“Ngày nào tôi cũng thấy mình tràn đầy năng lượng để làm việc” – người vừa được tạp chí danh tiếng thế giới Fobes vinh danh là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á, bà Thái Hương, trải lòng như vậy khi “thanh minh” về chuyện làm việc đến 20 tiếng mỗi ngày.
Đồng quê: Ra đi và trở về
Có người ví von rằng: Hành trình đi tới vị trí một nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á của Thái Hương là một hành trình ra đi từ đồng quê và trở về với đồng quê.
Có thể nói, quyết định có tính chất bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời doanh nhân của Thái Hương, xuất phát từ hai tình yêu đặc biệt của đời bà: Con cái và đồng quê, nông dân, nông thôn, nông nghiệp.
Người mẹ nào cũng yêu con nhưng với một doanh nhân bận rộn như Thái Hương, tình yêu ấy, có nhiều khác biệt.
Khi con còn nhỏ, nữ doanh nhân Thái Hương gần như không bao giờ ngủ qua đêm tại nơi bà đi công tác, dù nơi ấy có xa đến 400-500km, dù cho khi về đến nhà đã 2-3 giờ sáng.
Lý do thật đơn giản: Con nhỏ phải được “đặc quyền” tối thiểu: Ôm mẹ ngủ.
Những suất cơm trưa đưa đến trường cho con bà dù là thực phẩm sạch, đều phải mang đến để Thái Hương nếm thử xem có ngon, có vừa muối mắm hay không.
Yêu con, nhưng không nuông chiều, nên cả 3 đứa con bà, đều giỏi giang, nhưng sống hiền hòa, không ai có bất kỳ biểu hiện nào của “bệnh thiếu gia”.
Đứa con út đang học tiểu học của bà, còn đề nghị tất cả mọi người không được làm lộ gia thế của cậu với bạn bè đồng lứa, để cậu được hồn nhiên bình thường như chúng bạn.
|
Chủ tịch Tập đoàn TH, Bà Thái Hương, Một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. |
Tình yêu đồng quê của Thái Hương cũng rất đặc biệt. Bà bảo: “Tôi về quê rất nhiều, nhưng lần nào về cũng thấy sung sướng”.
Căn phòng làm việc tầng 6, tòa nhà đất vàng 60 Lý Thái Tổ, Hà Nội của bà Thái Hương, giống một mảnh vườn yên tĩnh. Ở đó, có cỏ, có cây, có hoa, có núi non, có hang động nhỏ, có suối và có cả đàn cá vừa mới sinh con. Không gian ấy khiến cho bà Hương sung sướng vì "không bao giờ phải rời xa, không bao giờ thiếu vắng đồng đất quê mùa".
Yêu con và yêu đồng quê như vậy, nên năm 2008, chỉ sau một buổi xem bản tin thời sự trên ti vi nói về sữa nhiễm melamin đang giết dần giết mòn trẻ em, bà đã quyết định làm sữa tươi sạch để trẻ em được hưởng dòng sữa tươi nguyên tinh túy nhất, để đồng đất nghèo khó thay da đổi thịt.
Khi ấy trong đầu, khái niệm đơn giản nhất: Thế nào là sữa tươi sạch, thế nào là sữa hoàn nguyên, bà cũng không hề biết. Bằng một tình yêu và ý chí khác người, chỉ một thời gian ngắn kỷ lục, Thái Hương đã trở thành một chuyên gia về sữa và dòng sữa tươi sạch TH đã hòa nhập thị trường.
Vài năm sau, trong chuyến thăm Việt Nam, chính trị gia hàng đầu thế giới, Ngài Simon Peres, Tổng thống Israel đã thán phục thốt lên: “Tôi đi 52 nước trên thế giới nhưng dự án sữa của TH True Milk là ấn tượng nhất. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong sữa tươi sạch tại Việt Nam”.
|
Bò sữa được tắm mát, nghe nhạc cổ điển, được ăn 13 món mỗi ngày, được lắp chip cảnh báo bệnh viêm vú trước 4 ngày. |
Cuộc cách mạng sữa tươi sạch do Thái Hương khởi xướng đã góp phần lớn đưa tỉ lệ sử dụng sữa tươi ở Việt Nam từ 8% lên đến 30%. Trước đó, 92% thị trường sữa nước ở Việt Nam đều là sữa hoàn nguyên (nhập sữa bột nguyên liệu về pha lại).
