Viral và dư luận…
Theo nhiều đánh giá, thành công của Flappy Bird ngoài nội dung game (Game Play) còn có yếu tố tiếp thị lan truyền (Viral Marketing) thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter.v.v…Tuy nhiên, thường thì những kịch bản về viral marketing luôn dự ứng trước khả năng về dư luận và trong trường hợp của Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông cho thấy có thể đang ở trong tình huống như vậy.
Dư luận về Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông như thế nào? Có thể kể ra vài hướng như sau: Đưa ra dấu hỏi về khả năng thu về 50.000USD/ngày của Flappy Bird; đồn đại về mức định giá 600 triệu USD cho Cty của Nguyễn Hà Đông là .GEARS; Nguyễn Hà Đông sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú đôla?; Flappy Bird thành công nhờ đâu, có phải nhờ may mắn?; từ Flappy Bird có mở ra cơ hội cho game di động Việt Nam lấy được tiền từ thế giới?...
Và đặc biệt có một nghi vấn đáng chú ý, đó là ý kiến của Carter Thomas - một chuyên gia viết ứng dụng đã chia sẻ trên tờ Telegraph và được Vnexpress dẫn lại, rằng ông này nghi ngờ có sự can thiệp của các tài khoản ảo hoặc chương trình tự động chạy trên máy tính nhằm tăng xếp hạng cho game Flappy Bird. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một ứng dụng tăng trưởng đột biến như vậy”, lời của Carter. Cũng theo ông này, các game khác của Nguyễn Hà Đông như Super Ball Juggling, Shuriken Block cũng có sự thăng hạng về lượt tải một cách bất thường. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nếu Flappy Bird được tâng lên bằng các thủ thuật như thế thì các hãng Apple, Google không dễ gì để yên vì họ thừa trình độ và sự cảnh giác để phát hiện.
Một cách ứng xử chừng mực hay chiêu thức PR “im lặng là vàng”?
Cho đến thời điểm này, đến những tờ báo, những hãng truyền thông hàng đầu thế giới và các tờ báo hàng đầu Việt Nam hầu hết đều đã thông tin liên tục về game Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông, tuy nhiên điều chúng ta thấy được là Nguyễn Hà Đông rất kiệm lời hoặc im lặng trước bao lời đồn đại và dư luận.
Thông tin Flappy Bird mang về doanh thu 50.000USD/ngày cho Nguyễn Hà Đông được báo chí Việt Nam…biên dịch lại thông tin từ truyền thông nước ngoài, còn truyền thông nước ngoài thì lấy thông tin từ video clip trên YouTube. Mới nhất, thông tin Nguyễn Hà Đông sẽ tháo gỡ game Flappy Bird khỏi App Store và Google Play cũng được báo chí Việt Nam dẫn lại từ báo nước ngoài, là trang PCmag, phát đi thông tin này lúc 2 giờ sáng ngày 9/2/2014. Nhưng trang PCmag cũng lại dẫn lại thông tin từ trang Twitter của Nguyễn Hà Đông, với nội dung là: “Xin lỗi người chơi Flappy Bird, game sẽ được xóa sau 22 giờ nữa”.
Điều công chúng sáng tỏ hơn từ thông tin của PCmag là Nguyễn Hà Đông phủ nhận lời đồn đại rằng anh bán lại game Flappy Bird cho một nhà đầu tư. Tuy nhiên dư luận này đã nhiều ngày rồi, đã có độ nguội nhất định. Còn thông tin nóng nhất, khó hiểu nhất do chính Nguyễn Hà Đông đưa ra, là xóa game khỏi hai chợ ứng dụng App Store và Google Play, thì lại không được hé lộ lí do vì sao.
|
Flappy Bird sẽ được tháo gỡ khỏi App Store và Google Play, đồng nghĩa với việc Nguyễn Hà Đông chấp nhận mất khoản thu trung bình 50.000USD/ngày từ game này? |
Có hai hướng nhìn nhận về thái độ của Nguyễn Hà Đông trước các thông tin truyền thông và dư luận hiện nay. Hướng thứ nhất, có thể cho rằng Đông ứng xử kiệm lời hay im lặng là khôn ngoan, là chừng mực, như vậy sẽ tránh sa vào bẫy khai thác thậm chí rẻ tiền của một số phương tiện truyền thông tận dụng hiện tượng Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông để câu view. Hoặc nếu có trả lời hay muốn “cải chính” các thông tin, dư luận, thì Nguyễn Hà Đông có thể bị xoay vần và mệt mỏi với các phương tiện truyền thông.
Hướng nhìn nhận thứ hai, có thể Nguyễn Hà Đông đang “làm chiêu”. Bởi quan sát từ đầu tới cuối, sự kiệm lời và im lặng của Nguyễn Hà Đông là có hệ thống và tính toán. Mỗi khi phát ngôn hay truyền tải thông tin Nguyễn Hà Đông đều thực hiện qua các kênh có kiểm soát như YouTube hay trang Twitter, tránh được tình trạng “lời nói gió bay” hay “tam sao thất bản” như trao đổi qua điện thoại. Sự kiểm soát thông tin từ tác giả của Flappy Bird cho thấy có một sự định hướng: Càng kiểm soát (kiệm lời/im lặng) thì càng gây tò mò trong dư luận. Điển hình là thông tin xóa game Flappy Bird khỏi App Store và Google Play mà không có giải thích lí do vì sao. Có thể đây cũng chỉ là một chiêu PR gây sốc mà thôi!
Một dữ kiện nữa để chúng ta làm cơ sở đánh giá, đó là game Flappy Bird được đưa lên chợ ứng dụng từ tháng 5/2013 nhưng mãi đến trên dưới một tháng qua mới được tải dùng nhiều nhất. Chắc chắn ngoài yếu tố chủ đạo là nội dung game có tính kích thích hay thách thức người chơi nên họ mới đổ dồn vào, thì yếu tố viral marketing-theo đánh giá của giới làm game-đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của Flappy Bird đến thời điểm này. Như vậy, Flappy Bird đã có nhiều tháng để thực hiện chiến dịch truyền thông lan truyền ngấm vào công chúng, và đi kèm theo có thể là những kịch bản, chiêu thức PR đầy toan tính để làm sao gây tò mò đến mức cao nhất, tạo hiệu ứng tột đỉnh nhằm thu hút người chơi và sự quan tâm.
Tất cả đang chờ đợi xem bước sang ngày 10.2, liệu Nguyễn Hà Đông có tháo gỡ game Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng hay không, khi đó sẽ có thêm dữ kiện để nhận định rõ hơn.