Mùa hè là thời gian trẻ được nghỉ ngơi thoải mái nên cha mẹ cứ mặc sức cho con chơi với máy tính mà quên kiểm soát thời gian...
- Sau một năm học vất vả, mùa hè là thời gian trẻ được nghỉ ngơi thoải mái nên cha mẹ cứ mặc sức cho con chơi với máy tính mà quên kiểm soát thời gian cũng như những nội dung mà trẻ xâm nhập. Điều này vô hình trung đã làm cho trẻ sinh ra chứng nghiện máy tính, ảnh hưởng đến sức khoẻ...
Sưu tầm "cao kiến"
Đa số các phụ huynh đến với trung tâm tư vấn với tâm trạng lo lắng con mình bây giờ giỏi hơn cả bố mẹ nên khó kiểm tra chúng làm gì trên máy tính. Thoáng thấy chúng xem hình ảnh không tốt nhưng đến nơi thì chúng nó đã phi tang rồi.
Anh Nguyễn Hưng Long, quận 12, TPHCM cho biết: Hai đứa con tôi cháu trai 15 tuổi và cháu gái 10 tuổi nhưng tụi nó mê máy tính lắm, đi học về là bật máy lên chơi liền. Tôi có tham khảo nhiều nơi và sách báo nhưng thấy cũng chưa yên tâm lắm nên tìm đến gặp các bậc phụ huynh như tôi để ai có cao kiến gì thì mình học hỏi thêm về dạy lại con cái.
Chị Trần Hồng Quân nhà ở quận Tân Phú bày tỏ với vẻ mặt đầy lo âu, con gái chị cũng nghiện máy tính. Cháu mới 4 tuổi nhưng đã biết tự bật máy tính lên chơi trò chơi, bữa nào cho chơi máy tính thì ăn cơm còn nhanh, nếu không nó cứ ngồi ngậm suốt, có đánh thế nào cũng vậy nên bây giờ thành thói quen. Thậm chí cháu còn thích ngồi máy tính hơn đi ra ngoài chơi với các bạn hoặc đi siêu thị cùng bố mẹ. Chị Quân lo lắng: Trẻ con nghiện chơi game như vậy có ảnh hưởng đến trí tuệ hay không và nếu được chơi bao lâu thì tốt”.
|
Giới hạn thời gian chơi máy tính của trẻ không quá 3 giờ liên tục. |
Trẻ được công nhận khi chơi
Phóng viên Thái Bình, Báo Tuổi trẻ chia sẻ: Để kiểm tra con chơi những gì trên máy tính cha mẹ phải tâm lý và dùng phương pháp tương kế tựu kế tốt hơn là cấm đoán. Anh nói: Mình là người lớn nhưng nếu bị cấm đoán chuyện gì mà không có lý do rõ ràng chắc chắn sẽ thấy ức chế. Trẻ con cũng vậy, nếu bị cấm chúng sẽ nghĩ rằng: Cha mẹ không thương mình nên mới cấm đoán và mạnh tay với mình.
Hơn nữa, khi chơi một trò gì trên máy tính trẻ biết ngay được kết quả vì có sự công nhận khi chơi và lập thành tích. Còn trong thực tế, khi trẻ có thành tích tốt lại không nhận được sự khích lệ hay lời cảm ơn từ cha mẹ. Nhiều khi cha mẹ cứ coi rằng đó là chuyện mặc nhiên con phải làm được.
Trẻ thích trò chơi hoặc hay tìm tòi trên máy tính không hẳn đã xấu. Cha mẹ có thể vận dụng điều này để giúp con hiểu lợi ích của nó và vận dụng vào cuộc sống. Ví dụ, trên game có trò chơi ươm mầm trồng cây để cây lớn cho quả thì thông qua trò này có thể dạy con về cách sống tốt như gieo một hạt mầm tốt.
Kỹ sư Nguyễn Văn Long, giảng viên Trung tâm Tin học Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, thật ra những trẻ chơi game giỏi là những em rất thông minh nên khi bị cấm đoán các em này sẽ có nhiều trò để đối phó. Nếu cấm trong nhà bằng cách khóa máy hay cài phần mềm các em cũng có thể bẻ khóa vì những chương trình này được có sẵn trên mạng hoặc sẽ trốn ra ngoài chơi tự do hơn.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Văn phòng Tư vấn tâm lý trẻ - Nhà Thiếu nhi quận 1 TPHCM cho biết: Trẻ sử dụng máy tính chủ yếu cho mục đích giải trí như, chat, nghe nhạc, xem phim hoặc trao đổi trực tuyến. Lúc đầu chỉ là nhu cầu giải tỏa bản thân nhưng sau đó nó trở nên cần thiết và trẻ dễ sinh ra chứng nghiện máy tính. Khi phát hiện ra tình trạng này cha mẹ không nên rơi vào trạng thái bất lực và buông lỏng sự kiểm soát quản lý cũng như cấm ngay lập tức mà nên bình tĩnh kéo con ra từ từ bằng phương pháp thỏa thuận thời gian chơi hoặc tạo ra những hoạt động, trò chơi khác lấp dần vào thời gian sử dụng máy tính.
"Cách kiểm soát hiệu quả là phụ huynh nên cài đặt chương trình ngăn chặn những trang web có nội dung xấu để trẻ không xâm nhập vào những trang này. Bên cạnh đó là giới hạn thời gian sử dụng máy tính khi chơi không quá 3 giờ liền nhau và quá 4 giờ trong ngày để trẻ biết dừng lại và không thấy thấy bức rứt khi không được sử dụng máy tính".
Kỹ sư Nguyễn Văn Long |
Quỳnh Anh