Sưu tầm cây ăn thịt đang trở thành thú chơi mới đang nổi lên rất nhanh trong giới chơi cây Sài thành.
Một thú chơi mới đang nổi lên rất nhanh trong giới chơi cây Sài thành. Những loại cây có hình thù kỳ quái, giới dân chơi gọi là cây ăn thịt đang được nhiều người săn lùng ráo riết...
Thời gian gần đây, người dân Sài thành tỏ ra rất chuộng loại "cây ăn thịt". Theo mô tả của anh Mai Sơn (ngụ tại Q7, TP.HCM), người có kinh nghiệm lâu năm sưu tập cây ăn thịt, hiện có rất nhiều giống cây ăn thịt khác nhau nhưng giống cây được nhiều người lựa chọn nhất là cây nắp ấm. Cây này có hình dáng như chiếc bình nước. M
ùi hương ngon ngọt đặc trưng của cây này có khả năng dụ các con mồi bay về phía cây, đậu vào miệng bình, lớp gai nhọn dày ở mép lá khép chặt lại, hút con vật xuống đáy. Khi đó, chất nhầy được phóng ra, tiêu diệt con mồi. Khi đã tiêu hóa hết, cây bắt ruồi lại sẵn sàng chờ con mồi mới.
Sốt với thú chơi mới lạ
Anh Sơn cho biết thêm, một dạng cây khác có hình dáng như đầu rắn. Con mồi chỉ tiến gần đến miệng rắn là bị ngoặm ngay lập tức. Cây loa kèn vàng thì có một cách khác để nhử động vật. Bên trong lá của hoa loa kèn vàng có một chất ngọt khiến côn trùng rất thích, nhưng khi ăn vào chúng sẽ bị tê liệt và rơi vào đáy hoa rồi bị phân hủy thành chất dinh dưỡng cho cây.
|
Cây nắp ấm là loại cây được nhiều người tìm mua . |
Một loại cây bắt ruồi, giống như những lá xương rồng xếp thành bông hoa với tua tủa gai để bắt giữ con mồi bằng chất keo dính. Càng giãy giụa, con mồi càng dính chặt vào cây, cuối cùng con vật kiệt sức và chết, dịch của cây chảy ra nhiều hơn để tiêu hóa con vật.
Anh Nguyễn Mai Hòa (ngụ tại Q4, TP.HCM) là chủ nhân của nhiều loại "cây ăn thịt" khác nhau khoe về tài sản cây ăn thịt của mình: "Năm 2007, tôi vào chơi nhà một người bạn ở quận 1, TP.HCM và được tặng một cây nắp ấm. Bạn tôi bảo rằng đó là loại "cây ăn thịt", nó có thể bắt muỗi, tôi thấy làm lạ. Sau đó, tôi tỏ ra thích thú với loại cây này. Chơi "cây ăn thịt" cũng thật đơn giản, nó vừa có thể trang trí ngôi nhà thêm tươi tắn, vừa có thể diệt côn trùng. Lợi cả đôi đường. Có lần ghé ngang qua hàng cây cảnh chơi, thấy "cây ăn thịt" đẹp quá, tôi đã mua luôn cả 10 chậu về đặt ở vườn nhà".
Anh Hải Hà, một dân chơi cho biết: "Càng ít dinh dưỡng, những hố bẫy côn trùng càng tươi tốt, đẹp rực rỡ để mời gọi côn trùng sập bẫy. Khi côn trùng rơi vào hố bẫy, nắp ấm sẽ đóng lại và chất nhầy trong hố bẫy sẽ xử lý, chế biến thịt côn trùng thành chất dinh dưỡng nuôi cây".
Bắt mồi nhanh hơn... chớp mắt
Theo tài liệu khoa học, những cái lá hình vỏ sò của loại cây này có thể gắp con mồi chỉ trong 1/10 giây, nhanh hơn cái chớp mắt. Điều thú vị là cây ăn thịt này không "ngán" côn trùng nào, từ ruồi, nhện, kiến, nhưng lại không thể ăn được loài bọ cánh cứng, nếu cây vô tình bắt bọ cánh cứng thì một lúc cũng phải nhả ra vì không thể tiêu hóa được. Nhiều người mới chơi tỏ ra thắc mắc không biết loại cây này có ăn thịt động vật hay không…
Anh Minh Tuấn, một người sưu tầm cây bắt ruồi ở quận Thủ Đức cho biết, nhiều người thích các loại cây ăn thịt vì cho rằng nếu trồng chúng ở phía Đông Nam sẽ đem về nhiều tài lộc. Đây là một loài cây rất dễ trồng, chỉ cần một ống xơ dừa hoặc cát, tưới nước 2 - 3 ngày một lần thì cây luôn tươi, đẹp…
Được biết, hiện nay trên thị trường cây cảnh TP.HCM, "cây ăn thịt" bán khá chạy. Theo tìm hiểu của PV, tại các cửa hàng cây cảnh bày bán nhiều loại cây bắt ruồi, muỗi, sâu bọ, côn trùng.