Cuộc cách mạng của của Thái Hương khiến cuộc trở về đồng quê của bà thành một hành trình ý nghĩa. Vùng đất gió Lào heo hút ở bắc Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Nghệ An, đã biến thành những thảo nguyên, cánh đồng hoa hướng dương mênh mông không khác gì Châu Âu, nơi những người nông dân, chỉ việc trồng cỏ cho bò cũng có thu nhập 500.000.000đ – 1.500.000.000đ/ha.
“Ai đến Phủ Quỳ hôm nay, sẽ không còn nhận ra Phủ Quỳ của 7- 8 năm về trước. Quê nghèo đã thật sự thay da đổi thịt” – ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn khẳng định.
Đàn bò “500 con” và câu chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Ra đi từ quê nghèo, nên khát vọng đổi thay các vùng quê, luôn thường trực trong lòng Thái Hương. Ngoài việc tìm tòi nghiên cứu về nông nghiệp, Thái Hương còn lần lượt gặp gỡ, làm bạn, bàn bạc với những chuyên gia hàng đầu về Nông nghiệp.
Nhưng để có một TH hùng mạnh hôm nay, Thái Hương đã phải đối mặt với rất nhiều sóng gió. Câu chuyện với Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (phụ trách mảng nông nghiệp nông thôn) là một ví dụ.
Ngày ông Nguyễn Công Tạn mất, bà Hương gọi cho người viết, giọng buồn buồn: "Chị như mất một người thân. Em hiểu vì sao không, vì anh Tạn là một trong những người hiểu con đường và khát vọng làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao của chị".
Ông Nguyễn Công Tạn mất (năm 2014) giữa lúc dự án trồng cây thuốc quý thạch hộc tía của ông đang dang dở. Đó là loài cây, theo ông, "1 kg lá tươi có giá 3 triệu đồng, 30 ngàn một cây giống, bao nhiêu cũng bán hết".
Trước đó, ông Tạn cũng cùng cộng sự dùng kỹ thuật cao thuần hóa cả vịt trời, ngỗng trời để chúng không bay cùng trời cuối đất mà ngoan ngoãn ở lại trang trại như gia cầm, giúp người nuôi thu bạc tỉ.
Ông Tạn quý bà Hương ở tư duy tiên phong, vượt trội, biết kết hợp trí tuệ người Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới để biến nông nghiệp thành mỏ vàng, thay đổi hẳn diện mạo của những vùng quê nghèo và trong tương lai có thể biến Việt Nam thành một cường quốc nông nghiệp.
Gần nhau ở suy nghĩ và cái tâm, ấy thế mà có những lúc chính ông Tạn không tin vào những điều mà bà Hương làm, bởi chúng quá mới ở đất nước này. Một thời gian dài sau khi mấy chục ngàn con bò sữa được nhập về trang trại TH ở vùng quê heo hút Nghĩa Đàn, dù được bà Hương mời vào chơi, nhưng ông Tạn cứ lần lữa.
|
Cánh đồng cỏ nhiều ngàn ha, giống thảo nguyên Châu Âu của TH, nguồn thức ăn được kiểm soát chất lượng cao nhất cho bò sữa. |
Mãi sau này ông Nguyễn Công Tạn mới tiết lộ: "Tất cả mọi người đều bĩu môi nói: Thái Hương nói dóc đấy, trang trại ấy chỉ có 500 con bò sữa thôi, lấy đâu ra mấy chục ngàn con. Ở nơi gió Lào bỏng rẫy đó, nuôi bò sữa thì cũng chỉ để thịt thôi, chứ làm gì có sữa. Họ nói nhiều lần quá, mình cũng tin, nên có lần mình đi đường Hồ Chí Minh, qua cửa trang trại nhưng mình cũng không vào".
