Trứng, sữa vẫn có thể tồn dư kháng sinh

Google News

(Kiến Thức) - PGS.TS Bùi Hữu Đoàn của ĐH Nông nghiệp Hà Nội sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này.

Nhận diện kháng sinh tồn dư 

Năm 1949, một bác sĩ thú y tình cờ dùng bã B12 có chứa Chlotetracycline bổ sung vào khẩu phần ăn cho gia cầm. Ông nhận thấy chúng lớn nhanh. Sau đó người ta so sánh việc bổ sung riêng rẽ B12 và Chlotetracycline và đã xác định rằng chính kháng sinh có tác dụng kích thích sinh trưởng cho gia cầm. 

Ba thập niên liền sau đó, người ta đã tìm ra nhiều loại kháng sinh có tác dụng kích thích tăng trưởng gia súc, gia cầm, đặc biệt có hiệu quả cao ở giai đoạn tăng trưởng (cao hơn 10 - 20% so với đối chứng, giảm chi phí thức ăn 10 - 15%, giảm tỉ lệ chết và mắc bệnh của vật nuôi). Vì thế, người ta đã đưa vào thức ăn của gia súc, gia cầm nhiều loại thuốc kháng sinh như oxytetracycline, aureomycine, penicilline, streptomycine.

Sau này, người ta đã thu thập được nhiều bằng chứng chứng minh việc bổ sung kháng sinh vào thức ăn trong thời gian dài làm cho một số loài vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong đường ruột "nhờn" với các kháng sinh đó. Một số chất kháng sinh này sẽ tồn dư trong thịt, trứng, sữa có thể gây tác hại cho người tiêu dùng. Ví dụ, sữa có kháng sinh làm chậm quá trình lên men sữa chua hay lên men pho mát. 

Nhưng nghiêm trọng hơn cả là chất kháng sinh bổ sung vào thức ăn còn gây ra hiện tượng "chọn lọc" vi sinh vật kháng lại kháng sinh, đặc biệt hiện tượng "kháng thuốc chéo". Vì khi dùng thường xuyên chất kháng sinh bổ sung vào thức ăn của vật nuôi sẽ tạo ra những loài vi sinh vật thích nghi và chống lại một chất kháng sinh. Loài vi sinh vật chống kháng sinh này thường chống luôn một số loại kháng sinh khác, mặc dù chúng không tiếp xúc với các kháng sinh đó.

Hiện nay, người ta đã phát hiện một số chủng vi khuẩn kháng thuốc trong nhóm Salmonella, Eschericchia coli, Enterococcus, Campilobacteria... Vi khuẩn nhờn thuốc kháng sinh từ phân gia súc lây lan sang rau cỏ, thực phẩm và lây sang cơ thể con người và sau đó từ người bệnh lây sang người lành, đó là chu trình tất yếu khó tránh cho mọi người. Bên cạnh đó, có một số trứng còn bị nhiễm vi khuẩn đường ruột salmonella.

Do những tác hại đó, hiện nay hầu hết các nước cấm sử dụng các loại kháng sinh đang dùng trong y tế sử dụng làm chất kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi.

 Để an tâm, cách tốt nhất người tiêu dùng nên mua trứng có thương hiệu.


Cách chọn mua trứng sạch

Đến nay, rất khó để kiểm tra tồn dư chất kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi nói chung và trong trứng nói riêng. Để biết, cần phải kiểm tra định tính, sau đó định lượng kháng sinh tồn dư bằng các phương pháp xác định vòng vô khuẩn, điện di, sắc ký hay ELISA. Các phương pháp kiểm tra đều rất tốn kém vì phải phân tích trên thiết bị rất hiện đại và tốn kém.

Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quá lo ngại về vấn đề trứng gà nhiễm kháng sinh độc hại. Vì các cơ quan chức năng nhà nước đã thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra chất lượng thức ăn của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có kiểm tra các loại thuốc kháng sinh cấm sử dụng.

Để an tâm, cách tốt nhất người tiêu dùng nên mua trứng có thương hiệu. Để được đóng dấu chất lượng, trứng sạch phải đảm bảo 3 điều kiện chính: Thức ăn đầu vào sạch, gà mái sạch, được tiêm phòng đầy đủ và thứ ba là quy trình chăn nuôi tiên tiến với sự giám sát của cán bộ thú y chuyên nghiệp. 

Gần đây ở các siêu thị Hà Nội và các tỉnh lân cận có bán trứng gà mang thương hiệu "Tiên Viên" của anh Đặng Đình Tiên, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ với số lượng lên đến 500.000 trứng gà sạch/ngày. Sản phẩm trứng gà sau khi được thu gom về công ty sẽ được xử lý trứng bằng tia cực tím; sau đó được phân loại, dán tem và đóng hộp.  Toàn bộ quy trình xử lý trứng (từ khâu nạp trứng, sấy, khử trùng bằng tia cực tím, soi trứng, hệ thống dò tìm trứng nứt, trứng có trống... đến cân, phân loại, phủ dầu bảo vệ, in phun tự động, vô hộp, dán nhãn và đóng gói thành phẩm) được tự động hóa hoàn toàn. 


Để an toàn cho sức khoẻ, một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại là người tiêu dùng nên ăn trứng đã nấu chín kỹ, hạn chế ăn trứng sống hay trứng "lòng đào" (ốp la).




PGS.TS Bùi Hữu Đoàn

Bình luận(0)