Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị đầu cuối bởi chi phí sản xuất rất cạnh tranh. Qualcomm muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp này.
|
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia. |
Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp muốn nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị đầu cuối như smartphone, tablet … nhưng cho đến bây giờ vẫn chỉ có thể dừng lại ở mức độ “made by” chứ chưa thể “made in” và công nghiệp phụ trợ vẫn rất yếu. Vậy Qualcomm có thể hỗ trợ những gì để các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất thiết bị đầu cuối?
Đây thực sự là một vấn đề lớn. Tuy nhiên có một điểm thuận lợi, Việt Nam đang là nơi sản xuất điện thoại di động lớn với các tên tuổi như Samsung, Nokia… nên công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu phát triển cũng phải đi theo.
Với xu hướng như vậy, những doanh nghiệp của Việt Nam có chiến lược sản xuất thiết bị đầu cuối sẽ có thuận lợi. Tôi cho rằng, chi phí sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam rất cạnh tranh, đó cũng là lý do mà mấy “ông lớn” sản xuất điện thoại trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Về phía Qualcomm, chúng tôi muốn hỗ trợ hết sức mình cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị di động ở Việt Nam. Trước hết, Qualcomm có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam phần chip cho smartphone, tablet.
Bên cạnh đó, Qualcomm có đội ngũ kỹ sư rất lớn về giải pháp thiết kế, sản phẩm. Ngoài ra, Qualcomm có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam bằng cách kết nối các nhà sản xuất trong nước với nước ngoài để có thể hỗ trợ tốt hơn trong việc sản xuất thiết bị đầu cuối.
Qualcomm đã có những thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản cuất thiết bị đầu cuối ở Trung Quốc. Vậy Qualcomm có thể mang mô hình này sang Việt Nam?
Qualcomm có rất nhiều kinh nghiệm từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Đễ hỗ trợ cho các nhà sản xuất thiết bị, Qualcomm có đưa ra những thiết kế tham chiếu. Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ có thể sử dụng ngay nên sẽ giảm thời gian thiết kế sản phẩm và chi phí cho sản phẩm sẽ giảm.
Các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối quan tâm nhiều đến bản quyền sáng chế và các chi phí liên quan. Vậy Qualcomm có những ưu đãi gì cho những thị trường mới hay không?
Tùy từng trường hợp cụ thể mà Qualcomm có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, về tổng quan thì Qualcomm là đối tác toàn cầu, nên sẽ phải theo một số quy định của luật chống độc quyền trên toàn thế giới.
Chính sách Qualcomm áp dụng cho toàn thế giới, nhưng Việt Nam lại cần sản xuất thiết bị đầu cuối giá rẻ. Như vậy, có vẻ bài toán sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam sẽ gặp khó khăn?
Hiện xu hướng giá của smartphone đang rất thuận lợi cho người dùng. Để giảm giá các thiết bị đầu cuối, một mặt các doanh nghiệp phải giảm giá thành, thứ hai là các nhà mạng phải trợ giá sản phẩm. Đối với nhà mạng thì việc trợ giá sẽ thu hút thêm người dùng và nếu người dùng sử dụng dịch vụ của họ trong thời gian dài thì nhà mạng sẽ có lợi.
Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn nhảy vào sản xuất thiết bị đầu cuối, nhưng theo ông với quy mô thị trường Việt Nam, có khoảng nhiêu nhà sản xuất thiết bị là phù hợp?
Theo tôi Việt Nam có thể tham khảo quy mô của các nước xung quanh để tìm câu trả lời cho mình.