Nhưng rồi cái máu của người làm nông nghiệp hiệu quả cao, cuối cùng cũng “đẩy” ông đến với trang trại.
Ngay lập tức, ông Tạn ấn tượng mạnh với quy mô chăn nuôi tập trung, những cánh đồng cỏ bạt ngàn, chu trình sản xuất sữa tươi sạch khép kín cực kì hiện đại của TH. Sau đó ông Tạn đúc kết: “Triển vọng nước ta, hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp sữa bò trên quy mô lớn, đưa ngành này trở thành một ngành sản xuất trụ cột, mang tính đột phá trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”
Cho đến những ngày gần cuối đời, ông Tạn và bà Hương còn trao đổi với nhau nhiều hướng đi khác về nông nghiệp công nghệ cao và trồng dược liệu quý ở Việt Nam.
Đối mặt với thử thách
Luôn luôn thích những tư duy đi trước và biến chúng thành hiện thực, nên bà Hương cũng phải đối mặt với rất nhiều va đập ngược chiều. Cách ứng xử với những va đập này, cũng thể hiện những điều “rất Thái Hương”.
Còn nhớ, một dạo trên mạng xã hội ồn ã lời than thở: Đàn bò trong trang trại bò sữa của TH kêu la cả đêm khiến dân trong vùng bị tra tấn, mất ngủ hàng loạt. Lời than vãn này nhanh chóng lan tỏa trên mạng, vì ai cũng nghĩ rằng mấy chục ngàn con nuôi tập trung như thế, làm sao bịt được tiếng bò rống.
Đọc thông tin, bà Hương chỉ đạo bộ phận truyền thông lẳng lặng mời một đoàn nhà báo đi thực tế ở trang trại. Tối đó, cánh báo chí được sắp đặt ngủ ngay khu nhà sát trang trại, nơi nuôi tập trung hơn 40.000 con bò.
Sáng hôm sau, trong buổi ăn sáng, bà Hương cười mủm mỉm hỏi nhà báo: "Tối qua các anh chị ngủ ngon không?"
"Rất ngon chị ạ. Không khí thảo nguyên thật dễ chịu". "Thế các anh chị có nghe thấy tiếng bò gào thét cả đêm không?". "Không hề. Ờ mà lạ nhỉ, bò trật tự hơn người nhiều".
Thái Hương hóm hỉnh: "Hay là do tôi bảo chúng: Hôm nay có các nhà báo về, đừng có kêu nữa, nên chúng nghe theo? Bò sữa là thế đấy, có kêu bao giờ đâu. Hôm nay tận mắt chứng kiến, các anh chị mới tin nhé. Từ ngày TH True MILK ra đời, rất nhiều người, dù chưa biết TH mô tê gì, mà cũng phán như đúng rồi.
Không chỉ anh Nguyễn Công Tạn tưởng trang trại của chúng tôi có 500 con bò sữa đâu, rất nhiều người tưởng thế đấy".
Gặp rất nhiều sóng gió thị phi, nhưng mỗi lần, Thái Hương chọn một cách khác nhau để giải quyết nó. Đó là cái đận truyền thông như lên cơn sốt khi vớ được tuyên bố của bà: "Trong thị trường sữa, tôi không có đối thủ".
Người ta ngắt câu nói ấy khỏi hoàn cảnh và ngữ nghĩa riêng biệt của nó, để gán cho bà chữ “ngạo mạn”. Ngạo mạn vì bà là người đi sau trong ngành sữa, lúc ấy thị phần của TH lại chưa lớn, thế mà chả coi những ông lớn khác ra gì.
|
Cánh đồng hoa hướng dương làm nguyên liệu thức ăn cho bò, trong trang trại TH.
|
Sau khi cơn sóng dư luận lên đỉnh điểm, Thái Hương bình tĩnh và chủ động "giải oan" cho mình bằng cách lên diễn đàn ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp nông thôn.