Anh Nguyễn Minh Sơn, chủ tiệm cây cảnh tại đường Huỳnh Tấn Phát (Q7, TP.HCM) cho biết: ““Cây ăn thịt” được bán ở đây chủ yếu là cây nắp ấm, cây bắt ruồi, cây loa kèn vàng, cây gọng vó, cây đầu rắn.... Tất cả số cây này đều được nhập ngoại với mẫu mã đa dạng. "Cây ăn thịt" chủ yếu là cây nhập ngoại, giá được giao bán từ 250- 600.000 đồng/chậu, những cây đẹp, lạ có giá từ 1-1,2 triệu đồng”.
|
Cần cẩn trọng khi mua "cây ăn thịt" về trồng . |
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn cảnh báo, "cây ăn thịt" ngoài vẻ đẹp còn tiềm ẩn những mối nguy hại đến sức khoẻ của con người. PGS. TS Đinh Duy Kháng (Viện Công nghệ sinh học, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) cho biết, không giống như động vật, cây cối có thể tự tạo ra thức ăn cho mình. Chúng lấy carbon dioxide từ không khí, nước ngầm dưới đất, ánh sáng quang hợp từ mặt trời.
Tuy nhiên, ngoài những thứ đó, khoáng chất cũng rất cần thiết cho sự phát triển của cây. Có một vài loại cây lấy khoáng chất bằng cách trở thành "cây ăn thịt". Chúng không lấy khoáng chất từ đất mà bằng cách bẫy và "ăn thịt" con vật. Phần lớn nạn nhân của "cây ăn thịt" là côn trùng có hại. Cây lấy chất dinh dưỡng từ xác những con vật sinh sống.
Cũng theo PGS.TS Kháng, "cây ăn thịt" chỉ có tính năng ăn côn trùng. Thông thường, cây quang hợp hít khí các-bon, thải ôxy nhưng đối với "cây ăn thịt" thì khác. Trong quá trình tiêu hoá con vật, cây sẽ thải ra một số chất có hại. Những chất đó dùng để tiêu hoá con vật mà cây đã "ăn thịt" nên cần oxy.
Vì thế, lượng ôxy thải ra không nhiều như cây thực vật quang hợp bình thường. Chất mà "cây ăn thịt" thải ra trong quá trình tiêu hoá, tuỳ theo từng loại côn trùng mà nó ăn vào, có cả chất lạ (trong đó có chất có hại cho con người).
Tuỳ cơ địa của từng người mà có thể có bị dị ứng hay không khi tiếp xúc với những chất lạ đó. Tất nhiên trong quá trình tiêu hoá côn trùng - tuỳ loại, cây sẽ thải ra một chất gây ảnh hưởng đến môi trường, nhất là khi để trong nhà.
Còn mùi hương của cây? Về chuyện dị ứng, cũng phải phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Những người không "chịu" được hương, phấn cây sẽ bị dị ứng ngứa khắp người. Vì vậy, khi chọn mua những loại "cây ăn thịt", người dân cần tìm hiểu rõ nguồn gốc và tác dụng của nó với môi trường, sức khoẻ con người, đừng bị vẻ đẹp của "cây ăn thịt" đánh lừa... mắt nhìn.
Hiện nay có rất nhiều loại cây cảnh ngoại lai được nhập về Việt Nam, cũng có nhiều loại cây, sinh vật gây hại cho môi trường. Bài học về ốc bươu vàng phá hại mùa màng, cây mai dương, cây mắt mèo, cây ngũ sắc phá huỷ hệ sinh thái vẫn đang còn "nóng hổi", cần sự kiểm tra ngặt nghèo của các cơ quan chức năng.
Nguồn: Người đưa tin
[links()]