TĐ Sông Tranh 2: Chưa thể yên tâm với mực nước chết

Google News

Nhà thầu và một số người cho rằng, khi thủy điện đã xả nước về mực nước chết thì nguy cơ vỡ đập sẽ không có...

- Dù mực nước tại hồ chứa nước đập thủy điện Sông Tranh 2 đã nằm ở mực nước chết song theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM, như vậy không có nghĩa đập thủy điện nằm trong ngưỡng an toàn.

Không có cơ sở để nghĩ an toàn

Nhà thầu và một số người cho rằng, khi thủy điện đã xả nước về mực nước chết thì nguy cơ vỡ đập sẽ không có. Cần phải hiểu rõ rằng khi không có cửa xả đáy thì chỉ có thể xả tối đa đến mức nước chết, là mức nước hết khả năng phát điện, còn dưới mức nước chết sẽ không còn cách nào để xả nữa. Với cách xả này, lượng nước xả theo ước lượng chừng 510 triệu m3, khoảng 70% dung tích hồ, lượng nước còn lại chừng 220 triệu m3, khoảng 30% dung tích hồ. Nguy cơ đe dọa vỡ đập đã giảm đi nhiều, nhưng chưa thể gọi là an toàn. Tuy nhiên đó là điều bất khả kháng, tạm phải chấp nhận trong thời gian tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục sự cố.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, tình trạng nền đập Sông Tranh 2 sau hàng loạt các trận động đất kích thích vừa qua, liệu có còn được ổn định như thiết kế ban đầu hay không, hoặc có thể giữ được ổn định nếu còn tiếp tục động đất xảy ra sau này, điều này EVN không chứng minh, nhưng EVN vẫn đưa ra kết luận là đập an toàn!

Với những kiến thức chuyên môn và tham khảo thực tế, TS Nguyễn Bách Phúc khẳng định rằng, cho đến thời điểm này thì chưa có cơ sở để kết luận đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Lý do khẳng định điều này được EVN đưa ra là: Đập Sông Tranh 2 là loại đập trọng lực. Theo lý thuyết cơ bản về đập trọng lực, khi đã là đập trọng lực thì tự bản thân đập mặc nhiên có khả năng tự ổn định.
Đập thủy điện Sông Tranh 2.
Đập thủy điện Sông Tranh 2.

Sông Tranh 2 không phải đập trọng lực?

Gọi là đập trọng lực vì trọng lượng của nó rất lớn, lớn đến mức tự nó có thể nằm yên tại chỗ, không cần có móng cọc ở phía dưới, không cần có vật chèn chắn, mà vẫn không bị áp lực nước và các áp lực khác xô đẩy làm đập trượt về phía hạ lưu. Về trực quan có thể hình dung đập trọng lực tương tự một cục đá rất to, rất nặng nằm chơ vơ giữa dòng nước chảy xiết, không có vật gì chèn chắn, nhưng vẫn không hề nhúc nhích. Nếu đập Sông Tranh 2 được xây dựng đúng như lý thuyết thì nó đương nhiên là đập trọng lực, là tự ổn định, là an toàn tuyệt đối, không bao giờ bị trượt, bị lật, bị vỡ.

Tuy vậy, quan trọng nhất là điều kiện bắt buộc để cho một con đập thực sự là đập trọng lực. Thứ nhất, con đập phải là một cục (đập Sông Tranh 2 gồm 30 blog xếp kề nhau một hàng ngang thành con đập, mỗi blog là một cục tự ổn định theo thiết kế). Nếu thân đập của một blog bị nứt, thì blog đó không còn là một cục nữa, dù trọng lượng vẫn đủ theo thiết kế. Vết nứt có thể khiến một cục trở thành hai cục nhỏ, ba cục nhỏ và khi đó khả năng tự chống lật và tự chống trượt không còn nữa.

Điều kiện thứ hai, mỗi blog phải đủ trọng lượng (đủ nặng) theo thiết kế. Khi đã thấy dòng nước ào ạt phun ra từ mặt đập phía hạ lưu, ta buộc phải đặt câu hỏi, ngoài việc có tồn tại những khe nứt hay không, còn phải xét đến việc có tồn tại những khoảng trống (có áp lực kẽ rỗng nước và không khí) hay không? Nếu thi công đúng theo thiết kế, và giám định chính xác, đương nhiên trong thân đập sẽ không có khoảng trống. EVN chưa kiểm chứng rằng có hay không khoảng trống, từ đó chưa kiểm chứng được trọng lượng thật của đập, thì không thể yên tâm gọi nó là đập trọng lực, không thể yên tâm nói tự ổn định, không thể yên tâm tin nó là an toàn.

Điều kiện thứ 3, để đập trọng lực tự ổn định nền đập phải được đảm bảo là ổn định. Nếu nền đập không còn ổn định, nếu có khả năng xảy ra lún, sụt, xói lở, khi đó mỗi blog dù có là một cục, dù có đủ trọng lượng thiết kế đi nữa thì đập vẫn có khả năng bị trượt, bị lật.

Theo các chuyên gia, với điều kiện kỹ thuật như hiện nay thì không khó để tìm nguyên nhân. Máy thăm dò địa chấn hoàn toàn có khả năng thăm dò toàn bộ kết cấu của thân đập và nền đập, xây dựng bản đồ chính xác về tình trạng thân đập như vị trí, kích thước, số lượng của các khe nứt và của các khoảng trống nếu có, xác định chính xác bên trong khe nứt và khoảng trống đó là nước hay không khí. Khi có bản đồ chính xác này thì mới có thể xác định được các blog có còn là một cục hay không, các blog có đủ trọng lượng thiết kế hay không.  Máy dò địa chấn cũng sẽ xác định được chính xác kích thước của các tầng đất đá của nền đập. Từ đó có thể tính toán và đánh giá lại tính ổn định của nền đập.
Ngày 3/5, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 và Công ty Thủy điện Sông Tranh khẩn trương xử lý chống thấm triệt để đối với đập chính hồ Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam), đảm bảo hoàn thành trước 30/8/2012. Nếu đến thời hạn trên mà chưa hoàn thành thì EVN không được phép tích nước hồ Thủy điện Sông Tranh 2.
Tô Hội
[links()]

 

Bình luận(1)

Minh Hiền

Pecc1

Đập Sông Tranh 2 hoàn toàn là đập trọng lực.
Thưa TS Nguyễn Bách Phúc, với những lo lắng và phân tích của TS về đập sông Tranh2 nói riêng và đập trọng lực nói chung tôi xin có ý kiến:
1. TS cho rằng không có cơ sở để nói đập Sông Tranh 2 an toàn ở mực nước chết: Thưa TS, nghi ngờ là quyền của TS nhưng cũng phải nghi ngờ có cơ sở. Đập Sông Tranh 2 được thiết kế an toàn ổn định cho tổ hợp tác động ứng với trường hợp mực nước thương lưu là mực nước dâng bình thường + động đất cấp 7(tiêu chuẩn TK cho công trình cấp I). Vậy thưa TS với mực nước chết đập có an toàn không?
- TS lo lắng rằng nền đập có đảm bảo an toàn khi đã xuất hiện các trận động đất kích thích vừa qua? Lo lắng của TS hoàn toàn không dựa trên sự nghiên cứu hay phân tích khoa học, nó mang tính chất sự lo lắng của người chưa nắm rõ về địa chất công trình. Để chọn ví trí nền đập sông Tranh 2, cơ quan thiết kế phải dựa vào các tài liệu về địa hình, địa chất và đánh giá động đất của viện vật lí địa cầu cũng như khoan thăm dò địa chất thuỷ văn trên thực tế. Để dễ hình dung, TS có thể hình dung rằng, nếu xét ở yếu tố bất lợi nhất thì nền đập sông Tranh là một khối đá có trọng lượng tương tự đập Sông Tranh. Vậy liệu nền đập có an toàn? Câu trả lời TS tự hiểu.
2. Sông Tranh 2 không phải là đập trọng lực? TS đã đưa ra khái niện về đập Trọng Lực (chưa bàn là khái niệm đó đúng hay sai). Tôi chỉ xin có ý kiến:
-"Về trực quan có thể hình dung đập trọng lực tương tự một cục đá rất to, rất nặng nằm chơ vơ giữa dòng nước chảy xiết, không có vật gì chèn chắn, nhưng vẫn không hề nhúc nhích". Nhận định này theo tôi nên được xem lại vì dòng nước chảy xiết và nước tĩnh yếu tố tác động là khác nhau. Đập sông Tranh 2 chỉ cho dòng nước chạy qua khu vực đập tràn(với lưu lượng không rất nhỏ so với lưu lượng tổng thể), nếu đóng của van thì nó hoàn toàn chịu tác dụng của mực nước tĩnh và sóng mặt do gió.
-TS nói "quan trọng nhất là điều kiện bắt buộc để cho một con đập thực sự là đập trọng lực. Thứ nhất, con đập phải là một cục...". Thưa TS, việc thiết kế đập trọng lực ở VN hiện nay trên cơ sở bài toán phẳng, nghĩ là xét một lát cắt có bề rộng 1m để tính toán ổn định, nên việc đập gồm nhiều block là đúng. Hơn nữa nếu toàn bộ con đập là một khối như TS nói thì nứt thân đập là chắc chắn. Để chống lại nứt thân đập( do nhiều nguyên nhân), giải pháp thiết kế được đưa ra là chia thân đập thành nhiều khối trên cơ sở đảm bảo ổn định tổng thể và không bị nứt do các tác động (các trường tác động được tính toán theo tiêu chuẩn hiện hành của VN và thế giới). TS đặt ra giả thiết là "nếu các block bị nứt" thì tôi không bàn thêm nữa! Tôi khả định là các block được thiết kế đảm bảo an toàn ổn định tổng thể và ổn địn cục bộ (nứt, gãy...) theo đúng TCTK.
- Điều kiện thứ 2 như TS nói: TS lo lắng trong thân đập có tồn tại những khoảng trống hay không? Các khoảng trống trong thân đập được chỉ ra trên HS TK đó là các hành lang và đảm bảo đủ trọng lượng của đập. Việc thi công và nghiệm thu tuân thủ các qui trình qui phạm và tuân theo HSTK và có các cơ quan nhà nước giám sát. Vì vậy không ai dại gì lại đi đeo gông vào cổ mình khi không lại đi cố tình tạo các khoảng trống trong thân đập trọng lực mà không có sự cho phép của TK.
- Ở ĐK thứ 3 tôi đã trình bày ở phần đầu: Nền đập trước khi thi công đập đã được nghiệm thu và thu thập các tài liệu đảm bảo yêu cầu thiết kế
Xin có đôi lời chia sẻ với TS. Vì thông thường việc lo lắng mang tính chất chung chung khi chưa có cơ sở và tính toán thiết nghĩ đó là lo lắng của người không có chuyên môn. Còn với bậc trí thức, lời nói của mình một phần nào có ảnh hưởng tới một số người vì vậy không nên đưa ra những dự báo theo kiểu thầy bói xem voi.