Xây nhà, làm cầu
Công nghệ in 3D, còn được gọi là công nghệ sản xuất đắp dần, đã được sử dụng vào nhiều công việc có ích, như lần đầu tiên “in” được 2 động cơ máy bay vào tháng 2 qua ở Úc, làm tay giả cho bé Faith Lennox (7 tuổi, sống tại bang California - Mỹ) bị mắc hội chứng khoang hồi tháng 4-2015…
Mới đây, Công ty MX3D chuyên in 3D (có trụ sở tại thủ đô Amsterdam - Hà Lan) sắp ứng dụng công nghệ này để xây chiếc cầu bắc qua một con kênh tại địa phương. Theo báo The Guardian (Anh), dự án dự kiến bắt đầu vào tháng 9 tới, trong đó một máy in 3D tích hợp cánh tay robot được sử dụng để “in” các kết cấu thép theo định dạng 3D.
Tiếp đó, cánh tay robot nung kim loại tới nhiệt độ 1.500 độ C để hàn lại thành cây cầu vững chắc. Một khi hoàn thành vào giữa năm 2017 như kế hoạch, đây sẽ là cây cầu đầu tiên trên thế giới được dựng lên bằng công nghệ in 3D.
|
Công ty MX3D chuẩn bị ứng dụng công nghệ in 3D vào việc xây dựng chiếc cầu bằng thép bắc qua một con kênh ở Hà Lan.
|
Trước đó, vào tháng 3-2014, Công ty Kỹ thuật Thiết kế trang trí Doanh Sáng (Trung Quốc) đã xây thành công ngôi nhà bằng công nghệ in 3D mà không gây huyên náo hay có tí bụi bặm nào, không hề có khí thải carbon. Công nhân cũng ít tiếp xúc với chất độc hại hơn. Việc sử dụng công nghệ in 3D mang lại hiệu quả rất cao cho dự án, như giúp giảm 30%-60% chất thải xây dựng, 50%-70% thời gian sản xuất và 80% chi phí lao động.
Từ khi vật liệu tái chế được sử dụng làm nguyên liệu in 3D, nhu cầu khai thác đá và các vật liệu khác cũng giảm đáng kể. Do đó, theo trang Oddity Central, có thể coi đây là phương pháp vừa tiết kiệm vừa thân thiện môi trường.
Không ít tác động tiêu cực
Sự phổ biến của công nghệ in 3D cũng có mặt trái. Kẻ xấu có thể sử dụng nó để làm ra vũ khí, đe dọa trật tự xã hội và an ninh đất nước. Tạp chí The National Interest (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia cảnh báo các loại vũ khí có thể được sản xuất tại nhà dễ dàng sẽ khiến chính quyền các nước phải xem lại toàn bộ quy định kiểm soát vũ khí.
Vào giữa tháng 6 qua, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ 9 người bị tình nghi chế tạo thuốc nổ trước thềm cuộc bỏ phiếu về cải cách bầu cử. Trong số vật dụng bị thu giữ có máy in 3D.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Illinois (Mỹ) cho biết máy in 3D có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe khi sử dụng trong nhà. Khí thải từ máy in 3D để bàn tương đương đốt một điếu thuốc lá hoặc nấu nướng trên lò gas hay điện. Đó là chưa kể đến chuyện những khoảng trống trong máy in 3D có thể là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn một khi người dùng không vệ sinh kỹ càng.
Theo một số nghiên cứu, máy in 3D hiện vẫn còn “ngốn” khá nhiều điện nên tốt hơn chỉ nên sử dụng ở quy mô nhỏ. Ngoài ra, những mẫu máy in 3D phổ biến nhất đang sử dụng vật liệu là sợi nhựa, đi ngược lại làn sóng kêu gọi bớt phụ thuộc vào chất dẻo để bảo vệ môi trường.
Tác động của công nghệ in 3D trong thị trường lao động cũng có 2 mặt: Có thể đe dọa đến người lao động trong các lĩnh vực sản xuất nhưng lại thúc đẩy nhu cầu về người có kỹ năng với máy móc 3D. Theo nghiên cứu của Công ty Wanted Analysis tại Mỹ, nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng về in 3D đã tăng 103% từ tháng 8-2013 đến tháng 8-2014.