Phong thủy: Mượn tuổi làm nhà thế nào cho đúng?

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao tuổi đàn bà không được chú trọng trong làm nhà, có cần làm giấy bán nhà khi mượn tuổi... Các chuyên gia sẽ lý giải rõ hơn về vấn đề này. 

Làm nhà xem tuổi đàn ông

KTS Phạm Cương, Công ty Cổ phần Nhà Xuân chỉ rõ, trong việc "khai môn lập hướng" tính phong thủy cho một ngôi nhà người ta ít khi lấy tuổi đàn bà mà coi tuổi người đàn ông như một tiền đề để định cát hung. Thực tế, xét cho cùng cũng bởi thuyết Âm dương Ngũ hành với nguyên lí Âm thuận tòng dương. Đối với một gia đình hai vợ chồng thì lý thuyết này coi người chồng là dương, vợ tính là âm. Bởi vậy người xưa mới có câu "lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông".  

Trong một đại gia đình, các thành viên có quan hệ huyết thống, vai trò người cha, người ông được xem như gốc rễ của cái cây phả hệ. Thuyết Âm dương Ngũ hành coi người đứng đầu như ông, cha trong gia đình như một chủ thể đại diện. Còn các vai vế khác trong gia đình như vợ, con, cháu... nằm trong mối quan hệ phụ thuộc. Có thể hiểu rằng người đứng đầu trong gia đình (ông, cha) thuộc tính dương được ví như chiếc đầu tàu kéo theo những toa thành viên còn lại trong gia đình đi theo. Lý thuyết này không thay đổi cho dù ở bất cứ thời đại nào, dù là chế độ chính trị khác nhau.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho rằng, dân gian còn quan niệm, đối với nhà nhiều thế hệ, dù lấy tuổi đàn ông làm nhà nhưng vẫn chú trọng lấy tuổi cao nhất. Điều này thể hiện sự sống lâu nên nhà sẽ bền vững. 

Ảnh minh họa. 

Mượn tuổi lớn hơn gia chủ thì càng tốt

TS Vũ Thế Khanh cho biết thêm, hiện nay còn duy trì quan niệm nếu không được tuổi làm nhà thì mượn tuổi tốt theo cửu trạch. Người này sẽ khấn hộ trước bàn thờ thần linh khi động thổ. Theo TS Vũ Thế Khanh, cách làm này chưa chính xác. Bởi nếu đã quan niệm thần linh thiêng liêng, nhìn được trăm sự thì việc mượn tuổi lại biến thành hành động lừa dối. Vì thế, về nguyên lý là chưa phù hợp. Còn để đúng tuổi người mượn thì cần có sự mua bán theo khế ước thực sự. Khi làm nhà xong bán lại theo khế ước cho chủ cũ. Tuy nhiên, người tốt, hay làm phúc đức thì năm tháng nào cũng tốt nên có thể làm nhà bất cứ thời điểm nào. Còn người xấu thì ngày tốt cũng là vận hạn. 

Ở quan điểm khác, KTS Phạm Cương cho rằng, tồn tại quan điểm nếu mảnh đất không hợp với tuổi gia chủ thì có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đứng tên sổ đỏ để làm nhà. Tuy nhiên, đây là cách làm chưa đúng. Bởi học thuyết Phong thủy ra đời cách đây đã mấy nghìn năm và có nhiều ứng dụng trong thực tiễn. Các giấy tờ quyền sở hữu đất đai, sổ đỏ sổ hồng như ngày nay là hoàn toàn xa lạ với đời sống con người ở thời kỳ đó. Vì thế, khi nghiên cứu phong thủy nên loại bỏ các vấn đề liên quan tới hành chính. Không có các yếu tố về hồ sơ hành chính hay sự sở hữu, phong thủy vẫn tồn tại độc lập và ảnh hưởng khách quan tới các cá nhân trong ngôi nhà mà ta sinh sống.

"Xét cho cùng, môn phong thủy là nghiên cứu sự tương tác của môi trường tới đời sống và sinh hoạt của con người. Sự tương tác này là tương tác thực sự và trực tiếp tới những cá nhân trong địa bàn cư trú. Thực chất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể giải quyết được những vấn đề Phong thủy. Các yếu tố phong thủy chỉ tác động đến người trực tiếp ở trong căn nhà. Quan niệm "thay tên, đổi chủ" trên giấy tờ để mong hóa giải được những bất lợi về mặt Phong thủy là sai lầm", KTS Phạm Cương cho hay. 

Trong thực tế nếu trong năm nào đó gia chủ chưa được tuổi làm nhà thì có thể mượn tuổi người thân hoặc bạn bè hợp tuổi đứng ra động thổ giúp. Người mượn tuổi nên là nam giới, nếu tuổi tác lớn hơn gia chủ thì càng tốt. Một điều cần chú ý là gia đình không có tang chế và điều quan trọng nữa đó là tuổi không phạm vào các hạn Tam Tai, Hoang Ốc, Kim Lâu.

Mỗi người sống trong căn nhà đó đều có những không gian riêng biệt. Những không gian đó sẽ được bố trí theo tuổi của từng người cụ thể trong gia đình.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Hiền Dung

Bình luận(0)