Tại phòng xét nghiệm gen thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ phân tích di truyền Gentics chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về việc xác định ADN của người đã mất nhưng không có kết quả.
ThS sinh học Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng phân tích cho hay, kể từ khi công ty thực hiện dịch vụ giám định hài cốt liệt sĩ cho tới nay có khá nhiều những trường hợp công ty không thể làm xét nghiệm được. Cụ thể, có những gia đình mang tới công ty mẫu của liệt sĩ chỉ là những mẩu đất vụn, hoặc những rễ cây lâu năm mủn nát (nhầm tưởng là xương)...
ThS sinh học Nguyễn Quang Vinh kể, có gia đình lặn lội từ xa mang theo với những khúc xương đủ các kiểu dáng từ tròn, dẹt... để xét nghiệm ADN người thân. Theo tìm hiểu, gia đình này đã nhờ thầy ngoại cảm tìm người thân mất trong chiến tranh. Sau khi chỉ địa điểm cụ thể, gia đình đào lên nhưng không thấy xương mà chỉ thấy toàn đất. Sau khi tìm kỹ, mọi người phát hiện ra mấy mẫu dạng xương đen đen đang trong tình trạng mủn vụn. Nghĩ rằng có thể đây là xương của người thân nên gia đình mang về xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, tại phòng xét nghiệm, qua các phân tích ban đầu của các chuyên gia chỉ rõ đây chỉ là rễ cây lâu năm bị mủn vụn.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp khi đi tìm mộ liệt sĩ đã mang cả xô đất kiểm tra. Hay những trường hợp mang mẫu đi xét nghiệm rất chuẩn tức xương và răng còn nguyên nhưng ADN trong những mẫu này đã không còn. Trong số ra về tay không cũng có gia đình không còn mẫu đối chứng, tức người còn sống muốn xác định anh em vì không có quan hệ theo quy định.
|
Hiện nay chúng ta đang phân tích ADN theo hai dòng là gen nhân và gen ti thể. Ảnh: Trần Hải |
Vai trò quan trọng của dòng họ ngoại
Theo ThS sinh học Nguyễn Quang Vinh, để có thể xét nghiệm được ADN trên các mẫu hài cốt người đã mất, cụ thể như hài cốt liệt sĩ thì việc tìm phần xương, răng còn ADN là vấn đề quyết định. Nhiều mẫu người nhà đưa đến xương đã bị mủn, không còn ADN hoặc ADN đã bị các chất khác xâm hại nên không thể phân tích. Các trường hợp này có thể do chôn đã rất lâu, cùng với đó là khi mai táng ở những bãi đất hoang, điều kiện môi trường nơi chôn cất khắc nghiệt.
"Điều kiện môi trường khắc nghiệt có thể là do nhiều chất xâm hại vào thi thể như nồng độ kim loại nặng cao, độ pH, axit... Tùy vào các trường hợp có thể phân tích thành công nhưng phần lớn rất khó cho kết quả tốt", ThS sinh học Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp đưa mẫu xương và răng, là những vật liệu di truyền đến xét nghiệm nhưng trong đó không còn ADN. Có thể do người này bị chết cháy hoặc do môi trường nắng, nóng, độ ẩm, độ pH, vi sinh vật đất... nên làm gãy, hỏng các sợi ADN.
Đặc biệt, có nhiều trường hợp xét nghiệm xác định được ADN trong mẫu của người quá cố nhưng mẫu đối chứng không còn ai sống sót. Giải thích về vấn đề này, ThS sinh học Nguyễn Quang Vinh cho hay: "Hiện nay, chúng ta đang phân tích ADN theo hai dòng là gen nhân và gen ti thể. Gen nhân thường được dùng để phân tích trực hệ, tức người bình thường gen vẫn còn nguyên. Với hài cốt người quá cố, liệt sĩ, tức đã mất lâu năm thì gen nhân bị hỏng, chỉ còn lại gen ti thể. Gen ti thể là gen mạch vòng và có nhiều trong tế bào chất của tế bào người. Vì thế, dù đã mất nhiều năm nhưng vẫn còn trong các mẫu xương và răng".
Tuy nhiên, gen ti thể di truyền từ mẹ sang các con, nên mẫu đối chứng phải có quan hệ theo dòng mẹ với người đã mất. Cụ thể là mẹ con hoặc anh chị em, cháu chắt bên ngoại mới có gen này. Trong thực tế, có trường hợp gia đình có toàn con trai nên nếu những người này mất đi sẽ không di truyền gen ti thể cho đời sau. Vì vậy, việc tìm mẫu người nhà làm đối chứng là khó khăn dẫn đến không xác định được hoặc những người có quan hệ theo dòng mẹ với liệt sĩ đã mất hết.
Hiện nay, đối với các gia đình có thân nhân quá cố thất lạc mà chưa có điều kiện đi tìm thì việc cần thiết là phải làm thông tin ADN cá nhân cho người có quan hệ theo dòng mẹ với người quá cố thất lạc. Khi đó, việc tìm người quá cố thất lạc sẽ trở nên dễ dàng, có thể tìm vào bất cứ thời gian nào mà không cần quan tâm những người đối chứng còn hay mất.
|
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: