Nguy cơ có thể gây tổn hại tế bào
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Stony Brook (Mỹ), lượng bức xạ cực tím (UV) tỏa ra từ đèn huỳnh quang compact (CFL) có thể gây tổn thương các tế bào da và gây ung thư đối với người tiếp xúc chúng ở liều lượng cao.
Nhóm nghiên cứu đã cho các tế bào da người khoẻ mạnh tiếp xúc với ánh sáng của đèn CFL trong 4 ngày và so sánh tác động đó với ảnh hưởng của các bóng đèn dây tóc kiểu cũ lên cùng những tế bào da. Kết quả cho thấy, các tế bào da tiếp xúc với đèn CFL ngừng phát triển và thay đổi hình dạng. Đây chính là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư da.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do những vết nứt tí hon ở lớp phủ bên trong các bóng đèn CFL cho phép bức xạ UV rò rỉ ra ngoài, gây hại cho da người tiếp xúc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học độc lập khác lại lập luận rằng bóng đèn huỳnh quang compact phát sáng nhờ sự phóng điện trong hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím. Các tia này kích thích bột huỳnh quang trong vỏ đèn phát ra dải phổ ánh sáng màu trắng nhìn thấy được. Thực tế, các hạt điện tử va chạm vào thủy ngân và bột huỳnh quang với năng lượng rất nhỏ, nên các tia độc hại phát ra gần như không đáng kể, người tiêu dùng không phải băn khoăn việc sử dụng bóng đèn này có thể gây ung thư.
|
Bức xạ của tia cực tím phát ra từ các loại đèn compact cũng có thể có
nhưng mức độ là vô cùng nhỏ. |
Giảm thủy ngân trong bóng đèn
PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thực chất những thông tin dạng này chỉ là thông tin nhiễu. Bất kể một loại đèn nào cũng phát ra phổ ánh sáng đi từ tia tím đến tia đỏ. Đèn huỳnh quang, tùy theo bản chất của từng loại, cũng phát ra phổ ánh sáng trong dải ánh sáng nhìn thấy được. Bức xạ của tia cực tím phát ra từ các loại đèn này cũng có thể có nhưng mức độ là vô cùng nhỏ. Còn thực tế để gây hại cho các tế bào da thì cường độ bức xạ của tia cực tím phải là bao nhiêu thì nghiên cứu lại không nói đến.
TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ điện tử và kỹ thuật y sinh, Khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Vấn đề đáng quan tâm nhất ở loại đèn CFL này là thành phần thủy ngân bên trong bóng. Tuy nhiên, thành phần thủy ngân trong bóng huỳnh quang của một số hãng sản xuất uy tín ở nước ta được giới hạn ở mức 0,35mg/bóng, đúng bằng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, các hãng vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để giảm thủy ngân trong bóng xuống mức thấp nhất có thể.
TS Nguyễn Phan Kiên cho biết thêm: Bên cạnh tính năng tiết kiệm điện, bóng đèn compact có hạn chế là chủ yếu được dùng để thay thế cho bóng đèn sợi đốt (loại bóng phát sáng khi đốt nóng, nên bức xạ nhiệt lớn) nên không thích hợp cho việc chiếu sáng chung với diện tích lớn, mà chỉ phù hợp cho việc chiếu sáng cục bộ trong các căn phòng có diện tích nhỏ (nhà tắm, nhà kho, chân cầu thang...). Nếu dùng làm nguồn sáng chung thì nên kết hợp thêm với chóa đèn để mở rộng trường chiếu sáng.
Còn khi dùng cho góc học tập, bàn làm việc thì phổ ánh sáng trắng, không giống ánh sáng tự nhiên nên sẽ khiến mắt phải điều tiết để thích nghi. Để đảm bảo đủ cường độ chiếu sáng làm việc, ngoài nguồn sáng chung trên cao, nên bố trí nguồn sáng trực tiếp hỗ trợ - như đèn học, đèn đọc sách - là dạng đèn chức năng, nên sử dụng bóng đèn quả lê, dạng bóng sợi đốt hay bóng halogen để cho nguồn sáng trung thực hơn. Nguồn sáng hỗ trợ phải đảm bảo cường độ ánh sáng ở mức 300 - 500 Lux, tương đương với bóng khoảng 45 - 50w.
Trường hợp bóng đèn huỳnh quang CFL bị rạn, nứt vỡ, thủy ngân thất thoát ra ngoài có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, vì vậy cần khuyến cáo người sử dụng khi vứt bỏ bóng đèn compact cũ, tránh đập vỡ bóng. Nếu chẳng may bóng đèn bị vỡ, cần mở ngay cửa phòng cho thoáng khí, dùng khăn giẻ ướt thu dọn ngay các mảnh vỡ vào túi nilon. |
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: