Sùng ngoại
Trong những năm gần đây, các thương hiệu điện thoại Việt đã liên tục phải chuyển hướng kinh doanh nhằm đối phó với nguy cơ bị khai tử. Hầu hết các thị phần khả quan đều đã và đang được khai phá như điện thoại bình dân giá rẻ, smartphone giá rẻ... Nhưng hầu như chỉ nổi lên được một thời gian ngắn, sau đó lại phải "gồng mình" chống trả sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các thương hiệu ngoại.
Theo con số thống kê từ các trung tâm bán lẻ điện thoại di động lớn tại Việt Nam trong quý I/2013, hiện Samsung đang đứng đầu về doanh thu, chiếm khoảng 37%. Còn về số lượng tiêu thụ Nokia đang là số 1 với 35%, kế đến là Samsung với 33%, các thương hiệu khác chia nhau 32% còn lại. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo dự đoán thị phần của các hãng điện thoại Việt không vượt quá nổi 10%.
|
Người dùng Việt vẫn mang nặng xu hướng "sính ngoại" (Ảnh minh họa) |
Theo dự đoán của hãng thống kê GfK, thị trường smartphone ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ trọng 50% trên toàn bộ số lượng điện thoại được tiêu thụ. Trong đó smartphone giá rẻ sẽ là phân khúc có sức mua mạnh nhất. Đây cũng là thị phần chính mà các thương hiệu Việt đang tập trung khai thác.
Đối với các thương hiệu ngoại, năm 2013 cũng là thời điểm họ sẽ tập trung "đánh" mạnh vào những dòng điện thoại phổ thông cũng như smartphone giá thấp. Phía LG Việt Nam cũng từng khẳng định chiến lược chính dành cho mảng di động của hãng trong năm nay sẽ chủ yếu hướng vào các dòng smartphone từ trung đến cao cấp với mức giá rẻ nhằm phù hợp với đại đa số người dùng Việt.
Không chỉ có các hãng lớn như Nokia, LG, Samsung, HTC ... quay sang tranh dành mảng chủ lực, các thương hiệu Việt còn chịu sự đe dọa mạnh mẽ đến từ các tên tuổi mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Có thể kể ra những cái tên như Sharp của Nhật Bản, GreysTone của Mỹ hay Oppo của Trung Quốc đều đã xuất hiện tại nước ta từ đầu năm 2013. Sản phẩm của các hãng này cũng chỉ tập trung từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, theo số liệu từ Bộ Công thương trong 4 tháng đầu năm 2013, số lượng điện thoại nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam đã ở mức 239 triệu USD, tăng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Việt ngày càng có tư tưởng "sùng ngoại" hơn đối với sản phẩm điện thoại.
Người dùng cần gì ở điện thoại Việt?
Mặc dù hầu hết các smartphone tầm trung mang thương hiệu Việt đều có kiểu dáng chấp nhận được, cấu hình tương đối cùng mức giá rẻ tầm 5 triệu nhưng lý do nào khiến những sản phẩm này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dùng? Và câu trả lời cũng nằm ở chính khách hàng, những người có toàn quyền quyết định tới sự tồn tại của một thương hiệu Việt như vậy.
Theo anh Nam, một người buôn bán điện thoại tại Hà Nội cho biết, vấn đề đầu tiên mà các hãng Việt gặp phải là thương hiệu. Rõ ràng sẽ hết sức khập khiễng nếu đem so sánh FPT, Qmobile ... với Samsung, Nokia và Apple.
Mặc dù tâm lý chung của người Việt là thích "khoe" hơn thích "chất" nhưng về thực tế, chất lượng của các sản phẩm nội cũng khó có thể vượt qua được hàng ngoại. Vì vậy, lựa chọn đầu tiên của người dùng là những chiếc điện thoại nhập cũng không có gì khó hiểu.
Bên cạnh đó, theo anh Nam với số tiền bỏ ra cho một chiếc điện thoại Việt, người dùng hoàn toàn có thể có được một sản phẩm đến từ các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, với chất lượng không những không kém mà còn vượt trội hơn.
Ví dụ FPT IV, chiếc smartphone Việt được cho là mạnh nhất hiện nay, với mức giá 4,5 triệu đồng, người dùng cũng có không ít lựa chọn như Nokia Lumia 520 hay Sony Xperia E.
Mặt khác, các loại điện thoại này thường bị người dùng đánh giá là chỉ có "hồn" Việt còn "xác" lại là của ... Trung Quốc.
Anh Thắng (Hà Nội), cho biết hầu hết điện thoại Việt đều phụ thuộc phần lớn vào các nhà sản xuất Trung Quốc, từ nghiên cứu sản phẩm cho đến linh kiện sản xuất.
Nói cách khác, hàm lượng tri thức Việt trong những thiết bị này đều có rất ít công sức của người Việt. Vì lẽ đó, việc khích lệ tinh thần tự tôn, người Việt dùng hàng Việt là rất khó.
Mặc dù các thương hiệu Việt đều đang tập trung vào khai thác thị phần smartphone bình dân nhưng bài học điện thoại bình dân giá rẻ vẫn còn đó. Điện thoại Việt chỉ thỏa sức tung hoành trong giai đoạn các hãng lớn chưa chú ý, sau đó là cả một quả trình vật lộn gian khổ nhằm tìm hướng đi mới.
Hiện nay, sự cạnh tranh trong phân khúc smartphone giá rẻ đã xuất hiện và nếu không thực sự tỉnh táo, bài học năm xưa sẽ lại tái hiện với các hãng điện thoại Việt.
Theo các hệ thống bán lẻ có tiếng như Thegioididong hay VienthongA... hiện doanh số bán ra của điện thoại thương hiệu Việt từ đầu năm 2013 là khá khiêm tốn. Nguyên nhân phần lớn là do với cùng mức giá, người dùng vẫn có khá nhiều sản phẩm đến từ các tên tuổi nổi tiếng trên thế giới để lựa chọn.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện của các hệ thống phân phối trên, việc tập trung vào phân khúc smartphone cấu hình cao nhưng giá rẻ là chiến lược rất đúng đắn của các hãng điện thoại Việt tại thời điểm này. Nếu vẫn duy trì được mức giá thấp, từ 5 triệu đổ xuống, nhưng cấu hình được cải thiện, điện thoại Việt sẽ có nhiều người dùng hơn, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi mà người dân có thu nhập chưa cao.