Google là công cụ tìm kiếm số 1 thế giới. Ở Việt Nam, gã khổng lồ tới từ Mỹ chiếm thị phần gần như tuyệt đối. Cũng chính vì vị thế lớn đó của Google, đã có rất nhiều trang tìm kiếm nước ta ra đời với tham vọng “đánh bại” Google. Gần đây nhất là lời tuyên chiến của CocCoc.com với Google.
Nhưng số phận chúng ra sao, hãy cùng chúng tôi điểm lại những tên tuổi từng gây sốc làng truyền thông một thời này.
Socbay
|
Giao diện Socbay vào thời điểm đó. |
Được chính thức ra mắt vào tháng 3/2009, nhưng theo nhóm phát triển Socbay đã được nghiên cứu từ năm 2002, khi các thành viên sáng lập còn ngồi trên ghế nhà trường.
Socbay cho rằng họ vượt trội hơn Google và Yahoo về khả năng xử lý dữ liệu tiếng Việt cũng như những nghiên cứu sâu về thói quen, văn hóa để mang lại kết quả nhanh và chính xác.
Socbay cung cấp dịch vụ tìm kiếm từ nhạc, phim, ảnh, rao vặt, tin tức, từ điển và tìm web nói chung bên cạnh đó là dịch vụ tìm kiếm trên di động cung cấp tìm kiếm nhạc chuông, tin tức, hình nền,… trên di động.
Socbay nhận đầu tư từ quỹ IDG Venture Việt Nam năm 2006 và tiếp tục nhận đầu tư từ quỹ này và quỹ Softbank của Nhật Bản năm 2009, giá trị các khoản đầu tư không được công bố.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Socbay phần nhiều không nằm ở câu chuyện công nghệ tìm kiếm mà nằm ở những “lùm xùm” quanh vụ Socbay cho biết Google từng muốn mua lại tập đoàn này.
Câu chuyện này diễn ra trong hai khoảng thời gian, vào năm 2006 khi Socbay mới thành lập Google đã cử đại diện tới thương thảo về hợp tác. Theo tiết lộ từ Hồ Minh Đức, một trong 4 đồng sáng lập của Socbay, Google từng đòi mua Socbay với giá 5 triệu USD vào thời điểm đó cùng quyền chọn mua cổ phiếu và mức lương 8.000 USD/tháng cho các thành viên, theo tiết lộ với tờ Finacial Time.
Sau đó, vào khoảng giữa năm 2010, giới công nghệ trong nước lại nóng sốt với chuyện Google đề nghị mua lại Socbay. Cũng như lần trước, tất cả tin tức được đưa ra là từ phía Socbay. Socbay cho rằng họ không muốn bán lại cho Google bởi hãng bị định giá quá thấp và “chúng tôi muốn tự phát triển công nghệ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu người Việt”.
Tuy nhiên, đánh giá những lời đề nghị này, nhiều ý kiến trong giới công nghệ cho rằng Google không thể tìm thấy những thứ có giá trị cho họ ở Socbay. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng đây có thể là câu chuyện Socbay “nhờ Google” để nổi tiếng.
Hiện tại, Socbay vẫn còn duy trì hoạt động với các mục tìm kiếm Tin tức, Mp3 và Từ điển. Còn Nairscorp, đơn vị chủ quản Socbay thì chuyển hướng qua làm sản phẩm trên di động với các phần mềm đọc tin NewsGrid, hay ứng dụng tổng hợp nhiều dịch vụ cho di động Socbay iMedia.
Xa lộ
Công ty chủ quản Xa Lộ, Tinh Vân, đã từng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm khi cho ra mắt công cụ tìm kiếm Vinaseek vào những năm đầu thế kỷ 21.
Vào cuối tháng 9 năm 2008, Tinh Vân ra mắt Xa Lộ và công bố đầu tư khoảng 2 triệu USD để “đua marathon” với Google. Mục tiêu của Xa Lộ là chiếm 35 – 40% thị phần tìm kiếm ở Việt Nam vào năm 2010.
Xa Lộ cho biết họ sẽ có 2 hướng tìm kiếm, bao gồm tìm kiếm chung và công ty cho rằng sẽ cố gắng giúp người dùng tìm thấy kết quả cần có trong 2 trang đầu tiên; bên cạnh đó là các khả năng tìm kiếm chuyên biệt như tin tức, diễn đàn, blog,…
Tuy nhiên, hiện tại Xa Lộ đã chuyển biến hoàn toàn thành một trang tổng hợp thông tin. Giải thích cho điều này, lãnh đạo công ty cho biết chức năng tìm kiếm web “không được đưa ra” chứ không phải là biến mất, theo Ictnews.
