Vân tay, chỉ tay không thể đoán mệnh

Google News

Vân tay được hình thành từ khi thai nhi 3 tháng tuổi nên không thể biểu hiện công danh, sự nghiệp, tương lai...

- BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - người đã có điều kiện nghiên cứu trên 3.000 trường hợp tử vong và gần 400 trường hợp có liên quan tới khám nghiệm pháp y, phải lấy vân tay... đã có lý giải về vấn đề này.

6.000 năm mới có thể có vân tay giống nhau

[links(left)]Con người có thể thay hình, đổi dạng, nhưng chỉ tay và vân tay thì không thể, nó được ấn định trong cả đời người từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Bởi ngón tay, ngón chân được hình thành từ cuối tháng thứ 2 của quá trình phát triển phôi thai nhưng chưa có các nếp vân da. Từ tuần thứ 12 - 19, nếp vân da mới từ từ được hình thành, lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần nhưng số lượng và hình thái nếp vân da gần như không thay đổi trong suốt thời kỳ phát triển của thai nhi cũng như sau này.
 
Nghiên cứu đều cho rằng, do được hình thành từ bào thai nên vân tay chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiễm sắc thể, gen. Ngày nay người ta đã xác định được mối tương quan giữa dấu vân tay với các bệnh đột biến nhiễm sắc thể và gen như hội chứng Down, hội chứng Klinefelter...

Các đường vân được hình thành bởi lớp biểu bì và lớp nông của bì, tầng lưới. Từ đường này có những đường hơi nhô lên tạo ra các gờ bì: Đó là các đường vân. Các lỗ mồ hôi nằm trên đỉnh các gờ tiết ra mồ hôi làm ướt các đường vân và để lại dấu của hình dạng vân tay trên các đồ vật mà người ta cầm nắm. Cho nên việc ứng dụng vân tay, chỉ tay trong cả đời người được các ngành y học, an ninh, pháp luật khai thác, coi là một dấu tích của mỗi cá thể người.

Tôi có điều kiện nghiên cứu trên 3.000 trường hợp tử vong, trong đó có gần 400 trường hợp có liên quan tới khám nghiệm pháp y, các hiện nhân thường do tự tử, tai nạn, chết đuối, điện giật và chém giết... Các trường hợp này đều phải chụp ảnh toàn thân và lấy vân tay. Khi chết, con người có thể thay đổi hình tướng cũng như về trạng thái sinh học, nhưng vân tay không thể thay đổi. Thực tế, có người cố tình xóa vân tay nhưng dù dùng mọi cách thì sau đó nó vẫn nổi lên như cũ.

Phân tích từ góc độ di truyền và thống kê, các chuyên gia thấy, phải mất 6.000 năm mới có thể có hai người có vân tay giống nhau. Ngay trong trường hợp song sinh cùng trứng, giống nhau về mọi mặt như tính cách, sở thích, hành vi, diện mạo và nhóm máu... nhưng chỉ tay của họ vẫn khác nhau, do cấu trúc gen quy định.

Van tay, chi tay khong the doan menh-Hinh-2
Các đường vân tay được hình thành bởi lớp biểu bì và lớp nông của bì.

Không thể lấy cái cố định lý giải cho sự biến đổi

Việc qua chỉ tay và vân tay để lý giải đời sống trong con người, đặc biệt là những biến động lớn đã xảy ra trong cuộc sống là có cơ sở khoa học. Các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Trung Quốc... họ đều ứng dụng vân tay trong khoa học hình sự, gen học, sinh học và di truyền. Nhưng xem chỉ tay, vân tay để bói (dự báo) về vận mạng con người chỉ dựa trên chủ quan của người xem qua kiến thức nghiên cứu từ sách vở thì thiếu khách quan và không có cơ sở khoa học.

Bởi con người là tổng hòa của các quy luật tương đối và phụ thuộc vào trật tự của vũ trụ, trong sự biến đổi không ngừng. Con người lại đang sống trong 2 trạng thái tâm thức, lớp tâm thức động là hữu thức, lớp tâm thức sâu là vô thức. Hai dòng tâm thức này tác động và ảnh hưởng lẫn nhau một cách trực tiếp và gián tiếp, đồng thời cũng kết nối với cuộc sống vật chất và tâm linh. Nó làm cho thân luôn động và tâm luôn luôn biến đổi để hình thành cái tôi (bản ngã).

Hơn nữa, con người hợp nhất bởi 300 lóng xương, hơn 300 dây chằng bao cân và gần 300 bó cơ, được kết hợp với lục phủ ngũ tạng do hệ thống khí huyết, nội dịch, kinh lạc chi phối bởi hệ thống thần kinh trung ương, vì thế con người phụ thuộc vào quá nhiều thứ để hoàn thiện cái "tôi".

