Những cú lừa chấn động giới khoa học

Google News

Số lượng công trình nghiên cứu bị hủy do lừa bịp hoặc sao chép đã tăng gấp 10 lần trong vòng 35 năm qua trên khắp thế giới

Số lượng công trình nghiên cứu bị hủy do lừa bịp hoặc sao chép đã tăng gấp 10 lần trong vòng 35 năm qua trên khắp thế giới, trong đó Mỹ dẫn đầu về số lượng bài báo khoa học gian lận.

Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk từng được tôn vinh là "anh hùng dân tộc" trước khi bị phát hiện hành vi gian lận trong nghiên cứu về tế bào gốc. Ảnh: Nature.
Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk từng được tôn vinh là "anh hùng dân tộc" trước khi bị phát hiện hành vi gian lận trong nghiên cứu về tế bào gốc. Ảnh: Nature.
Ferric Fang, giáo sư y khoa thực nghiệm và vi trùng học Đại học Washington tại Mỹ, cùng nhiều chuyên gia đã rà soát 25 triệu bài báo nghiên cứu được công bố từ thập niên 40 thế kỷ trước từ 56 quốc gia để tìm hiểu hiện tượng gian lận trong khoa học. Họ nhận thấy, trong số 2.000 bài báo khoa học được xuất bản từ năm 1997 bị hủy bỏ, có đến 866 đề tài bị cáo buộc là lừa đảo và 201 đề tài khác là ăn cắp, số còn lại bị loại do sai sót hay trùng lặp với nghiên cứu khác.

Tần suất các công trình có gian lận tăng theo thời gian, cụ thể là con số những vụ bị hủy bỏ do lừa bịp hay ăn cắp tăng gấp 10 lần trong vòng 35 năm qua. Khoảng 75% đề tài bị coi là lừa bịp có nguồn gốc từ các phòng thí nghiệm ở Mỹ, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc. Mỹ dẫn đầu về số lượng bài báo khoa học lừa bịp.

Trong thập niên 50, Cyril Burt, nhà nghiên cứu tâm lý nổi tiếng của Anh, liên tục công bố những công trình nghiên cứu của ông về trẻ song sinh. Mọi nghiên cứu của ông đều cho thấy trí thông minh của các trẻ sinh đôi như nhau bất chấp môi trường sống và giáo dục. Điều đó có nghĩa là trí thông minh chủ yếu phụ thuộc vào di truyền và từ đó người ta bắt đầu tin vào chỉ số IQ.

Nhưng sau khi Cyril mất vào năm 1971, các nhà khoa học khác bắt đầu phát hiện ra sự gian dối quá hoàn hảo của Cyril. Chỉ 15 trong số các cặp sinh đôi được Cyril nghiên cứu thực sự tồn tại. Số còn lại chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Dĩ nhiên, sau đó mọi công trình nghiên cứu của Cyril bị hủy, song cho đến nay mọi người vẫn còn tin tưởng vào chỉ số IQ!

Ngày 23/3/1989, hai nhà khoa học Stanly Pons ở Đại học Utar (Mỹ) và Martin Fleischamann của Đại học Southampton (Anh) tuyên bố họ đã tìm ra nguồn năng lượng vô tận từ thí nghiệm phản ứng tổng hợp hạt nhân ở nhiệt độ bình thường trong phòng thí nghiệm. Tuyên bố của Pons và Fleischamann thật sự đã gây sốc cho mọi người vào lúc đó do tiếng tăm của hai nhà khoa học. Nhưng về sau, các nhà khoa học khác thử lặp lại thí nghiệm của Pons và Fleischamann nhiều lần nhưng đều không thu được kết quả đúng như họ công bố. Thế là, công trình lừa đảo vô cùng ngoạn mục gọi là "phản ứng tổng hợp lạnh" của Pons và Fleischamnn bị chỉ trích kịch liệt. Cuối cùng, họ đã lẳng lặng biến mất khỏi cộng đồng khoa học.

Năm 2004, nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk được thế giới ca ngợi khi ông thông báo trên tạp chí Science rằng ông đã nhân bản thành công 11 dòng tế bào gốc từ phôi thai người. Sang năm sau, Hwang công bố các kết quả cho thấy ông tạo được các dòng tế bào gốc từ da của các bệnh nhân - một kỹ thuật có thể giúp giới khoa học tìm ra cách chữa trị riêng biệt cho những người mắc các bệnh thoái hóa.

