Những tính năng “đáng tiền” trên AV Receiver

Google News

(Kiến Thức) - Nắm rõ được tính năng nào thực sự cần thiết, và tính năng nào là thừa thãi trên AV Receiver giúp bạn tiết kiệm được chi phí mua sắm.

Xem phim HD là một nhu cầu thiết thực của rất nhiều gia đình hiện nay. Cũng chính vì lẽ đó mà thị trường nghe nhìn trong một vài năm trở lại đây vô cùng phát triển, đặc biệt là các loại amply chuyên dụng dùng để xem phim (thường được giới HD gọi là AV Receiver). 
 AV Receiver đang trở thành trung tâm giải trí của nhiều gia đình.
So với trước đây, các loại 
AV Receiver hiện được tích hợp nhiều công nghệ mới, trong khi mức giá lại phải chăng hơn. Các dòng sơ cấp thường được bán với giá từ 7 đến 20 triệu đồng, trong khi các dòng cao cấp có mức giá lên tới trên 60 triệu đồng. 
Điểm khác nhau chủ yếu của AV Receiver dòng thấp và dòng cao chủ yếu là chất lượng âm thanh, công suất và các tính năng cao cấp. Trong khi đó, những tính năng thông dụng như giải mã âm thanh, passthrough 3D hay 4K, kết nối với thiết bị di động... thì tương tự nhau. 
 AV Receiver ngày cảng rẻ và nhiều tính năng hơn.
Về cơ bản thì khi muốn mua một AV Receiver bạn cần nắm rõ được tính năng nào thực sự cần thiết, và tính năng nào là thừa thãi. Qua đó chi phí mua sắm được tiết kiệm, và bạn có thể dùng số tiền dư dả đó để đầu tư vào những thiết bị khác. 
5.1 kênh và 7.1 kênh 
Để xem phim HD, bạn phải thiết lập một hệ thống âm thanh vòm tối thiểu là 5.1 kênh (2 kênh trước, 1 kênh trung tâm, 2 kênh sau và 1 kênh siêu trầm).  Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ cần đến một bộ AV Receiver có đầu ra cho 5 kênh loa vệ tinh và một đầu ra preout cho loa siêu trầm.  
Hiện tại hầu hết các nguồn phim đều chỉ có âm thanh 5.1, và rất ít phim có sẵn âm thanh 7.1 kênh. Do đó, để tiết kiệm chi phí thì bạn chỉ cần sắm một AV Receiver 5.1 là có thể đáp ứng được nhu cầu. 
 Hệ thống âm thanh 5.1 là phù hợp cho thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn chạy loa cho 2 phòng khác nhau, thì AV Receiver 7.1 kênh (hoặc hơn càng tốt) sẽ phát huy tác dụng. Hầu hết các AV Receiver 7.1 kênh hiện đều hỗ trợ tính năng "Zone 2", cho phép bạn mở phim trong phòng khách và bật nhạc trong phòng ngủ cùng lúc mà không ảnh hưởng lẫn nhau. 
Đầu vào HDMI 
Bao nhiêu cổng HDMI sẽ đủ dùng? Đó là một câu hỏi không khó để trả lời, bạn chỉ cần đếm các thiết bị phát mà mình đang sử dụng và dự kiến thêm cho tương lai. Nhìn chung, rất ít người có thể cắm hết một chiếc AV Receiver với 5 đầu vào HDMI, và lưu ý là các thiết bị di động hiện nay đều có thể kết nối với cổng HDMI có hỗ trợ MHL. 
Đầu ra HDMI 
Thông thường, mọi người đều chỉ sử dụng 1 đầu ra HDMI trên AV Receiver. Tuy nhiên, một số người lại sở hữu tới 2 thiết bị hiển thị - ví dụ 1 TV + 1 máy chiếu, hay 2 chiếc TV. Trường hợp này bạn sẽ cần tới 2 đầu ra HDMI, và nhớ là một số AV Receiver trên thị trường chỉ cho tín hiệu video đi qua cổng HDMI số 2. 
 Nhiều cống HDMI cho phép bạn linh hoạt hơn trong kết nối.
Audio Return Channel (ARC) 
Đây là tiêu chuẩn tiện lợi có mặt trên HDMI 1.4 và cho phép tín hiệu audio có thể truyền từ TV xuống ampli thông qua cáp HDMI. Điều này có nghĩa là bạn có thể phát âm thanh của các chương trình trên TV ra loa rời thay vì loa tích hợp. Ví dụ bạn coi Youtube bằng Smart TV, âm thanh không phát ra loa của TV nữa mà chạy thẳng xuống ampli. 
ARC không chỉ mang đến sự tiện lợi mà còn giúp người dùng tiết kiệm dây rợ hơn so với cách truyền thống. 
Tự động thiết lập phòng nghe 
Nếu như các công nghệ hiệu chuẩn phòng nghe trước đây hoạt động không mấy hiệu quả thì hiện nay, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết các công nghệ hiệu chuẩn đều sử dụng một microphone với các vị trí khác nhau trong phòng, sau đó hệ thống sẽ điểu chỉnh tần số đáp ứng để có sự cân bằng cao nhất giữa các loa. 
Tính năng này giúp bạn đơn giản hóa quá trình thiết lập, và có thể cài đặt hệ thống vào trạng thái tốt nhất mà không cần tới sự trợ giúp của nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp. 
 Tự động thiết lập âm thanh trên AV Receiver giúp đơn giản hóa mọi việc.

Cổng Pre-out 
Nếu muốn chạy thêm một hệ thống nghe nhạc riêng hoặc kết nối với một bộ power ampli thì bạn sẽ cần ít nhất một đầu ra Pre-out cho cả kênh trái lẫn kênh phải. Tất cả các AV Receiver hiện nay đều được trang bị Pre-out cho loa siêu trầm. Do đó, khi quan sát mặt sau của một AV Receiver, bạn thử tìm xem ngoài Pre-out cho loa siêu trầm thì còn có Pre-out cho hệ thống rời khác hay không. 
Những model AV Receiver cao cấp nhất hiện nay đã được trang bị Pre-out 7.1 kênh. Tuy nhiên, một số model lại chỉ hỗ trợ cho kênh front trái và phải .Ngoài ra, cũng không nên nhầm lẫn giữa Pre-out Front với Zone 2. 
Standby pass-through 
Nếu bạn muốn xem TV với âm thanh đến từ hệ thống loa rời nhưng không muốn bật AV Receiver lên, tính năng "standby pass-through" là thứ cần tìm. Về cơ bản, tính năng này cho phép tín hiệu âm thanh có thể truyền qua ngay cả khi AV Receiver đang ở chế độ nghỉ (standby), tuy nhiên, cần lưu ý là tính năng "standby pass-through" thường chỉ được trang bị cho một đầu vào HDMI duy nhất trên AV Receiver mà thôi. 
 Nhiều AV Receiver đã cho phép điều khiển qua thiết bị di động.
Ứng dụng điều khiển cho smartphone 
Một số người không thích xài smartphone sẽ không quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên không ít người lại cảm thấy thoải mái hơn khi tương tác với màn hình cảm ứng và một giao diện trực quan. 
Quốc Thiện

Bình luận(0)