Apple Music đánh dấu bước chân đầu tiên của gã khổng lồ Apple vào thị trường âm nhạc vốn lâu nay bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi như Spotify hay Google Play Music.
|
Apple Music là dịch vụ âm nhạc đầu tiên được Apple phát triển với sự kết hợp của Beats Audio. Dịch vụ này sẽ được tung ra chính thức vào 30/6 tới và thậm chí các thiết bị Android cũng được hỗ trợ dịch vụ này dù phải chờ đến mùa thu. |
Dưới đây là một số
đánh giá Apple Music cho thấy điểm mạnh và điểm yếu của dịch vụ âm nhạc của Apple so với các dịch vụ âm nhạc khác có truyền thống trên thị trường như Spotify hay Google Play Music.
Điểm mạnh
Trực tuyến theo yêu cầu
Theo đà phát triển của công nghệ truyền dẫn ngày nay, doanh số bán nhạc dường như đang tụt dốc không phanh nhưng ở thái cực ngược lại, doanh số từ các dịch vụ âm nhạc trực tuyến đang không ngừng gia tăng. Chính vì lẽ đó, Apple Music cũng không phải là một ngoại lệ. Sản phẩm này hứa hẹn sẽ làm thay đổi thị trường dịch vụ âm nhạc trực tuyến trong thời gian tới bởi không chỉ là một sản phẩm mới, đây còn là sản phẩm của một đại gia công nghệ có tiếng và được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ, tôn sùng.
Khả năng sẵn có
Apple cũng cho thấy chiến lược tiếp cận thông minh khi đưa Apple Music lên trên tất cả các nền tảng hệ điều hành bao gồm Windows PC, Android nhằm phổ biến một cách tối đa sự có mặt của dịch vụ mới. Có lẽ rằng, Apple đang hướng tới việc biến dịch vụ âm nhạc Apple Music trở thành một hiện tượng toàn cầu tiếp sau chiếc iPhone đã làm nên lịch sử ngành công nghiệp di động thế giới.
Theo công bố, Apple Music sẽ có mặt trên ít nhất 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, một con số mà dịch vụ Spotify với 58 quốc gia hiện tại chắc chắn sẽ phải ghen tị.
Thử miễn phí
Người dùng iOS sẽ được sử dụng 3 tháng miễn phí dịch vụ Apple Music trước khi quyết định có tiếp tục dùng tiếp hay không với các gói 10 USD/tháng (218 nghìn đồng/tháng) hoặc gói đặc biệt dành cho 6 người trong gia đình với giá 15 USD/tháng (326 nghìn đồng/tháng).
Như vậy, khá dễ dàng để trải nghiệm những tiện ích mà Apple Music đem lại trước khi quyết định sử dụng lâu dài dịch vụ này.
Chiến lược tiếp cận gia đình một cách khôn ngoan
Như đã nói ở trên, Apple đang tích cực thu hút các bậc phụ huynh có thể đăng ký dịch vụ ưu đãi 15 USD/tháng dành cho một gia đình có tối đa 6 người. Điều này cho phép các bậc phụ huynh có thể mang Apple Music tới lũ trẻ trong gia đình với một mức giá tương đối tốt. Trong khi đó nếu như so sánh với dịch vụ Spotify, để nâng lên hai tài khoản trực tuyến người dùng phải mất 15 USD và 5 người là 30 USD.
Beats1 Radio
Vấn đề lớn nhất của mỗi dịch vụ âm nhạc trực tuyến đó là hầu hết người dùng đều không biết tìm nội dung gì và nghe gì trên đó. Chính vì vậy Apple đã tạo ra một trạm thông tin hoạt động 24/7 mang tên Beats1 Radio để cung cấp những bài hát, nghệ sỹ mới mà bạn có thể muốn nghe. Đặc biệt iTunes Radio cũng không hề bị khai tử, dịch vụ này chỉ ẩn bên trong Beats1 Radio.
Kết nối
Apple đang mong muốn hồi sinh lại dịch vụ Ping và biến nó trở thành một tính năng mới mang tên Connect. Đây là một tab bên trong Apple Music sẽ cho phép người dùng có thể xem các nguồn cấp dữ liệu âm nhạc, video, hình ảnh hay các bài đăng. Tính năng này được thiết kế để người dùng có thể kết nối được với các nghệ sỹ và đông đảo fan hâm mộ thông qua một cộng đồng giống như các trang mạng xã hội.
Thật khó có thể nói Connect sẽ thành công hay thất bại nhưng đây chắc chắn sẽ là một tính năng hứa hẹn được nhiều người yêu thích trong thời đại kết nối ở muôn nơi như hiện nay.
