Sông Tranh 2: Phải mượn Đài Loan máy quan trắc 7.000 USD

Google News

Dự kiến, bắt đầu từ 1/10 sẽ tiến hành lắp các trạm quan trắc tại Sông Tranh 2.

- Từ tối 22 đến trưa 23/9, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) liên tiếp xảy ra 6 trận động đất. Trạm địa chấn ở Huế đo trận động đất mạnh nhất lên đến 4,8 độ richter. Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 đang thể hiện những điều đặc biệt trong hoạt động địa chất của vùng này.
 
Nhiều điểm giống thảm họa Koyna - Ấn độ

[links(left)]GS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, thông thường thì bất kỳ một thủy điện nào cũng phải nằm trên địa hình phức tạp. Nếu không có biến động địa hình thì cũng không có điều kiện để phát triển thủy điện. Vì vậy, nói địa hình của Sông Tranh 2 phức tạp cũng không có gì đáng bàn.
 
Nhưng phải xem xét ở khu vực đó, hoạt động kiến tạo trước đó như thế nào, tương lai sẽ hoạt động thế nào. Từng thời kỳ, hoạt động kiến tạo ra làm sao. Hoạt động kiến tạo hiện tại là hậu quả của quá trình hoạt động trước đó, hay là báo trước chu trình hoạt động sắp tới. Cái này phải xác định được. Còn xét ở tổng quan, nhà máy thủy điện nào cũng ở trong tình thế đó thôi.

Theo GS Cao Đình Triều, điều không may ở Sông Tranh 2 là tích nước xong mới xảy ra động đất. Trong lịch sử ở khu vực này trước khi thủy điện tích nước thì chưa bao giờ xảy ra động đất. Vậy mà tích nước xong (tháng 11/2010), các trận động đất xảy ra dồn dập. Việc một nhà máy thủy điện xây dựng xong rồi gặp động đất kích thích là chuyện bình thường, nhưng động đất ở Sông Tranh 2 lại có những điều đặc biệt.

Động đất kích thích có 2 dạng là phản ứng nhanh (động đất ngay sau khi tích nước hồ chứa) và phản ứng chậm. Sông Tranh 2 thuộc dạng phản ứng nhanh. Trước khi xây dựng thủy điện thì tại đây không có trận động đất nào.
 
Điều đáng lo là kịch bản này có rất nhiều điểm giống với thảm họa của đập Koyna của Ấn Độ. Trận động đất 6,3 độ richter tại đây đã gây ra hiện tượng sóng cột nước trong lòng hồ gây tràn đập. Thân đập không bị vỡ, nhưng cột nước này làm ngập, phá hủy nhiều nhà cửa và khiến 200 người bị chết. "Hy vọng sẽ không xảy ra một kịch bản tương tự như vậy ở Sông Tranh 2", GS Cao Đình Triều chia sẻ.

Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.
Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

Liên hiệp các Hội KH&KTVN sẽ vào cuộc

Ngày 3/10 tới đây, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo đánh giá thực trạng và tìm các biện pháp giải quyết vấn đề của thủy điện Sông Tranh 2.
“Việc cho rằng Sông Tranh 2 nằm trên đứt gãy đang hoạt động là có cơ sở. Sau quá trình đi thực địa, phân tích địa hình và xem xét các cấu tạo địa chấn địa mạo ở khu vực này, tôi cũng cho rằng Sông Tranh 2 đang nằm trên đứt gãy. Cái hại ở đây là đặt đập thủy điện trên nền đá granit sáng màu. Đá này dễ bị biến tính bởi tác động của nước. Vì thế, tôi cũng cảm thấy rất lo lắng, chứ không thể nói rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn được", GS Cao Đình Triều khẳng định.

GS Cao Đình Triều tiết lộ, ngày 24/9, lãnh đạo Viện Vật lý Địa cầu đã lên đường sang Đài Loan tiến hành thương lượng về việc mượn 5 chiếc máy quan trắc về lắp đặt ở Sông Tranh 2. Đây là hệ thống máy quan trắc được lắp đặt theo công nghệ của Mỹ. Việc làm này nhằm mục đích ứng phó khẩn cấp với những diễn biến xấu của Sông Tranh 2. Ngày 26/9, lãnh đạo Viện sẽ trở về. Dự kiến, bắt đầu từ 1/10 sẽ tiến hành lắp các trạm quan trắc tại Sông Tranh 2.

"Giá mỗi chiếc máy quan trắc chu kỳ ngắn và chu kỳ vừa, dùng cho các địa phương không đắt, chỉ từ 7.000 - 8.000USD/chiếc. Thế nhưng Viện không có tiền để trang bị các thiết bị đó. Cho đến thời điểm này, Viện không có một khoản nào để chi riêng cho việc nghiên cứu động đất tại Sông Tranh 2 cả", GS Cao Đình Triều cho biết.

Ngày 3/10 tới đây, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo đánh giá thực trạng và tìm các biện pháp giải quyết vấn đề của thủy điện Sông Tranh 2. Tại đây, GS Cao Đình Triều cũng sẽ có báo cáo tổng kết đề tài tư vấn phản biện về động đất ở Sông Tranh 2.

"Theo Nghị quyết của Chính phủ thì EVN có nhiệm vụ phải mua các máy quan trắc về phục vụ các nhà khoa học nghiên cứu một cách độc lập về động đất tại đây. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đã rất nhiều thời gian trôi qua nhưng EVN không lắp. Và thế là thay vì chỉ phải chuyên tâm lo nghiên cứu, các nhà khoa học lại phải long đong đi tìm tòi, liên hệ để mượn máy".
GS Cao Đình Triều
Hà Bình

Bình luận(0)