Năm 2006, sự nghiệp của Hwang sụp đổ khi một số chuyên gia cáo buộc những tế bào gốc của ông là giả mạo. Sau vụ này, Đại học Quốc gia Seoul đã sa thải Hwang và sau cuộc điều tra năm 2009, ông bị buộc tội biển thủ nguồn quỹ dành cho nghiên cứu khoa học. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhà nghiên cứu Na Uy Jon Sudbo thừa nhận ông đã hư cấu và làm giả dữ liệu nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Lancet vào năm 2005.
Nhà sinh học tiến hóa Marc Hauser của Đại học Harvard tại Mỹ buộc phải thôi việc vào tháng 8/2011 sau cuộc điều tra kéo dài ba năm về hành vi cẩu thả trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: Đại học Harvard.
Nhà sinh học tiến hóa Marc Hauser của Đại học Harvard tại Mỹ buộc phải thôi việc vào tháng 8/2011 sau cuộc điều tra kéo dài ba năm về hành vi cẩu thả trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: Đại học Harvard.

Marc Hauser - nhà sinh học tiến hóa của Đại học Havard (Mỹ) thực hiện nhiều nghiên cứu đáng quan tâm bao gồm sự tiến hóa của đạo đức và nhận thức của loài khỉ - buộc phải thôi việc vào tháng 8/2011 sau cuộc điều tra kéo dài ba năm về hành vi cẩu thả trong nghiên cứu khoa học. Các nhà điều tra tuyên bố Marc Hauser chỉ kết luận suy nghĩ của những con khỉ căn cứ vào phản xạ của chúng trước ánh sáng hay âm thanh.

Ferric Fang, giáo sư y khoa thực nghiệm và vi trùng học Đại học Washington tại Mỹ và chỉ đạo nghiên cứu về lừa đảo trong khoa học, cho biết nhiều vụ việc sai trái bắt đầu lộ ra vào năm 1989 sau khi quốc hội Mỹ phê chuẩn luật bảo vệ những người tố giác và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thành lập một ủy ban giám sát tính minh bạch trong nghiên cứu khoa học mà cơ quan này tài trợ.

Heather McFadden, người quản lý chương trình Đạo đức trong nghiên cứu khoa học của Đại học Wisconsin, nhận xét rằng hành vi lừa đảo của các nhà nghiên cứu có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất liên quan đến vấn đề chủng ngừa trẻ em mắc bệnh tự kỷ. Công trình nghiên cứu của Andrew Wakefield công bố trên tờ Lancet vào năm 1998 và các nghiên cứu sau đó phát hiện nhà khoa học này không trung thực trong thu thập dữ liệu.

Do ảnh hưởng của vụ việc, dư luận tại Anh và Mỹ lên tiếng phản đối chương trình chủng ngừa mở rộng đối với bệnh tự kỷ. Một bài báo trên tờ Ann Pharmacother năm 2011 gọi nghiên cứu của Andrew Wakefield là "trò lừa đảo y khoa gây tổn hại nặng nề nhất trong 100 năm qua".

Năm 2009, giáo sư Daniele Fanelli ở Đại học Edinburgh điều tra về tính trung thực của các nhà nghiên cứu. Kết quả, được công bố trên tạp chí PLoS One, cho thấy trung bình 1,97% các nhà khoa học thừa nhận đã "hư cấu, làm giả thay đổi dữ liệu hay kết quả nghiên cứu ít nhất một lần, và 33,7% số người khác thừa nhận nghiên cứu của họ có vấn đề.

Các công cụ mới - như phần mềm so sánh văn bản - cũng phát hiện rất nhiều vụ lừa đảo và đạo văn trong nghiên cứu khoa học. Các tạp chí khoa học thường sử dụng loại phần mềm này để kiểm tra những bài báo sắp được công bố. Ví dụ, một tờ báo phát hiện giáo sư Naoki Mori ở Đại học Ryukyus (Nhật Bản) đã sao chép những hình ảnh trong một số bài báo của ông và dán nhãn khác.

Một cuộc điều tra cung cấp bằng chứng cho thấy giáo sư Mori có “hành vi thao tác dữ liệu” và từ đó Ferric Fang buộc phải rút 6 bài báo của nhà khoa học Nhật Bản này ra khỏi tờ Infection and Immunity do ông sở hữu. Sau đó các tờ báo khác cũng hành động theo Ferric Fang.

(Theo CAND)
[links()]

Bình luận(0)