Điểm yếu
Nói về điểm mạnh của dịch vụ Apple Music nhưng chúng ta cũng không quên đề cập đến những hạn chế mà dịch vụ này vẫn còn tồn tại và cần khắc phục thêm trong thời gian tới.
Thời điểm phát hành
Thời điểm phát hành được Apple ấn định vào ngày 30/6 có thể sẽ là con dao hai lưỡi. Bởi lẽ rằng, phần đông người dùng hiện nay đều muốn thử nghiệm mọi thứ nóng hổi và ngay tức khắc. Tuy nhiên trái ngược lại, Apple đang khiến các tín đồ "Táo cắn dở" và nhiều người dùng khác phải chờ đợi lâu hơn, trong khi đó nhiều khi sự quan tâm cũng có thể sẽ mất dần theo thời gian.
Không miễn phí/Phân tầng hỗ trợ quảng cáo
Apple ít khi làm những dịch vụ miễn phí hoàn toàn giống như Microsoft và Apple Music cũng không ngoại lệ. Không chỉ vậy, dịch vụ âm nhạc Apple Music có lẽ sẽ không dành cho những người không có niềm đam mê và nguồn lực tài chính đủ dồi dào. Với công bố rằng sẽ được thử nghiệm miễn phí 3 tháng chỉ với người dùng iOS, dịch vụ Apple Music rõ ràng không phải dành cho tất cả mọi người.
Về hạn chế khác là việc phân tầng hỗ trợ quảng cáo. Có thể thấy rằng, Spotify đã làm khá thành công trong việc sử dụng các phân tầng hỗ trợ quảng cáo miễn phí có giới hạn để lôi kéo người nghe chuyển sang trở thành các thuê bao trả phí. Spotify nói rằng, có 80% các thuê bao dịch vụ trả phí đều bắt đầu từ những người dùng miễn phí.
Còn với Apple, mặc dù đã có công cụ quảng cáo iAd, tuy nhiên rõ ràng rằng Apple vẫn không phải là một công ty chuyên về quảng cáo. Do đó, việc thiếu đi phân tầng hỗ trợ quảng cáo là một điều phần nào đã được dự đoán từ trước.
Giá bán
Dịch vụ Apple Music có giá 10 USD/tháng (218 nghìn đồng/tháng) và cũng có phần tương đương với nhiều đối thủ khác như Spotify. Tuy nhiên, Apple lại không thể thuyết phục các hãng thu âm có thể thu phí ít hơn và đó rõ ràng là điểm hạn chế về chính sách giá của Apple.
Apple không kiếm tiền bằng nội dung trên các thiết bị tại một thời điểm. Hãng kiếm tiền bằng doanh số bán hàng tỷ thiết bị mỗi ngày trên thế giới. Do đó, nếu như có một dịch vụ âm nhạc trực tuyến phổ biến trên iPhone có thể sẽ kích thích bán được nhiều iPhone hơn. Nhưng với điều kiện mức giá cần phải thấp hơn so với thị trường.
Nếu như không có được điều kiện đó, Apple phải chăng nên tung ra các chương trình khuyến mãi thúc đẩy doanh số bán hàng bằng việc tặng 6 tháng hoặc 12 tháng đăng ký miễn phí khi mua iPhone/iPad/MacBook hay máy Mac. Đó chắc chắn sẽ là một ý tưởng tuyệt vời mà Apple có thể áp dụng ngay trong thời gian tới.
Thiếu sự độc quyền
Có thể hiểu theo một cách đơn giản rằng, Apple có thể đã chi mạnh tay cho một số nội dung độc quyền trên Apple Music nhưng hiện hãng chưa đề cập tới bất kỳ thông tin nào liên quan đến tính độc quyền của các nội dung âm nhạc. Điều này đặt ra vấn đề sẽ gây mất lòng tin đối với người dùng về tính hợp pháp và độc quyền của nhiều bài hát có mặt trên Apple Music.
Sẽ là quá sớm khi đưa ra những nhận định về sự thành công hay thất bại của Apple Music nhưng có thể thấy rằng, bất kỳ một dịch vụ nào đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định so với các dịch vụ khác. Đó cũng là cách tạo dựng nên nét riêng biệt không lẫn vào đâu được của các hãng phát triển dịch vụ.
Chính vì vậy, chúng ta hãy cũng chờ xem thời gian tới Apple Music có thực sự thổi được một luồng gió mới và chiếm lĩnh được thị trường âm nhạc trực tuyến hay không, hay chỉ là một cơn gió nhẹ lướt qua làm xao động thị trường nhất thời mà thôi.