Đột quỵ vì tắm nước nóng
Chị Nguyễn Hải Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) làm cả nhà bị một phen hú vía vì ngất trong khi tắm. Theo đó, sau khi đi làm về chị đi tắm. Vì trời lạnh nên chị tắm nước nóng hơi già. Đến 30 phút sau khi chị vào, gia đình không thấy tiếng động, cũng không thấy chị ra. Sau khi gõ cửa không được, phá khóa xông vào thì thấy chị nằm bất tỉnh, vòi nước chảy mạnh, hơi nóng bốc nghi ngút trong phòng.
Chưa đến mức bất tỉnh như chị Giang, nhưng nhiều người cũng đã phản ánh, sau khi tắm nước nóng vào mùa đông họ có cảm giác mệt mỏi, chân tay rã rời, choáng như bị hạ huyết áp. "Tôi thường xuyên bị mệt sau khi tắm, đặc biệt là tắm nước nóng già. Có thể do tôi tắm lâu hoặc tắm nước nóng quá nên bị mệt", chị Trần Thảo My, Hoàng Mai, Hà Nội cũng chia sẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, Viện trưởng Bệnh viện Đa khoa Khánh Lương, mùa đông tắm nước nóng cũng cần có chế độ phù hợp nhằm đảm bảo sức khoẻ cũng như có tác dụng dưỡng da. Nếu tắm không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ ngay lúc đó.
Vị chuyên gia này phân tích, khi tắm nước nóng thì lỗ chân lông và mạch máu sẽ giãn ra, khí và các chất trong cơ thể thoát ra ngoài. Chính vì yếu tố này nên khi tắm nước nóng con người có cảm giác đầu tiên là ngứa sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu tắm lâu, không những giảm ngứa mà cơ thể sẽ bị mệt mỏi. Đó chính là kết quả của việc khí và các chất trong cơ thể bị thoát ra ngoài quá mức. Lúc này, cơ thể rã rời, bủn rủn, hơi thở dốc, đầu choáng váng...
"Đã có những trường hợp bị đột quỵ, tai biến vì tắm nước quá nóng hoặc lâu. Trong các nguyên nhân bao gồm yếu tố khi tắm nước nóng, mạch giãn ra, máu trong não và tim giảm lưu lượng để phân ra vùng ngoại biên dẫn đến tình trạng mất thăng bằng. Đồng thời, khi tắm nước nóng làm nhịp tim tăng, mạch yếu dẫn đến tai biến, đột quỵ", GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên giải thích.
|
Mùa đông tắm nước nóng hay nước lạnh cũng cần phải nhanh. |
Tác dụng của tráng nước lạnh
Ở góc độ Đông y, ThS Nguyễn Văn Hải, Hội Đông y Hà Nội cho biết, mùa đông tắm nước nóng hay nước lạnh cũng cần phải nhanh. Bởi khi tắm, nước sẽ khiến áp lực thẩm thấu của cơ thể thay đổi dẫn đến các tổ chức khác của cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Nếu tắm lâu, điều này có thể gây chết người ngay khi đang tắm. Ngoài ra, nếu chỉ tắm mỗi nước nóng thì khi ra ngoài sẽ có cảm giác lạnh hơn, đồng thời da khô vì thiếu độ ẩm.
"Vì thế, chúng tôi khuyên để khắc phục hiện tượng này bằng cách nên tắm nước ấm, sau đó tráng qua người bằng nước lạnh ấm, tức 3 phần lạnh một phần ấm. Lúc này, mao mạch co lại, lỗ chân lông thu nhỏ, các dòng khí huyết được điều hòa trở lại nên người tắm sẽ trở lại bình tĩnh, đỡ choáng và hạn chế mệt hơn", ThS Nguyễn Văn Hải khuyến cáo.
Tương tự, việc rửa mặt vào mùa đông cũng tương tự như tắm. Khi đi đường về chúng ta vẫn nên rửa bằng nước ấm. Việc giãn nở lỗ chân lông giúp đẩy hết các vết bẩn, trí óc tỉnh táo... Tuy nhiên, để có làn da đẹp thì cần rửa lại bằng nước lạnh để se khít lỗ chân lông.
"Sau khi tắm, da trở nên mềm, đủ độ ẩm nên đây là điều kiện thuận lợi cho việc dưỡng da. Vì thế, sau khi tắm nên bôi kem dưỡng, mát xa hoặc đắp mặt nạ. Sau khi dưỡng kem nên bôi một lớp mỏng dầu dừa hoặc ôliu. Hai loại này tạo thành một lớp màng trên bề mặt da, từ đó giúp chống mất nước cho da".
ThS Nguyễn Văn Hải