Ngoài việc biểu hiện cái sắc thái, hình tướng bên ngoài, đều bị chi phối bởi các làn sóng năng lượng bên trong, do trạng thái tâm lý quyết định, con người còn phụ thuộc vào pháp giới chung quanh trong sự tồn tại của nó như môi trường sống, làm việc, nghỉ ngơi... Trong khi đó, vân tay đều được hình thành từ khi còn thai nhi. Lúc đó bào thai còn chưa biết gì về môi trường mình đã chào đời, cũng như môi trường sau này sẽ sống và làm việc, thì chỉ tay làm sao biểu hiện được công danh, sự nghiệp, chồng con sau này được?

Số phận do ta quyết định

Người xưa cũng đã kết luận: Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên. Con người từ khi sinh ra đến khi mất đi có sự biến đổi của cung mệnh, như trường mệnh và đoản mệnh ở mỗi giai đoạn của đời người nên mới sinh ra sinh vi (sống dần trong cái chết) và tử vi (chết dần trong cái sống).

Thực sự xưa và nay việc xem tướng người hay tướng tay là việc được khẳng định. Nhưng các biểu hiện của tướng này cũng thay đổi theo thời gian. Như ở con người có 3 biểu hiện về hình tướng là: Cốt sinh hình - tâm sinh tướng và khí sinh sắc. Khi tinh khoẻ, tủy vượng thì cốt mạnh sẽ có thân hình khoẻ mạnh. Khi khí đủ thì huyết vượng, nội dịch đủ thì nhan sắc sẽ sáng, hồng và nhuận. Và khi tâm thanh tịnh, con người sống thánh thiện thì nhìn khuôn mặt và tâm trạng sẽ phúc hậu, đoan trang.

Nhưng tinh, khí, thần này luôn biến đổi trong cuộc sống do điều kiện, hoàn cảnh thay đổi. Chính lẽ đó thân, sắc và tướng cũng thường biến đổi theo. Nếu ở những giai đoạn đoản mệnh, như ở lứa tuổi 49 - 53 con người có biến đổi về cuộc sống và thường có chiều hướng xấu; thì cũng có thể điều chỉnh thành Trường mệnh.

Vì ở cung tuổi 49 - 53 là "điểm trũng" về sinh học và tâm lý. Ở cung tuổi này do năng lượng sinh học kém mà dẫn tới tâm lý kém. Thực tế giai đoạn này 3 báu vật của cơ thể là Tinh - Khí - Thần đều kém. Tinh cạn, khí đoản, thần suy. Do tinh cạn cho nên thận yếu, cốt nhược, làm cho tinh thần mệt mỏi, đau nhức. Do khí đoản làm cho phủ tạng bí trệ, nên dễ sinh bệnh tật. do thần suy cho nên trí nhớ kém, làm việc kém hiệu quả và dễ sinh tai nạn, và sau giai đoạn này năng lực con người suy giảm. Do đó người ta cho là số phận.

Nhưng nếu ta biết sống vui vẻ, luyện tập thể thao ở trước cung tuổi đó thì sẽ không có hạn chế "điểm trũng" sinh học trên. Quá trình này sẽ làm cho Tinh - Khí - Thần đều vượng sẽ có cơ thể khoẻ mạnh, hạn chế ốm đau bệnh tật. Và do thần vượng, trí sáng sẽ hạn chế được các sai lầm trong công việc và đời sống - cũng như thân tâm đều khỏe sẽ tránh được tai nạn, rủi ro bất ngờ.
Các nhà bói toán thường chú ý đến hình dáng vân tay để "phán". Thực tế, tuy hình dạng vân ngón tay rất khác nhau nhưng được xếp vào 3 nhóm chính: Vân vòng, vân móc và vân cung. Trong đó vân vòng được chú ý gọi là hoa tay. Theo các nhà bói toán, người có nhiều hoa tay sẽ thông minh, khéo léo và thành đạt. Thế nhưng, thực tế có nhiều người thành đạt mà chẳng có hoa tay nào trong khi người có nhiều hoa tay lại chẳng thành đạt. Bởi công danh, sự nghiệp, vợ chồng, con cái... là những vấn đề liên quan đến xã hội, phụ thuộc nhiều vào nỗ lực, phấn đấu của bản thân. Những nếp chỉ tay sao có thể là tấm bản đồ kể rõ hoạt động trong suốt cuộc đời của ta được?
BS Nguyễn Văn Thắng

>> xem thêm

Bình luận(0)