Một số nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Colorado (CSU) vừa phát triển thành công công nghệ giúp người khiếm thính có thể nghe được bằng lưỡi. Công nghệ này không giúp khôi phục thính lực của tai người, thay vào đó là chuyển âm thanh thành các rung động có thể cảm nhận được bằng lưỡi. Thông qua đó, người khiếm thính có thể "hiểu" được âm thanh trong môi trường.
Phương pháp của CSU có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với biện pháp cấy ghép ốc tai. Hơn nữa, bệnh nhân sẽ không cần phải trải qua những ca phẫu thuật phức tạp và giảm thiểu nguy cơ tổn thương.
|
Thiết bị cho phép người khiếm thính nghe bằng lưỡi. |
Công nghệ này hoạt động tương tự như nhiều phương pháp thu nhận âm thanh phổ biến khác. Cụ thể, một tai nghe hỗ trợ Bluetooth sẽ thu âm thanh và truyền tới bộ vi xử lý trung tâm. Bộ vi xử lý trung tâm có nhiệm vụ chuyển âm thanh thành xung điện tương ứng cho từ ngữ.
Tín hiệu điện từ loa Bluetooth sẽ được truyền đến một bộ cảm biến gắn trong miệng. Khi lưỡi của người khiếm thính chạm vào thiết bị này, các điện cực trong đó sẽ phóng xung điện và chuyển tiếp tín hiệu đến não.
Theo John Williams, một thành viên của nhóm phát triển thì cảm giác nhận xung điện "tương tự như bọt sâm panh hoặc kẹo nổ Pop Rocks trên lưỡi." Do đó công nghệ mới rất an toàn cho người sử dụng.
Hiện tại, thiết bị hỗ trợ vẫn còn có kích thước khá lớn, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tạo ra những phiên bản có thể cấy vào miệng. Mức giá khi phát hành là khoảng 2000 đô la, rẻ hơn gần 1/5 so với phương pháp cấy ghép ốc tai hiện nay.