Bài viết của tác giả Đ. Ngọc với nhiều suy nghĩ đầy tâm huyết về nền khoa học công nghệ Việt Nam xuất phát từ những cảm xúc về chiếc điện thoại thông minh Bphone "made in Vietnam" do Bkav sản xuất. Qua bài viết có thể thấy tác giả là một người lớn tuổi có hiểu biết sâu rộng về hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm khoa học công nghệ trong nước, cũng như theo dõi khá kỹ các thông tin gần đây về Bphone và tập đoàn Bkav.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tôi có đứa cháu làm cho một công ty Nhật Bản đang đầu tư tại nước ta, cháu khoe với tôi vừa mua chiếc Bphone do Bkav sản xuất, loại mạ vàng, giá đắt nhất. Tôi hỏi trước kia cháu dùng điện thoại loại gì? Sao giờ dùng Bphone? Cháu bảo trước đây dùng điện thoại của hãng Samsung, nay cháu dùng sản phẩm do chính Việt Nam sản xuất để nói với các đồng nghiệp Nhật Bản rằng, Việt Nam chúng tôi cũng làm được loại điện thoại thông minh cao cấp. Loại điện thoại mà hiện chỉ có vài nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,Trung Quốc, Nga... làm được thì Việt Nam giờ đã đứng vào hàng ngũ đó.
Vậy là niềm tự hào về sản phẩm đầu tiên này không còn giới hạn của Bkav mà thành của chung người Việt Nam. Cháu đã gieo vào tôi niềm tự hào chính đáng và tôi càng tự hào hơn khi biết tờ Cnet, tờ báo lớn nhất của Mỹ chuyên viết về công nghệ, ngày 31/7 vừa rồi đã đăng bài và ảnh về Bphone trên trang nhất. Ắt phải là sự kiện công nghệ gây ấn tượng mạnh mẽ mới có thể chiếm vị trí ấy của tờ báo lớn. Và càng cảm phục hơn khi được thông tin cũng trên báo này, Bkav đã đầu tư 20 triệu USD trong hơn 4 năm để sản xuất BPhone.
|
Ảnh minh họa.
|
So với những nước có nền kinh tế phát triển thì số vốn trên không phải là lớn, nhưng với nước ta hơn 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà nhất là những doanh nghiệp khoa học công nghệ không thuộc nhà nước quản lý, thì thấy số vốn hơn 400 tỷ đồng mà Bkav bỏ ra không hề nhỏ. Trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Nhà nước luôn luôn khuyến khích, kêu gọi phát triển khoa học công nghệ để nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, nhưng hiện thực lại khác xa. Nhìn lại vốn đầu tư cho khoa học công nghệ của nước ta trong những năm gần đây các nhà khoa học đều phải thốt lên: "Còn quá ít ỏi!".
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tháng 6/2015 cho biết: Mức đầu tư cho khoa học công nghệ của nước ta chưa tương xứng với quốc sách hàng đầu. Nếu như Hàn Quốc đầu tư 1.100 USD/1 người để làm nghiên cứu khoa học thì ta mới đầu tư có 10 USD, trong đó 5 USD từ ngân sách nhà nước, 5 USD từ xã hội. Còn với những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học được nhà nước đầu tư, không ít chương trình "xếp ngăn kéo", hoặc hiệu quả ứng dụng thấp.
Nguyên nhân chính đẫn đến tình trạng này là do không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Tôi hỏi một người bạn làm trong ngành Khoa học, ở các nước phát triển tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước so với khu vực ngoài nhà nước như thế nào? Anh cho biết, thường là 1:3, trong khi ở nước ta là 5:1. Nhà nước đã và đang lớn tiếng kêu gọi xã hội, nhất là các doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, nhưng sự đáp lại chỉ là những tiếng nói rụt rè, nhỏ nhẹ, thậm chí bỏ ngoài tai. Bởi vì đầu tư cho KHCN rất gian khổ, thành công thì một vốn bốn lời, nhưng thất bại thì không biết đến bao giờ mới trả được nợ. Đầu tư vào KHCN được xem như "đầu tư mạo hiểm", đầu tư 5-10 dự án, công trình nhưng tỷ lệ thành công thường chỉ 1. Vậy mà cách đây hơn 4 năm Bkav đã là doanh nghiệp đi tiên phong đáp lại lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, bỏ vốn đầu tư vào dự án Bphone, một dự án mang tính "cách mạng" trong ngành công nghệ của Việt Nam, và mong đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước nhà, mong Việt Nam thoát khỏi cảnh đi làm gia công cho các hãng nước ngoài, mong có tên trong danh sách những nước có nền KHCN phát triển.
