GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam giải thích: Đúng là khả năng thích nghi của động vật hoang dã (ĐVHD) bao giờ cũng tốt hơn động vật nuôi. Lý do là khi mang về nuôi, động vật đã bị mất đi tính hoang dã, mất đi khả năng thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt, vì thế, vào mùa đông khả năng chịu lạnh của động vật nuôi kém hơn so với ĐVHD.
Một lý do khác nữa là do sống trong tự nhiên, các loài ĐVHD có cơ hội chủ động để tránh rét hơn, ví dụ như chuột, dơi, chim... chúng sẽ trú rét trong hang, hốc. Đối với hươu, nai... chúng sẽ tìm đến những bụi rậm trong rừng, nơi rất ấm áp để trú. Còn đối với động vật nuôi, khi rét chúng buộc phải phụ thuộc vào con người.