Cách đây gần 2 tháng, hàng loạt quan chức đã tẩy chay đại hội đảng Cộng hòa do họ đề cử Donald Trump làm ứng viên cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Donald Trump gọi người Mexico là tội phạm, những kẻ cưỡng hiếp…, đồng thời cũng không buông tha cộng đồng hồi giáo với những lời lẽ xúc phạm. Donald Trump còn gây chia rẽ trong chính người dân nước Mỹ.
Bị giới công nghệ lên án
|
Donald Trump kêu gọi tẩy chay sản phẩm Apple trong khi bản thân vẫn sử dụng iPhone. |
Với giới công nghệ, Donald Trump cũng bị nhìn nhận là người "không ra gì". Sau vụ lùm xùm giữa Apple và FBI liên quan tới việc tạo cổng hậu để mở khóa iPhone, ông này đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Apple.
Không những thế, Donald Trump còn muốn Apple chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ, không đặt tại Trung Quốc. Quan điểm này được nhìn nhận là sẽ "bóp chết" các công ty công nghệ cao của Mỹ.
Cùng với những phát ngôn của Donald Trump theo khuynh hướng bị cho là "cực đoan", giới công nghệ nước Mỹ, Thung lũng Silicon xem Donald Trump là mối đe dọa tiềm ẩn, và đặc biệt nguy hại nếu ông này đắc cử Tổng thống Mỹ.
|
Dân Mỹ biểu tình chống Donald Trump. |
"Thảm họa cho sáng tạo công nghệ" – đang là cụm từ mà giới công nghệ nói về Donald Trump. Rõ ràng ứng viên tổng thống này đang gây ra sự bất an to lớn trong cộng đồng làm công nghệ nước Mỹ.
Sự việc được đẩy đi xa hơn khi 145 CEO công nghệ, các nhà đầu tư triệu phú và các doanh nhân thuộc nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất của Silicon Valley ký vào thư ngỏ lên án Donald Trump cách đây vài ngày.
Trong số 145 nhà lãnh đạo công nghệ trên, có khá nhiều người nổi tiếng như đồng sáng lập Irwin Jacobs của Qualcomm, Dustin Moskovitz từ Facebook, Steve Wozniak của Apple và nhà sáng lập Stewart Butterfield của Flickr…
Tuy nhiên, nếu để ý có thể thấy không có người của Microsoft, Amazon, Apple, hoặc Google ký vào thư ngỏ này. Mark Zuckerberg cũng không ký, tuy rằng chị của ông là Arielle Zuckerberg cũng nằm trong danh sách những người ký thư.
Tỷ phú Donald Trump bị giới công nghệ nhìn nhận như một người "bóp chết" sáng tạo. Tư tưởng của ông này bị cho là cố chấp và chống lại các ý tưởng sáng tạo, ngăn chặn tự do và kết nối với thế giới bên ngoài – vốn là động lực phát triển của nền kinh tế Mỹ, đồng thời là nền tảng cho đổi mới và tăng trưởng.
Ứng viên tổng thống xuất thân từ tỉ phú này từng để xuất "đóng cửa" một phần Internet và đây chính là ý tưởng bị giới công nghệ ghét nhất. Những nhà lãnh đạo công nghệ tin rằng tự do trao đổi ý tưởng, bao gồm cả tự do Internet, sẽ gieo mầm cho sáng tạo. Donald Trump bị chê là không hiểu gì về công nghệ, đồng thời cố tình làm ngơ vai trò của công nghệ.
Ông này cũng đồng thời đưa ra ý tưởng ngăn chặn mạng xã hội, nhất là sau khi có những nhận xét ác ý về ông trên mạng xã hội.
Donald Trump bị giới công nghệ "quy tội" làm méo mó thị trường công nghệ, làm giảm xuất khẩu và khiến cho người Mỹ mất việc.
Lầu Năm góc "gặp nguy" vì Donald Trump
|
Donald Trump nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc. |
Nếu Donald Trump thành Tổng thống Mỹ, công sức của Silicon Valley bao lâu nay với Lầu Năm góc có thể đổ sông đổ biển. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter, đã mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc thuyết phục các công ty tại Silicon Valley tiến cử tài năng làm việc cho quân đội Mỹ.
Ash Carter luôn tin rằng việc có được sức mạnh sáng tạo từ Silicon Valley sẽ giúp duy trì sự ưu việt của quân đội Mỹ trên khắp thế giới. Ash Carter là khách thường xuyên của Silicon Valley, đặc biệt hay lui tới Google.
Google và Lầu Năm góc đã ký một thỏa thuận thiết lập "Đơn vị Thử nghiệm Đổi mới Quốc phòng" (DIUx) để có được các tài năng công nghệ làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Chính tư tưởng "không giống ai" của Donald Trump có thể hủy hoại những thỏa thuận hợp tác kiểu này.
Eric Daimler, Chủ tịch Hiệp hội đổi mới Hoa Kỳ, thậm chí còn gọi Donald Trump là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Xem ra "cuộc chiến" giữa Donald Trump và giới công nghệ Mỹ sẽ còn dài và sẽ được đẩy lên đỉnh điểm nếu ứng viên này trở thành Tổng thống Mỹ.