Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 28/7 - 17/8 đã khép lại với những tín hiệu khả quan. Lần đầu tiên trên lãnh thổ nước ta diễn ra một hội nghị khoa học mang tầm vóc thế giới, quy tụ được hơn 200 nhà khoa học hàng đầu đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những nhà khoa học từng đạt giải Nobel Vật lý. Hội nghị đã mở ra cơ hội, vị thế và những thách thức mới cho khoa học nước nhà.
"Gặp gỡ Việt Nam" thực sự là một chương trình đặc biệt khi quy tụ được rất nhiều nhà bác học, giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Vật lý, Thiên văn và Vũ trụ học. Đặc biệt hơn khi có sự hiện diện của 5 nhà khoa học từng đạt giải Nobel Vật lý và các Trung tâm nghiên cứu Hạt nhân, Vũ trụ hàng đầu thế giới.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các nhà khoa học thế giới tại Gặp gỡ Việt Nam |
Tại hội nghị lần này, các nhà khoa học đã cùng nhau bàn thảo, nhìn lại những kết quả mới nhất về Vật lý hạt, Vật lý Thiên văn và Vũ trụ học. Các nhà khoa học cũng chia sẻ những phát kiến mới nhất về Vật lý Nano, nhìn lại 1 năm sau khi tìm ra hạt Boson Higgs…
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp, người có công đưa khoa học Vật lý đến với Việt Nam cho biết: "Hội nghị rất thành công vì có sự góp mặt của rất nhiều nhà khoa học trên thế giới. Chúng tôi đã vinh danh nhiều học sinh Việt Nam giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc Olympic quốc tế, trước sự hiện diện của các giáo sư đoạt giải Nobel và các nhà khoa học lớn. Đây là dịp chúng tôi khẳng định học sinh Việt Nam rất giỏi, các em làm cho hình ảnh của Việt Nam rạng danh với thế giới".
Đặc biệt, hội thảo "Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ" đã được các giáo sư, nhà khoa học lớn của thế giới mang đến cho các nhà khoa học Việt Nam "kho tàng" kiến thức khoa học rộng lớn và bổ ích. Ngược lại, các nhà khoa học này cũng đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chứng kiến một Việt Nam non trẻ, lại có nhiều học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, chinh phục được nhiều thành công qua các cuộc thi quốc tế như vậy.
Giáo sư Jack Steinberger, nhà Vật lý người Mỹ đạt giải Nobel năm 1988 cho biết: "Qua gặp gỡ và trao đổi với các bạn trẻ Việt Nam, chúng tôi rất ngạc nhiên là Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và say mê khoa học. Nếu được đầu tư dúng mức, công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam sẽ phát triển xứng tầm hơn, Việt Nam sẽ có rất nhiều nhà khoa học giỏi trong tương lai".
Thông điệp lớn nhất, quan trọng nhất mà Gặp gỡ Việt Nam muốn chia sẻ, nhắn nhủ với các nhà khoa học trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam là: Đừng quên khoa học cơ bản, vì đây là tiền đề cho mọi khoa học, trong đó có khoa học ứng dụng.
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: "Chúng ta phải định hướng lại cho toàn bộ hoạt động khoa học công nghệ của đất nước. Bên cạnh chú trọng vào công nghệ, khoa học ứng dụng, không được quên khoa học cơ bản. Sắp tới, Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt tiếp chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Vật lý và có những đầu tư thích đáng cho những lĩnh vực cơ bản khác".
Điểm nhấn quan trọng nhất tại Gặp gỡ Việt Nam lần này chính là sự ra đời của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Trung tâm được xây dựng trên diện tích hơn 20ha, gồm khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng và các công trình phụ trợ khác do UBND tỉnh Bình Định, Giáo sư Trần Thanh Vân và các cộng sự đầu tư.
Đây sẽ là địa chỉ đỏ, là cầu nối để các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về đây nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, bàn thảo những vấn đề quan trọng của khoa học thế giới. Tuy nhiên, hiện Trung tâm này mới là bước đầu, còn nhiều việc phía trước để duy trì, phát triển Trung tâm xứng tầm là một cầu nối khoa học.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để Trung tâm phát triển xứng tầm. Tuy nhiên, tỉnh cũng đề nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ để Trung tâm này phát triển.
Về dự lễ khánh thành Trung tâm và trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị mô hình này nên thí điểm "công- tư", cần có sự đầu tư xứng đáng để Trung tâm phát triển lên tầm cao mới.