Phương Thảo sẽ vượt quá 1 tỷ đô la).
Bà Thảo bắt đầu kinh doanh vào khoảng năm 1988, khi còn là sinh viên đại học năm thứ hai ngành tài chính và kinh tế ở Moscow.
Hiện tại, khối tài sản của nữ CEO tài ba này chủ yếu tới từ cổ phần tại VietJet và phần sở hữu tại Dragon City, bất động sản rộng 65 héc ta tại TP. HCM. Bên cạnh VietJet, bà là cổ đông tại 3 resort tại Việt Nam, bao gồm Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và An Lam Ninh Vân Bay Villas.
Là một người khá kín tiếng những gì người ta biết đến nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam chủ yếu qua các thương vụ kinh doanh đình đám, trị giá cả tỷ đô của VietJet và lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Đảm đương nhiều chức vụ cao cấp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản, Tổng giám đốc VietJet - bà Phương Thảo được đánh giá là nữ tướng tài ba. Ngoài VietJet, nữ CEO này tham gia quản trị nhiều công ty lớn khác tại Việt Nam và nước ngoài như Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phú Gia, có cổ phần tại Ngân hàng HDBank, chủ tịch Công ty Địa Ốc Phú Long... Bà Thảo tham gia HĐQT HDBank từ năm 2008. Trước đó, bà đã có thời gian tham gia sáng lập và quản trị tại Ngân hàng VIB Bank và Techcombank.
Bà Phương Thảo cũng là cổ đông sáng lập của Sovico Holding. Theo website của tập đoàn này thì Sovico Holdings có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, bất động sản, công nghiệp-năng lượng... Trong lĩnh vực hàng không, Sovico Holdings là cổ đông sáng lập và cổ đông lớn nhất của hãng VietJet Air
3. Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)
|
Bà Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). |
Bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1998 trên cương vị Giám đốc. Từ năm 2004 đến nay bà Dung là Chủ tịch hội đồng quản trị và là cổ đông lớn nhất của PNJ. Năm 2015, doanh thu của PNJ đạt 350 triệu USD, lợi nhuận đạt 23 triệu USD.
Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, bà Dung còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở những doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Đông Á.
Tại thời điểm tháng 8/2015, báo chí có thông tin, tại DongA Bank, bà Dung cùng các thành viên trong gia đình sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng. PNJ cũng đang nắm giữ 7,7% cổ phần của DongA Bank với giá vốn đầu tư là 395 tỷ đồng. Gia đình bà đang sở hữu lượng cổ phiếu PNJ và DongA Bank có trị giá lên đến 1.000 tỷ đồng.