Trong bài viết của tờ Cnet ngay mở đầu đã có đoạn: "Hệ thống điện của tòa nhà ngừng hoạt động khi buổi thuyết trình đang diễn ra và tôi được giải thích rằng chuyện này vẫn thi thoảng xảy ra". Chỉ một chi tiết này thôi cũng đủ nói lên điều kiện làm việc ở Việt Nam vất vả như thế nào. Đó là chưa kể những điều kiện khác đã "bó chân nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học". Đã có lần CEO Nguyễn Tử Quảng thốt lên trong một bài phỏng vấn của báo chí: "Nếu Tim Cook (CEO của Apple) ở Việt Nam chưa chắc đã làm được điện thoại thông minh", nên nhiều người "không thể tin nổi" ngành KHCN nước ta có thể làm được một sản phẩm công nghệ nào "ra hồn" sánh vai với thế giới. Vậy mà Bkav đã bước qua mọi gian nan, thử thách về nhân tài, vật lực, về môi trường đầu tư... để làm ra một sản phẩm cao cấp sánh với các tên tuổi lớn. Đúng là "thật không thể tin nổi".
Báo Cnet còn viết: "Hãng này tự thiết kế tất cả mọi thứ từ bo mạch chủ tới phần mềm trên Bphone. Bkav đang thực hiện sứ mệnh "là một phần trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra tại Việt Nam", nơi các hãng nước ngoài chỉ tận dụng cơ hội nhân công giá rẻ để lắp ráp sản phẩm". Như thế sao không đáng khâm phục tinh thần dám nghĩ, dám làm, đi tiên phong trong đầu tư mạo hiểm của tập đoàn công nghệ Bkav và CEO Nguyễn Tử Quảng? Như thế sao không đáng tự hào về sản phẩm Bphone "Designed by Bkav- Made in Việt Nam"?
Tôi được biết Bkav còn có nhiều sản phẩm công nghệ khác, đầu tiên phải kể đến phần mềm diệt virus, các thiết bị cho ngôi nhà thông minh (SmartHome), phần mềm văn phòng điện tử (e-office), phần mềm họp trực tuyến (e-meeting)... Các sản phẩm này đã được thử thách qua người tiêu dùng Việt Nam. Khi viết bài này tôi cũng được biết: Bkav đã lọt vào "Tốp 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam". Lần thứ 3 liên tiếp Bkav đoạt được danh hiệu này. Đây là sự định giá, sự tôn vinh hàng Việt Nam của các tổ chức: Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Viện Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam. Vì vừa mới trình làng nên Bphone chưa được thử thách trên thị trường, dĩ nhiên là chưa thể xếp vào cùng loại với nhóm sản phẩm của Bkav đã đi vào thị trường trên dưới chục năm, nhưng mới tung ra thị trường mà Bkav đã bán được gần 12.000 chiếc Bphone trong đợt đầu tiên.
Tuy nhiên, theo những người lãnh đạo Bkav trả lời trên báo chí, thì "tạo ra doanh số cao không phải là ưu tiên chính. Việc quan trọng là phải tạo ra ấn tượng tốt cho người tiêu dùng". Theo dõi các sản phẩm trước đây của Bkav cũng thấy như vậy, khi mới tham gia thị trường Bkav cũng xác định tạo ra doanh số cao không phải là ưu tiên chính, khi sản phẩm gây được ấn tượng tốt với người tiêu dùng, tức là chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận thì dần dần doanh số sẽ cao. Có thể thấy, cách đầu tư của Bkav là đầu tư cho chất lượng, đầu tư chiến lược, bền vững chứ không phải kiểu "mì ăn liền", kiểu đầu tư "phi vụ". Cách đầu tư, nhất là với sản phẩm KHCN, làm như Bkav tôi tin chắc là sẽ "lớn nổi thành người". Không phải ngẫu nhiên mà tờ Cnet khi viết về Bphone của Bkav đã có một cái tựa gây ấn tượng mạnh "...chạy đua để thành một Apple mới". Điều đó rất có cơ sở và có lẽ hợp với sở nguyện, ước mong của Bkav. Rất tiếc một vài tờ báo khi khai thác lại bài viết của Cnet đã biên tập lại theo cái nhìn thiếu khách quan.
Năm 2016 tới sẽ đầy thách thức với các doanh nghiệp khi nước ta trở thành thành viên của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam sẽ ký hiệp định đối tác tự do thương mại với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga... hòa nhập với nền kinh tế thế giới sâu hơn, rộng hơn. Khi đó không còn hàng rào thuế quan, cạnh tranh tự do, sòng phẳng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nếu doanh nghiệp nào của nước ta không đổi mới công nghệ, không có sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh chắc chắn sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Tôi tin rằng, tập thể của tập đoàn công nghệ Bkav với khẩu hiệu "Hãy làm việc hết mình mọi điều tốt đẹp sẽ đến" đã và vẫn đang nỗ lực đầu tư, đổi mới công nghệ để các sản phẩm của mình, trong đó có Bphone, được nâng cao hơn về chất lượng, đáp ứng sự kỳ vọng của người tiêu dùng. Chắc rằng, dù trong bối cảnh kinh tế nào thì Bkav-trong tốp các thương hiệu nổi tiếng nhất của nước ta- vẫn vững bước đi lên.