Chỉ với bể lọc, bèo và sậy
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Loan, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nước sông Tô Lịch được nhiều người biết đến không chỉ là một trong bốn con sông thoát nước thải của thành phố mà còn là con sông giúp cho những người nông dân trồng trọt có đủ nước để sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, nước sông Tô Lịch đang ô nhiễm nặng với hàm lượng kim loại nặng, chất rắn lơ lửng, vi sinh vật...
Mức ô nhiễm này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng nó như là nước tưới trong các vùng trồng rau. Bởi rau có thể hấp thu kim loại nặng vào mô, nếu người ăn rau đó sẽ bị nhiễm kim loại nặng thông qua quá trình tích lũy sinh học.
Trước thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Thị Loan đã nghiên cứu xử lý nước sông ô nhiễm này bằng hệ thống đất ngập nước nhân tạo với thời gian lưu trữ từ 3 - 6 ngày. Mô hình xử lý nước bằng phương pháp này được thiết kế gồm một hệ thống với 3 thành phần chính là bể lắng, bể ngập nước với thực vật nổi là bèo tây và bể đất ngập nước chảy phía dưới trồng sậy và cỏ lồng vực.
Các bể này có kích thước không quá lớn, chỉ khoảng 1 - 3m chiều dài, rộng 1m, sâu 0,8m. Lớp lọc của bể đất ngập nước chảy gồm một lớp cát với độ dày khoảng 0,2m, một lớp sỏi dày 0,2m, kích thước sỏi khoảng 8mm, nước đổ ngang mặt lọc và trồng cây lên trên đó.
|
Hệ thống ống dẫn nước từ bể điều hòa sang bể bèo. |
"Nước được đưa vào bể lắng để một ngày, sau đó mở van cho chảy sang bể có bèo tây và từ từ chảy tràn bể sậy. Tùy vào mức độ, nước được lưu trong các bể này từ 4 - 6 ngày. Khi lưu đến 6 ngày, các chất kim loại nặng, vi sinh vật và cặn lơ lửng giảm mạnh, đảm bảo chất lượng nước cho việc tưới tiêu", PGS.TS Nguyễn Thị Loan cho hay.
Dễ ứng dụng, không tốn công sức
Kết quả ứng dụng thực tế tại khu vực trồng rau cho thấy, thời gian lưu tối ưu trong hệ thống là 5 ngày với hiệu suất xử lý là cặn lơ lửng giảm 71,2%, COD giảm 80,32%; PO43- giảm 70,29%; NO3- giảm 54,72%, NO2- giảm 69,7%, NH4+ giảm 69,56%. Phân tích hàm lượng kim loại nặng trong nước thải sông Tô Lịch vào mùa khô cho thấy, hàm lượng các kim loại nặng không nhiều trong nước tưới, các chỉ số đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
Duy chỉ có chì và asen cao hơn không đáng kể so với tiêu chuẩn (QCVN 08:2008; B1). Tuy nhiên, khi đi qua hệ thống xử lý nước thải với thời gian lưu 5 ngày, hàm lượng các kim loại nặng đã giảm đáng kể, chì và asen đã đạt tiêu chuẩn cho phép, cụ thể: đồng giảm 85,71%; thủy ngân giảm 100%; asen giảm 78,57% và chì giảm 61,54%.
|
Bể bèo đang hoạt động. |
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Loan, nghiên cứu đã được các nhà khoa học tham gia phản biện, cho ý kiến rằng, khả năng ứng dụng cao cho người trồng trọt. Bởi chi phí xây dựng thấp, vận hành đơn giản, không yêu cầu điện hoặc hóa chất. Người dân có thể xây bể nổi hoặc chìm so với mặt đất. Các bể có thể xây tùy vào các kích cỡ khác nhau. Thậm chí nhiều hộ dân cùng chung xây một bể để dùng chung, tiện lợi và giảm chi phí.
Ngoài ra, nước sau khi xử lý sẽ mang lại lợi ích cho người dân như không phải tiếp xúc với nước ô nhiễm khi sử dụng nước tưới, tránh được các bệnh ngoài da, hô hấp. Rau trồng sử dụng nước tưới đã qua xử lý không nhiễm vi khuẩn gây bệnh, trứng giun, kim loại nặng...
Phương pháp xử lý nước sông ô nhiễm này bằng hệ thống đất ngập nước nhân tạo không chỉ áp dụng cho nước tại sông Tô Lịch mà còn có thể sử dụng cho các khu vực sông khác hay nước ao, hồ, nước thải công nghiệp hay nước thải sinh hoạt có hàm lượng hữu cơ cao.
|
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: