Sự thật về độc chất trong đồ điện gia đình

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin về chất Polychlorinated biphenyl (PCB) độc hại được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện nhập về Việt Nam từ nhiều năm trước khiến người dân lo ngại. 

Hợp chất độc hại, sinh ung thư
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, PCB trước hết là một hợp chất của clo, carbon và hydro. PCB tương đối chịu lửa, rất ổn định, không dẫn điện và có mức dao động thấp ở nhiệt độ bình thường. Chính vì thế, những năm 1981 trở về trước, nó được sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghiệp, dân dụng với nhiệm vụ chủ yếu là cách nhiệt cho các thiết bị làm mát của máy biến áp. 
PCB cũng được sử dụng trong chất lỏng thủy lực, lớp phủ bề mặt cho bản in carbon, chất dẻo trong nắp kính cho các thiết bị công nghiệp, nhựa tổng hợp, cao su, sơn, sáp và chất chống cháy trong dầu bôi trơn... Tuy nhiên, hiện các sản phẩm dân dụng sử dụng PCB tại các nước phát triển không còn nhiều vì đã bị cấm từ lâu do sự độc hại của nó đem lại. Các nghiên cứu đã cho thấy, nếu tiếp xúc với chất PCB trong thời gian dài và thường xuyên, người tiếp xúc dễ bị tổn thương gan, ung thư, các vấn đề về sinh sản, dị tật bẩm sinh và suy yếu hệ miễn dịch.
Việt Nam không sản xuất PCB nhưng trước đây có nhập khẩu khá nhiều thiết bị chứa chất này. Dù hiện nay chúng ta không còn nhập dầu hay thiết bị chứa PCB, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều. Tuy nhiên, số lượng PCB còn lại hiện nay tại Việt Nam chủ yếu là nằm ở các trạm biến áp đời cũ (của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) và EVN đang phải thực hiện quá trình tiêu hủy PCB này. Như vậy có thể nói rằng, người dân không nên lo vì các thiết bị mua từ những năm 1995 trở lại đây gần như không còn dùng PCB. Hiện chất này chủ yếu nằm ở các thiết bị có yêu cầu cách nhiệt, tản nhiệt lớn mà thiết bị dân dụng thì không có các đòi hỏi đó.
Trong giai đoạn 1930 – 1993, chất PCB được sử dụng như một chất phụ gia trong các tụ điện và máy biến thế. 
Tiêu hủy không dễ
Nguy hại của PCB vì là hợp chất bền, có khả năng phát tán trong môi trường và lưu trú trong cơ thể sinh vật sống, kể cả con người. Do đó, việc tiêu hủy PCB cần có thời gian để làm giảm lượng tồn đọng trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số công bố về việc xử lý PCB trong tự nhiên cho thấy, việc xử lý PCB trong môi trường mới là vấn đề lớn nhất mà nhà nước cần phải làm chứ người dân thì không thể. 
Cách tiêu hủy PCB đang sử dụng hiện nay là đốt trong buồng kín với nhiệt độ giữ trên 1.2000. Với phương pháp đốt và lọc tro có thể loại bỏ tới 99,999% lượng PCB nguy hại đã được tổng hợp trước đấy. EVN hiện nay đã được cấp 1 gói hỗ trợ khoảng 7 triệu USD cho việc tiêu hủy PCB trong các biến áp cũ từ Quỹ Môi trường toàn cầu. 
Ngoài cách đốt trong buồng kín thì một số loại vi sinh vật cũng có thể có khả năng phân hủy hợp chất clo có trong PCB, tuy rằng lượng không nhiều. Chính vì thế, với xu hướng sử dụng phân bón vi sinh hiện nay sẽ góp phần làm sạch môi trường và góp phần xử lý PCB phát tán trong đất, không khí. Với xu hướng trồng rau sạch tại nhà hiện nay, nếu người dân sử dụng thêm các chế phẩm phân bón vi sinh thì ngoài việc vừa có rau sạch để ăn còn có thể góp phần làm sạch môi trường cùng các chất độc hại khác đang phát tán trong không khí. 
Người dân có thể tham gia vào việc đảm bảo môi trường sống bằng cách bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và không đốt rác bừa bãi vì điều này có thể giúp phát tán PCB vào trong không khí và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người sống xung quanh vùng và bản thân họ.
Đức Anh

Bình luận(0)