Theo quảng cáo, loại vải sợi hoạt tính có nhiều tính năng tiện dụng như có thể rửa bát, lau màn hình máy tính, ti vi, tủ lạnh…
- Theo quảng cáo, loại vải sợi hoạt tính có nhiều tính năng tiện dụng như có thể rửa bát, lau màn hình máy tính, ti vi, tủ lạnh… không cần bất cứ chất tẩy rửa nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, người tiêu dùng không nên quá kỳ vọng vào sản phẩm này.
Miếng vải có tính năng thần kỳ
Đi một vòng ở Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam 2012, tôi bị cuốn hút ngay bởi một gian hàng quảng cáo rầm rộ một sản phẩm có tính năng thần kỳ có tên: Vải sợi hoạt tính.
Người bán hàng ra rả quảng cáo: Vải sợi hoạt tính do các nhà khoa học sáng chế ra, có tính năng kỳ lạ là hút mọi vết bẩn. Từ vết dầu mỡ, bụi bẩn, đến những vết cặn bám lâu ngày khó rửa, chỉ cần lấy miếng vải sợi hoạt tính nhúng vào nước và lau. Nói rồi, anh này liền lấy một chai dầu ăn đổ ra chiếc bát, cùng với một ít xì dầu trộn lẫn. Chỉ vài thao tác với miếng vải, chiếc bát đã trở nên sạch bóng. Miếng vải có kích thước khoảng 40 x 40cm được bán với giá 10.000đ/chiếc. Có đủ loại màu sắc khác nhau để lựa chọn.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quyền, Viện Khoa học Vật liệu, việc sáng tạo ra một loại vải hoạt tính có những tính năng này là rất khó. Nếu miếng vải có tính năng làm sạch thì nó sẽ phải được tẩm các chất nào đó trước khi được bán ra. Có những loại chất nó sẽ hút dầu và dầu sẽ nằm yên trong đó. Cái này sau một thời gian thì người ta phải xử lý như thế nào đó để loại bỏ loại dầu này. Nghĩa là về nguyên tắc, người ta có thể làm được loại vải hút dầu mỡ. Tuy nhiên, một loại vải dạng sợi có tính đa năng như vậy thì phải xử lý bằng một số hoạt chất polyme nào đó.
Ngược lại, TS Lê Thị Kim Xuyến, nguyên Trưởng phòng Thí nghiệm, Phân viện Dệt may TPHCM cho rằng, không có loại vải sợi nào có tên là vải sợi hoạt tính cả. Chỉ có hai loại là vải sợi tổng hợp hay sợi thiên nhiên thôi. Người ta có thể dệt vải từ những vật liệu thiên nhiên như xơ dừa, sau đó xử lý để nó có những tính năng khác chứ chắc chắn không có vải sợi hoạt tính.
|
Theo quảng cáo miếng vải “thần” sẽ làm sạch mọi viết bẩn. |
Xem lại tính năng tác dụng
TS Nguyễn Huy Tùng, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, có thể họ đưa một số chất nào đó vào miếng vải, khi cọ xát thì các chất có trong vải sợi sẽ giải phóng ra. Ví dụ như một số polyme có khả năng trương nở. Khi đưa xà phòng vào đó, gặp nước, nó sẽ tự động làm sạch các vết bẩn. Vải hoạt tính được hiểu là các sợi vải đã được biến tính, thanh đổi tính chất hoạt động và tăng khả năng hoạt động nhờ những thành phần hóa học khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quyền, để biết chắc chắn thành phần của miếng vải này như thế nào thì chỉ còn cách đi làm thí nghiệm. Còn về khả năng miếng vải có gây độc hại cho người sử dụng hay không thì cũng phải có các thí nghiệm mới khẳng định được. Bản thân vải cũng là một loại polyme tự nhiên, việc đưa những hóa chất nào vào đó để khử trùng, khử khuẩn, làm sạch bụi bẩn... cũng phải tính toán đến an toàn của người tiêu dùng.
Không tin tưởng vào nguồn gốc của loại sản phẩm này, TS Lê Thị Kim Xuyến khuyến nghị nên buộc nhà sản xuất phải công bố rõ nguồn gốc xuất xứ của các thành phần có trong đó. “Không nên để tình trạng giống như keo dính chuột được bày bán tràn lan trên thị trường, được quảng cáo là sản phẩm của Viện Công nghệ Hóa màu. Mà trong danh sách các đơn vị và cả trong tầm hiểu biết của tôi, không thể tìm được viện nào có cái tên đó”, bà Xuyến nhấn mạnh.
Giả sử nhà xản xuất đưa vào những hóa chất độc hại thì cũng khó có thể biết nếu không làm các xét nghiệm. Về lý thuyết thì như thế, nhưng một miếng vải với giá thành như vậy, cấu tạo như vậy, người tiêu dùng cũng không nên kỳ vọng nhiều vào những tính năng, tác dụng thần kỳ đó. Công nghệ trong nước có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. An toàn nhất vẫn là tự mình sử dụng những sản phẩm làm sạch phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quyền |
Hà Bình
[links()]