Tại đây, bà nói mình không có đối thủ vì bà đi riêng một con đường, đó là các sản phẩm của TH đều sản xuất 100% từ sữa tươi sạch, rất khác biệt với nhiều hãng sữa khác, khi ấy chủ yếu bán sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại).
Sau cú tiến công chủ động nhưng vẫn mềm mại ấy, tuyên bố của bà không còn bị hiểu sai lệch nữa.
Những thử thách bản lĩnh doanh nhân Thái Hương không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn đến từ bên trong. Đã có những cổ đông, nhân viên dao động về con đường: Chỉ làm sữa tươi sạch của bà. Họ dao động vì thị trường sữa còn thiếu minh bạch quá.
Chính vì nhiều doanh nghiệp chưa bị buộc phải tuân thủ việc công bố chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào rõ ràng trên bao bì sản phẩm, nên người tiêu dùng không biết được chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm sữa khi lựa chọn và quyết định mua hàng.
Cả triệu người vẫn nhầm lẫn giữa sữa tươi sạch (giữ được vẹn nguyên nhất vi chất thiên nhiên) và sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại, bị bay biến nhiều vi chất thiên nhiên).
Cả triệu người vẫn nhầm lẫn rằng: Uống sữa bột mới là sữa tốt nhất. Họ không biết rằng: Các nước phát triển tiêu dùng tới 97% sữa tươi và chỉ tiêu dùng 3% sữa bột công thức.
Có cổ đông và nhân viên khuyên bà nên thay đổi, nên làm sữa bột, nên làm sữa hoàn nguyên.
Họ nhìn thấy giá sữa bột nguyên liệu thế giới đã giảm một nửa, nhưng mấy doanh nghiệp nhập sữa bột về pha lại, vẫn không chịu giảm tương ứng giá sữa bán trong nước, nên có lợi nhuận cao.
Nhưng Thái Hương không lay chuyển: “Đã làm cách mạng sữa tươi sạch thì không được chùn bước. Hãy dành cho trẻ em, cho người Việt những dòng sữa tinh túy nhất.
Đừng tối đa hóa lợi nhuận. Doanh nghiệp phải biết hài hòa lợi ích của mình và lợi ích cộng đồng”.
Tuyên bố của Thái Hương không còn là khẩu hiệu nữa.
Thị trường sữa hiện nay đang chứng minh đường hướng của bà: Nuôi bò sữa tập trung và sản xuất các sản phẩm sữa từ sữa tươi 100%, là con đường tất yếu, là sự sống còn của doanh nghiệp.
Những ấp ủ lớn
Không những không thay đổi về hướng đi, ở tuổi 57, Thái Hương vẫn chứng tỏ nguồn năng lượng sung mãn, khi tiếp tục tiến những bước dài với nhiều dự án lớn hài hòa lợi ích cộng đồng và lợi ích doanh nghiệp.
Bà say sưa với công cuộc “Nâng cao tầm vóc Việt” do mình khởi xướng, với mong muốn thế hệ chủ nhân mới của đất nước không thua sút nước khác cả về thể lực và trí lực.
Bà trăn trở với đề án Sữa học đường chưa được phê duyệt: “Hãy chung sức, chung lòng làm cho trẻ em mình một ly sữa tốt nhất với tấm lòng, trái tim của người mẹ".
Chỉ vài tháng sau tuyên bố gây chấn động: “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi sau ba năm”, Thái Hương và tập đoàn TH đã bắt tay vào công cuộc làm sữa, trồng rừng, làm dược liệu và du lịch sinh thái ở vùng đất nhiều tiềm năng này.
Dự án trường học quốc tế chất lượng cao và thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe cũng đang được TH chuẩn bị. “Tôi làm cái gì, cũng đều hướng tới việc nâng cao chất lượng sống của con người” – bà Hương nói.
“Với bản lĩnh tiên phong, tôi tin những dự án bà Hương làm, sẽ đều có sự khác biệt” - Một chuyên gia nông nghiệp và công nghệ cao chia sẻ.