Lo lắng từ tivi nhà hàng xóm
Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng (khu tập thể Mai Động, Hà Nội) chia sẻ, vì ở tập thể nên giường ngủ nhà anh được bố trí phía sau hai tivi của hai nhà hàng xóm, chỉ cách bức tường. Mỗi lần nhà bên cạnh mở tivi thì bên này anh cảm thấy bất an vì sợ ảnh hưởng bức xạ tác động xuyên tường, và nhiều lần anh phải ra phòng khác nằm.
Tương tự, không chỉ có khu tập thể mà ngay trong một căn nhà, căn phòng cũng có thể gặp tình huống này. Vị trí đặt tivi của phòng này có thể là sát đầu giường ngủ của phòng bên kia, hay phần sau máy tính của người này lại chĩa thẳng vào người khác...
Phân tích về vấn đề này, KS điện Nguyễn Văn Ngô, Công ty Cổ phần đầu tư Phú Lộc, cho biết, tivi sử dụng màn hình CRT với công nghệ chùm ống phóng tia điện tử tác động vào màn hình huỳnh quang để thể hiện các điểm ảnh. Ống phóng tia điện tử này nằm phía sau tivi và phóng về phía trước.
Vì thế, vô hình trung toàn bộ tia điện tử, bức xạ được đẩy lên phía trước màn hình, còn phía sau không bị tác động nhiều. Có thể làm một bước thử bằng cách đặt hai chiếc khăn phía trước màn hình, sau đó bật tắt tivi. Lúc này màn hình sẽ hút và đẩy chiếc khăn bay.
Đối với màn hình LCD, hệ thống phóng điện để tạo nên các điểm sáng có nhiều phương pháp nhưng hầu hết được tác động từ phía dưới lên. Nếu dựa vào cấu trúc này thì phần bức xạ do tivi phát ra không ảnh hưởng đến người nằm phía sau, đặc biệt là khi xuyên qua tường.
|
Màn hình tivi khi hoạt động sẽ phát ra bức xạ nhiệt, bức xạ từ trường nhỏ và điện cao áp nhưng không đáng kể. |
Tác động ít khi có tường chắn
ThS Nguyễn Tấn Nhân, Trưởng bộ môn Vô tuyến, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (TPHCM) cho rằng, trước đây, màn hình CRT có mức độ ảnh hưởng sóng điện tới mắt, nên đối với máy tính phải dùng thêm màn lọc để hấp thụ bức xạ. Còn hiện nay đa số là màn hình led kể cả tivi và máy tính thì hiện tượng này thì chưa có một kiểm chứng nào về độ ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ người sử dụng, tuy nó có bức xạ nhưng không đáng kể.
PGS.TS Hoàng Đình Chiến, khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa TPHCM cho hay, bất cứ nơi nào có nguồn điện, điện tích là nơi đó có mặt của điện trường như ổ cắm điện, màn hình máy tính, tivi... Về nguyên tắc, màn hình tivi khi hoạt động sẽ phát ra bức xạ nhiệt, bức xạ từ trường nhỏ và điện cao áp nhưng không đáng kể.
Do đó, ở gần tivi hoặc ngồi trước màn hình có ảnh hưởng nhưng không nhiều, trừ những người làm việc thường xuyên trước màn hình, với thời gian lâu, liên tục thì nguy hiểm, đặc biệt là đối với người có bệnh về huyết áp thì rất nhạy cảm với tác động của bức xạ.
Nếu tivi đã được chắn bởi vách ngăn là bờ tường hay tủ gỗ... là những vật cản làm giảm bức xạ thì không sợ ảnh hưởng tới người ở sau tivi. Tuy nhiên, tivi đời cũ có công suất lớn sinh ra bức xạ, trường điện từ lớn hơn nên ảnh hưởng sức khoẻ người gần tivi nhiều hơn.
Theo ông Dương Minh Trí, Viện Điện tử ứng dụng, Viện Vật lý TPHCM, có thể không bị tác động bởi bức xạ nhưng không loại trừ ảnh hưởng của điện từ trường. Điện từ trường có thể xuyên tường, gỗ... Các triệu chứng của ảnh hưởng như nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi mạn tính hay trầm cảm, huyết áp thay đổi thất thường hoặc huyết áp cao, sự mẫn cảm ngoài da. Vì thế, nếu tránh được nằm gần tivi thì vẫn nên tránh.