Sáng 24/8, chúng tôi đã có mặt tại Công ty này và gặp vị giám đốc để tìm hiểu sự việc.
Tàu ngầm mini "Trường Sa" 1
Người có dự án làm tàu ngầm "gây bão" trong dư luận tên là Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình).
Mới vừa bước qua cổng Công ty, chiếc tàu ngầm mini đã đập vào mắt chúng tôi. Vỏ ngoài của chiếc tàu được sơn màu nâu sồng, hình dạng nhỏ hơn so với những chiếc tàu ngầm mà chúng tôi thường thấy.
|
Một số hình ảnh về chiếc tàu ngầm mini tự chế mang tên Trường Sa của doanh nhân này vào sáng 24/8. |
Theo như những thông tin cung cấp trên website của Công ty, chiếc tàu ngầm này có tên là tàu ngầm mini Trường Sa 1, có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động của tàu là 800km, lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp. Khi lặn, sử dụng công nghệ AIP (do Việt Nam thiết kế); thời gian lặn 15h; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ trung bình 40km/h (20 hải lý/h).
Ông Hòa cho biết thêm, tàu có chiều dài là 8,8m, cao 3m, nơi phình to nhất là 2,8m. Vỏ tàu làm bằng thép (thép đặc biệt dành cho chế tạo tàu của nước ngoài), độ dày là 15mm.
Nói về công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion- theo ông Hòa là công nghệ không khí tuần hoàn độc lập), ông Hòa cho biết, chiếc tàu ngầm bé như chiếc của ông mà chạy bằng điện (từ pin, ắcquy) chỉ được 1 tiếng rồi phải nổi lên, còn nếu chạy bằng công nghệ AIP thì được 15 tiếng. "Sử dụng công nghệ AIP vì tàu bé, nếu mang lượng ắcquy lớn thì quá nặng, không lặn được lâu"- ông nói.
Theo ông Hòa, mỗi lần đi tàu sẽ cần mang 1 tấn dầu DO để chạy 2 máy nổ diesel (chạy cùng lúc). Ông Hòa giải thích về nguyên lý hoạt động của công nghệ AIP: "Động cơ nổ phải có không khí. Nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết. Với công nghệ này, không khí do máy xả ra sẽ được qua bộ lọc để lọc hết tạp chất, đưa vào làm sạch, rồi bơm thêm ôxy và quay trở lại máy nổ, bắt đầu một vòng tuần hoàn mới".
Cũng theo ông Hòa, ngoài ra khi lặn, máy sẽ có hệ thống tái tạo ôxy, khử cácbon để người trong tàu hô hấp; có hệ thống khử hơi nước để đảm bảo an toàn cho trang thiết bị máy móc trong tàu…
|
Ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa. |
"Tôi quen với việc bị bảo là điên rồi"
Trao đổi với chúng tôi, ông Hòa chia sẻ, ý tưởng về chế tạo tàu ngầm hình thành cách đây khoảng 1 năm. Nói về lý do tại sao lại nảy sinh ý tưởng này, ông Hòa cho biết, nước ta có hơn 3.200km bờ biển, hàng triệu kilômét mặt biển. Ông tiến hành đóng tàu ngầm để nhằm 3 mục đích: Bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. "Trong khi đất nước còn nghèo thì không có gì tốt hơn là mình tự làm để đạt được những mục đích đó"- ông nói.
Ông Hòa cho biết, sau khi có ý tưởng trên, ông đã phải dành thời gian lang thang trên mạng rất nhiều. "Tất cả những trang viết về kỹ thuật tàu ngầm tôi đều vào tra cứu, vì kiến thức tàu ngầm không ai chia sẻ cả"- ông nói.
Ông nói tiếp, sau khi có đủ kiến thức thông tin, ông đã tiến hành thiết kế, tính toán các thông số kỹ thuật, rồi sau đó từ tết (âm lịch) đến giờ, ông cùng các kỹ sư và công nhân của Công ty đã bắt tay đóng tàu ngầm.
"Hiện tại, tàu đang trong giai đoạn lắp đặt các thiết bị, như các loại trục, bảng điều khiển, hệ thống điện, hệ thống tuần hoàn khí…"- ông Hòa tiết lộ. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc tàu ngầm này gần như mới chỉ có vỏ; trong khoang của chiếc tàu ngầm này gần như còn trống, chưa được lắp đặt thiết bị gì.
Khi được hỏi về số lượng người ngồi trong khoang, ông Hòa cho biết, ông chưa tính đến, mà "người ngồi duy nhất là tôi"- như lời của ông.
Ông Hòa đang xây một bể nước ở ngay trong khuôn viên Công ty để thử nghiệm tàu ngầm. Chiếc bể này 1 chiều 4m, 1 chiều 10m, sâu 5m. Sau đó, dự định của ông là đưa ra cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) để thử nghiệm, rồi "nếu tiện thì chạy ra Bạch Long Vĩ luôn". Tuy nhiên, ông giữ bí mật về thời gian thử nghiệm này. Ông Hòa nói, người trực tiếp thử nghiệm sẽ chỉ có một người duy nhất, đó chính là ông.
"Con tàu mang tính chất thí nghiệm để xác định các thông số tính toán của tôi chứ chưa mang tính sử dụng. Nếu là con tàu sau thì mới mang tính thương mại"- ông Hòa cho hay.
Khi được hỏi, ông nghĩ sao khi nhiều người bảo ông "điên", "khùng" khi đi đóng tàu ngầm? Ông Hòa cười, nói: "Tôi thích thú với nhận xét của họ. Vì họ có hoài nghi thì sau này họ mới công nhận. Tôi quen với việc bảo là bị điên rồi". Ông bảo, trước đây ông cũng làm một số sản phẩm, người ta cũng bảo là "điên", nhưng sau đó ông đã thành công thì người ta lại nói ngược lại.
Các con ông đều phản đối ông khi ông nói sẽ đóng tàu ngầm. "Chẳng ai đồng ý cả vì tính nguy hiểm của nó. Nhưng tôi vẫn làm theo ý tưởng của mình"- ông Hòa nói như đinh đóng cột.