Công ty chủ quản Tinh Vân cũng đã chuyển sang đầu tư vào các mảng như game online trên di động (MC Corp) hay dịch vụ giáo dục trực tuyến (Violet).
Tìm Nhanh
|
Giao diện TimNhanh năm 2007. |
Ra đời năm 2007, Tìm Nhanh cho biết lợi thế của trang này là việc có nhiều mảng tin tức và muốn trở thành Yahoo của Việt Nam, tức hoạt động theo mô hình cổng thông tin mà Yahoo đang rất mạnh lúc bấy giờ. Hơn nữa, trang này cho rằng mình có khả năng vượt qua Google và Yahoo về khả năng xử lý tiếng Việt.
Timnhanh từng được quỹ DFJ Vinacapital đầu tư 2 triệu USD. Tới năm 2008, Timnhanh công bố có số lượng truy cập lên tới 3 triệu lượt/ngày và lượng thành viên lên tới 2 triệu người.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động và quyết định bán mình cho Yahoo không thành, Tìm Nhanh đã chuyển qua dùng công cụ tìm kiếm của Google làm nhân tìm kiếm của mình.
Hiện nay, Tìm Nhanh vẫn trực thuộc Công ty cổ phần trực tuyến Việt Nam (VON). Tuy nhiên trang web này hoạt động giống như một cổng tổng hợp thông tin từ báo chí và bị chìm ngập trong hàng loạt web dạng này. Sản phẩm tìm kiếm trên trang web được thông báo “đang trong quá trình cập nhật”.
VON chẳng còn nhiều “vốn” trong tay. Hầu hết các dịch vụ của VON đã được bán lại cho các đối tác hoặc ngừng hoạt động. Trang Yume.vn được bán lại cho Công ty cổ phần Địa Điểm, hai trang Kiemviec và HRVietNam thì được sang tay cho CarrerBuilder. Chi tiết các thương vụ này không được tiết lộ.
Monava
|
Giao diện trang Monava. |
“Nổi tai tiếng” nhất trong số các đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm có lẽ là Monava. Sản phẩm được ra mắt tháng 12 năm 2007 với lời tuyên bố “giành lại 2 triệu người dùng Việt từ Google” này đã được Nguyễn Hoàng Group hứa đầu tư lên tới 500.000 USD.
Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố con số truy cập hàng triệu lượt mỗi ngày từ lãnh đạo Monava, thì thứ hạng website này luôn ở mức cực thấp. Bên cạnh đó là những cáo buộc Monava chỉ là trang tìm kiếm sử dụng lại kết quả từ Google dù trang này luôn tuyên bố mình là “cỗ máy tìm kiếm của người Việt và dành cho người Việt”.
Sau đó, vào tháng 3/2008 Nguyễn Hoàng Group tuyên bố ngừng đầu tư vào Monava. Tên miền Monava.vn được chuyển hướng về Isi.com. Hiện tại, tên miền này đã hết hạn sử dụng và không được đăng ký lại.
Tìm kiếm vẫn luôn là một cuộc đấu dài hơi và khó khăn. Vì thế, những sự xuất hiện của CocCoc mới đây hay Wada tuy khá rầm rộ nhưng công luận vẫn rất hoài nghi về sự thành công của các dự án này.
Đi kèm những lời thách thức trên là việc Coccoc đã nhận đầu tư hơn 15 triệu USD trong 2 năm qua, cùng lời hứa tăng vốn lên 100 triệu USD để tập trung vào tìm kiếm địa điểm. Kẻ đã đánh bại Google ở Nga, Yandex, đỡ đầu cho Wada thì cho biết đã đầu tư vào công ty này 200 tỷ đồng và hứa sẽ tăng vốn đầu tư lên gấp 2 – 3 lần để mở rộng thị phần.
Thị trường tìm kiếm ở Việt Nam lại một lần nữa nóng lên. Và với những đầu tư “khủng” cho lĩnh vực này của các doanh nghiệp mới, hy vọng họ sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn cho người Việt, trước khi bắt đầu cái họ gọi là “đánh bại Google”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: