Người tiêu dùng muốn lắp thêm các thiết bị điện khác để tăng tính tiện nghi của xe thì họ bắt buộc phải lắp bổ sung thêm một bình ắc quy khác
- Đối với ô tô, xe máy, việc đấu nhiều các loại phụ kiện liên quan đến thiết bị điện như đèn, còi, âm thanh... cũng là một phần nguyên nhân gây chập điện và gây cháy xe. Đối với ô tô, thiết bị điện thường có công suất lớn nên mức độ nguy cơ cũng cao hơn...
Hiện đại thì... "hại điện"
Xe mới, tiện nghi đa dạng thì không chỉ người mua ưa thích mà còn là tâm lý chung của nhà chế tạo xe. Để tăng tính tiện nghi cho người sử dụng, các hãng xe hiện đại thường trang bị thêm các thiết bị điện có tính thời thượng giống như thời trang. Đó là những thiết bị như máy nghe nhạc, màn hình video, sấy kính chắn gió, thiết bị rửa đèn pha, thiết bị chống trộm, thiết bị bảo vệ trong xe, tiện nghi điều chỉnh ghế bằng điện, bộ mồi thuốc lá, thiết bị cảnh báo khi lùi vào chỗ đậu xe, còi điện cảnh báo công suất cao, thiết bị định vị qua vệ tinh GIS, thiết bị dẫn đường trong thành phố qua màn hình...
|
Người tiêu dùng muốn lắp thêm các thiết bị điện khác để tăng tính tiện nghi của xe thì họ bắt buộc phải lắp bổ sung thêm một bình ắc quy khác. |
Tuy nhiên, tại sao khi lắp thêm các thiết bị tiện nghi lại tăng nguy cơ cháy? Xét về mặt bản chất - điều này có thể lý giải qua kiến thức cơ bản của vật lý phổ thông - nếu người ta lắp thêm nhiều thiết bị sử dụng điện mà lại không lắp thêm nguồn cung cấp điện riêng cho những thiết bị mới lắp thêm này. Bởi ở ô tô, xe máy, nguồn điện sử dụng là nguồn điện một chiều và các thiết bị sử dụng điện đều được mắc song song. Khi các trang thiết bị đều cùng lúc hoạt động hoặc phần lớn được nối mạch hoạt động, lúc này điện trở tương đương trong toàn bộ mạch điện sẽ giảm theo công thức tính điện trở tương đương mà kiến thức vật lý phổ thông đã đề cập.
Số thiết bị điện lắp thêm vào xe càng nhiều, trị số điện trở tương đương của cả hệ thống mạng điện càng giảm. Kết quả là cường độ dòng điện chạy trong dây dẫn chung của mạch sẽ tăng lên theo tỷ lệ nghịch với sự giảm đi của điện trở tương đương. Lúc này, công phát nhiệt trên đường dây dẫn chủ của mạch sẽ tăng tỷ lệ thuận với bình phương của cường độ dòng điện. Dây dẫn chủ của mạch sẽ phát nhiệt đột biến khi nhiều thiết bị cùng lúc được bật lên.
Đó chính là nguyên nhân gây chập cháy dây điện của hệ thống điện trên xe. Nên nhớ rằng, tiết diện và khả năng cách điện của dây dẫn chủ đã được nhà thiết kế xác định chỉ lắp ráp trên xe tương thích với dòng điện cung cấp cho những trang thiết bị trên xe nguyên thuỷ của hãng.
Nay công phát nhiệt của dòng điện chạy qua dây dẫn chủ trong mạng tăng ngoài dự kiến theo thiết kế ban đầu thì chập cháy dây dẫn là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Dùng thiết bị nguyên thủy của xe
Để tránh những nguy cơ tai nạn chập cháy dây điện của xe, nhà chế tạo phải ghi rõ trong thuyết minh sử dụng khi cung cấp xe cho người mua là không được tự ý lắp thêm các trang thiết bị điện khác, yêu cầu dùng nguồn cấp điện là ắc quy nguyên thuỷ của xe.
Trường hợp người tiêu dùng muốn lắp thêm các thiết bị điện khác để tăng tính tiện nghi của xe thì họ bắt buộc phải lắp bổ sung thêm một bình ắc quy khác, nhằm tránh quá tải nhiệt cho dây dẫn chủ của mạng điện nguyên thuỷ trên xe. Điều đó là hoàn toàn cho phép về mặt kỹ thuật với điều kiện là không tự ý lắp ráp mà phải qua bộ phận dịch vụ tư vấn kỹ thuật của hãng để đảm bảo cho việc an toàn vận hành xe.
Đó là những kiến thức mà hãng chế tạo muốn tự bảo vệ mình và người sử dụng xe muốn tự "hiện đại hoá xe" sau khi mua nên lưu ý.
“Trong các nguyên nhân cháy xe có nguyên nhân chập điện. Trong đó, yếu tố lắp ráp thêm các phụ kiện khiến khả năng cao hơn. Bởi hầu hết các phụ kiện lắp thêm đều là hàng không có tiêu chuẩn. Khi lắp vào, dây điện của xe không chịu được tải, làm chập dây điện dẫn đến cháy. Ngoài ra, khi lắp thêm các thiết bị điện này đều không có rơ le tắt khi có chập điện. Hay thợ lắp không tốt làm lỏng các đầu mối, sau thời gian xe chạy thiết bị này bị long ra dẫn cháy. Không chỉ xe máy mới có nguy cơ trên mà ô tô cũng khó tránh khỏi".
Ông Lê Thanh Tùng
(Trưởng bộ phận Kỹ thuật, Đại lý Xe máy Xuân Thủy, Hà Nội) |
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh
(Nguyên phó chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam - VSAE)
[links()]